Đường rừng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Một ngày cùng Bù Gia Mập

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 240 km có thể là quãng đường xa với người ngại đi lại, chưa đủ duyên, nhưng có thể cũng là gần, để chỉ cần một chút cảm hứng và một ít quyết tâm là ta có thể có cho mình một chuyến trekking khó quên.

Đồng hương

Bắt đầu từ TP.HCM, theo quốc lộ 14, chúng tôi đến thành phố Đồng Xoài, từ đây còn khoảng 80 km là tới Bù Gia Mập. Lúc chúng tôi rời TP.HCM trời xám xịt, những đám mây bạc, mây xám trĩu nước, chừng như có thể trút xuống bất cứ lúc nào. Ấy thế mà trời thật đãi người có lòng, từ Đồng Xoài vào Bù Gia Mập, trời cứ quang dần lên, xanh dần ra. Đâu đó, tôi thấy ánh nắng hắt lên những rừng cao su buổi sáng, trong hơi ẩm của sương, tạo thành những vệt đan xen mà dân nhiếp ảnh rất thích khi săn ảnh: các ray nắng.

Từ Đồng Xoài vào Bù Gia Mập là những đoạn đường uốn lượn, từ đoạn qua Thuỷ điện Thác Mơ, bắt đầu và nối tiếp hai bên đường là những vườn Điều lâu năm, vươn lên kiêu hãnh trên nền đất đỏ. Càng vào gần, sự xuất hiện của những vạt rừng Cao su càng nhiều hơn, cũ mới đan xen, trẻ - già chung sống.

Trà My hoa đỏ, Chuối cô đơn và một số loài động vật được cứu hộ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trà My hoa đỏ, Chuối cô đơn và một số loài động vật được cứu hộ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Được hiệp đồng từ trước, đón chúng tôi tại Trung tâm quản lý Vườn quốc gia là Ánh, một đồng hương Hà Tây (cũ) của tôi. Không hề có một chút ngại ngùng, xa lạ hay khoảng cách dù là lần đầu gặp mặt, Ánh tư vấn chúng tôi rất nhiệt tình về lịch đi rừng.

Trước tiên, cô dẫn chúng tôi tham quan quanh trung tâm. Cô miệt mài kể, chỗ này là cây Trà My hoa đỏ quý hiếm, chỗ kia là dãy vườn ươm Cẩm Lai, loại gỗ quý nhóm 1… Chúng tôi còn được Ánh dẫn vào trạm cứu hộ động vật hoang dã, ở đây có từ rái cá, những loài linh trưởng quý, cho đến hươu, trăn…, có cả những chú khỉ mất tay, mất chân vì dính bẫy được đưa về đây chăm sóc.

Một loài linh trưởng quý đang được chăm sóc tại trung tâm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Một loài linh trưởng quý đang được chăm sóc tại trung tâm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ánh bảo, do còn hạn chế về cơ sở vật chất, nên trung tâm chủ yếu cứu chữa, chăm sóc các loài linh trưởng, thú nhỏ, chứ chưa có điều kiện với các loài thú lớn. Có những con vật bị thương tật quá nặng thì sẽ được hưởng chính sách chăm sóc trọn đời. Điều này còn có thể xảy ra cả với các loài động vật bị nuôi nhốt quá lâu, mất bản năng hoang dã, mất khả năng săn mồi và sinh tồn trong tự nhiên. Còn với các loài vật có thể “tái hoà nhập” môi trường rừng, trạm sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để đưa chúng trở lại tự nhiên.

Sau đó, chúng tôi lên đường thăm thác Đăk Mai. Thác nằm vắt ngang con suối, sau cơn mưa, nước tuôn xối xả, trên nền trời xanh gần như cố hữu của một vùng giáp ranh Tây Nguyên, Đăk Mai tuôn bọt trắng, bụi nước bay xa cả đôi chục mét. Thảng có lúc, lấp lánh ánh cầu vồng.

Thác Đăk Mai. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thác Đăk Mai. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nằm ở “cái gạch nối” giữa đại ngàn và Đông Nam Bộ nên Đăk Mai còn khá hiền hoà chứ không hùng vĩ hay ồn ào như nhiều thác khác của Tây Nguyên. Dầu vậy, đây vẫn là điểm rất đáng đến với du khách. Xuống tận chân thác, chạm vào làn nước mát, hoà cùng ì ào tiếng suối chảy, mọi oi nồng của buổi trưa bị giấu biệt.

Do đã sát giờ, lại liên hệ muộn nên không kịp đặt cơm nhà bếp, Ánh dẫn chúng tôi ra chợ trung tâm. Một ngôi chợ đơn sơ theo kiểu “ba sạp rau, hai sạp thịt”. Trong bữa trưa, tôi tranh thủ khai thác thêm cô hướng dẫn viên này.

Ánh bảo, trước cô học Đại học Nông lâm TP.HCM, rồi được phân về đây công tác, rồi bén duyên và “chung kết” cùng ông xã là đồng nghiệp cơ quan. Sau hơn 10 năm làm, riết thành quen. Công việc chính của cô là tuyên truyền về bảo vệ rừng cho cộng đồng, những dịp tăng cường, cô còn hỗ trợ trung tâm để dẫn khách tham quan (trường hợp của chúng tôi là một ví dụ). Hiện trung tâm có khoảng 90 cán bộ, nhân viên, thuộc nhiều bộ phận từ hành chính, cứu hộ…

Lời dặn dò... Ảnh: Thành Nguyễn.

Lời dặn dò... Ảnh: Thành Nguyễn.

Tôi hỏi, ở đây toàn cây cối chim muông có buồn không? Và rồi nhận lại sự ngạc nhiên không hề nhẹ. Ánh bảo, làm riết, đi rừng nhiều, chứng kiến các đồng nghiệp yêu, say nghề, cô đã coi đây là ngôi nhà thứ hai. Dù là người trẻ, nhưng với Ánh, những nơi đô hội như TP.HCM lại ồn ào quá, tóm lại: Không hạp!

Xong bữa trưa chớp nhoáng, chúng tôi tiếp tục lên đường. Có “giấy thông hành” là cô hướng dẫn viên này, chúng tôi đi lại khá thuận lợi. Ánh quen hết các chốt, trạm, gặp ai cũng thấy chào hỏi, trò chuyện dăm ba câu. Rồi chúng tôi cũng chính thức lạc trôi vào trong “bụng” của vườn quốc gia. Con đường nhựa nhỏ mà đẹp, uốn lượn mềm mại dưới tán lồ ô. “Lãnh địa” của lồ ô khá lớn, túm chục, túm trăm lại với nhau thành bụi, tự sinh, tự diệt, dường như không chịu bất kỳ sự tác động nào của con người.

Vừa đi, chúng tôi vừa được nghe Ánh kể, phân tích về rừng, về các loài cây, con vật, về thói quen, tập quán, những điều cần biết, cần tránh khi tham quan. Chúng tôi quyết định hạ kính, tắt điều hoà, hưởng trọn gió trời, thoảng trong đó là mùi hương rừng, một cái gì thơm tho, trong trẻo thật khó gọi tên. Có lúc đang mải kể chuyện, cả đám lại ồ lên thích thú khi gặp một chú khỉ chạy ngang, hay có lúc là một cánh chim cu xanh xẹt vội trên tàng cây gần đó.

Càng đi sâu, rừng già càng hiện lên vẻ đẹp nguyên thuỷ ngoài sự vọng tưởng của người lạ mặt. Nắng nhảy nhót trên những tàng cây, trong cái sự u nhã của rừng xanh, trong tiếng chim kêu vượn hót, chúng tôi cứ chìm dần vào cảm giác mê đắm mà tận hưởng tự lúc nào chẳng biết. Chuyện vẫn chuyện, nhưng dường như ai đó cũng đeo đuổi những ý nghĩ riêng của mình với thiên nhiên.

Nắng sớm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nắng sớm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Những người gác rừng

Rồi chúng tôi ghé trạm kiểm lâm số 2. Trạm thường trực có ba người, anh Quyết – trạm trưởng, anh Hùng, em Quang cán bộ kiểm lâm.

Trước khi chính thức treking, chúng tôi có một cuộc trò chuyện ngắn cùng “những người của rừng”.

Anh Quyết quê Quảng Trị, học Đại học Nông lâm Huế, 11 năm từ khi ra trường anh đã gắn bó với Bù Gia Mập, cũng ngần ấy cái Tết, anh chưa một lần được hưởng niềm vui trọn vẹn cùng gia đình. Cả trạm chỉ có 3 anh em bảo ban, chia cùng nhau niềm vui, nỗi buồn, chia cả sự cô đơn và vất vả. Cộng dồn cả tháng mùa mưa, mỗi người chỉ được nghỉ 6 ngày/tháng, mùa khô thì ít hơn – 4 ngày/tháng. Mà ai gần nhất thì đi lại di chuyển cũng mất khoảng 1 ngày đường. Bao năm qua, anh em cứ chia nhau ra, một người nghỉ thì một người “gác trạm”, một người đi rừng cùng cộng đồng giao khoán bảo vệ rừng (Vườn quốc gia có hợp tác cùng 600 hộ thực hiện giao khoán, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng).

Trò chuyện cùng anh Hùng và Ánh. Ảnh: Thành Nguyễn

Trò chuyện cùng anh Hùng và Ánh. Ảnh: Thành Nguyễn

Còn anh Hùng, giờ chỉ còn một cánh tay phải. Chuyện xảy ra vào một đêm năm 2009, một nhóm đối tượng 5 người đã xông vào trạm với vũ khí dao dài, mã tấu. Anh mất một cánh tay từ đó. Anh Hùng kể lại nhẹ tênh, nhưng nó khiến chúng tôi rợn cả người. Chẳng biết do phải đối mặt thường xuyên với nạn săn bắn trộm, khai thác gỗ lậu, với những lần bị chĩa thẳng súng vào người mà anh và đồng đội lại dạn dĩ, kiên trung đến vậy.

Còn với Quang, cậu thanh niên trẻ tuổi (sinh năm 1996) người Mơ Nông - người nhận trách nhiệm dẫn chúng tôi treking lại có nét gì đó hiền lành, chất phác. Quang ít nói, khiêm nhường, nhưng lúc đi rừng lại rất cẩn thận. Là người tiên phong, Quang chọn những chỗ dễ đặt chân nhất, những chỗ dễ bấu víu nhất để những kẻ ngoại đạo như chúng tôi an toàn, dễ chịu hơn trong cuộc leo rừng.

Trekking

Nhắc lại Ánh, cô là người “khoá đuôi”, suốt chặng đường, cô không ngớt chỉ cây nọ, trỏ cây kia, giới thiệu cho chúng tôi về các loài cây, đặc tính, công dụng. Cô gái này vẫn vậy, cứ nói miệt mài về rừng, nghe giống kể về một người yêu nhiều hơn.

Bữa đó, chúng tôi được hướng dẫn cách đánh dấu đường để đỡ lạc. Cụ thể, ở các ngã rẽ, người đi đầu sẽ đánh dấu bằng các ký hiệu như bẻ một nhành cây nhỏ, người đi sau sẽ dễ dàng theo bước nếu “chậm chân”, hoặc lúc quay về dễ dàng xác định phương hướng.

Cơn mưa nắng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Cơn mưa nắng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bữa đó, chúng tôi biết thêm nhiều loài cây quý, không chỉ mục sở thị để trầm trồ, mà còn được “chạm” vào chúng, chỗ này là Bằng lăng rừng có khả năng chữa tiêu chảy (dùng vỏ sắc nước uống), chỗ kia là cây Trà rừng có thể đun nước, chỗ khác lại là cây Kơ-nia khổng lồ… Rồi còn cây Đa bóp cổ (leo nhờ cây – vật chủ, khi đủ lớn thì dùng rễ siết chết vật chủ và chiếm chỗ), cây Bách bệnh, cây Ươi, cây Chuối Cô đơn (hay còn gọi là chuối chân voi vì giống chân con voi và đặc tính sinh sản bằng hạt chứ không đẻ nhánh)…

Mấy cái ôm. Ảnh: Thành Nguyễn..

Mấy cái ôm. Ảnh: Thành Nguyễn..

Sau khoảng 3 km đường rừng, với 3 con dốc lớn, chúng tôi chạm mặt suối Đăk Ka. Đây là một điểm dựng lán, hạ trại quen thuộc của các nhóm du khách. Bên suối, một dãy lán đã được dựng sẵn, phục vụ nhu cầu “lưu trú” trong rừng. Đăk Ka dịu dàng chảy, soi bóng màu trời đã xanh thẫm và những hàng cây cổ thụ.

Lấp ló bên suối là bóng dáng của những khóm Lan Kiến cò đỏ (tên khoa học Habenaria rhodochila) – một loại lan quý chỉ mọc trên đá và xuất hiện vào mùa mưa. Những cây lan thân mềm nở hoa trên đá, rung rinh bên dòng suối, đẹp một cách bình dị, như những con người chúng tôi được gặp trong cuộc hành trình.

Lan Kiến cò đỏ chỉ mọc trên đá. Ảnh: Thành Nguyễn.

Lan Kiến cò đỏ chỉ mọc trên đá. Ảnh: Thành Nguyễn.

Chúng tôi đã dành một khoảng thời gian đủ lâu để nghỉ mệt, và hơn hết để hít hà cái khí tượng một hôm trong rừng vắng, của suối, của cây rừng, của bầu không khí mà đến hít thôi cũng cảm thấy như giàu nhựa sống hơn hẳn.

Suối Đăk Ka. Ảnh: Thành Nguyễn.

Suối Đăk Ka. Ảnh: Thành Nguyễn.

Một ngày không quá nhiều, nhưng những điều trải được, học được lại không hề ít. Về đến trạm, giữa hai kẽ chân là mấy chú vắt đã no máu, căng tròn mà vẫn tham lam không chịu nhả. Bữa đó, dù đã bôi thuốc Dep khắp các vùng da hở, bôi ở trên giày, tất, tôi vẫn phải “hiến máu” theo cách đầy ám ảnh như thế.

Lúc tạm biệt anh em, khi cánh rừng đã dần lùi xa sau cửa kính, trời bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa đến bất chợt không hề báo trước và dần phủ lên khu rừng xanh thẫm một màn hơi nước mờ ảo, giấu vào trong rừng những con người nhỏ bé, giấu hết cả những gian khó, vất vả và cả mối hiểm nguy của người, của rừng.

Bù Gia Mập đã thành hoài niệm đẹp mà nếu có dịp, chúng tôi lại sẽ trở lại nơi này.

Toàn cảnh Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Thành Nguyễn.

Toàn cảnh Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Thành Nguyễn.

Vài điều lượm lặt:

Lần đầu chúng tôi được biết khái niệm khi đi rừng có loại quả ăn được một lần và loại quả ăn được nhiều lần – Ăn được một lần là loại quả có độc, ăn vào là mất mạng, còn quả ăn được nhiều lần lại coi như một thực phẩm phòng khi nhỡ bữa.

Những tên săn trộm thường sẽ giấu súng kíp trong rừng để tránh bị phát hiện. Khi gặp lực lượng kiểm lâm, chúng sẽ phản kháng quyết liệt trước khi bỏ chạy.

Trong rừng không có sóng điện thoại Việt Nam nhưng lại có sóng điện thoại Campuchia. Giá cước gọi cho mạng Viettel là 2.000đ/phút, mạng Vinaphone, Mobifone là 7.500đ/phút.

Cộng tất cả các khoản cả lương, phụ cấp khu vực, độc hại, ưu đãi ngành, lương một cán bộ kiểm lâm như anh Hùng (17 năm công tác) chỉ khoảng hơn 10 triệu/tháng.

Với các anh em kiểm lâm, kỳ nghỉ hè của gia đình không phải là khu du lịch ở vùng biển nọ, biển kia, nhiều khi một dịp cho con lên chơi ở trạm vài ngày đã là rất quý.

Trạm kiểm lâm chưa có điện lưới, chỉ dùng năng lượng mặt trời, những ngày mưa kéo dài, điện là thứ xa xỉ.

Để được chơi một buổi cầu lông, anh Hùng phải chạy xe cả đi, cả về gần 40km.

Bù Gia Mập, Bình Phước, tháng 10/2022.

Tin bài liên quan