Phân bón Cà Mau với chiến lược tạo giá trị bền vững

Phân bón Cà Mau với chiến lược tạo giá trị bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi chọn bỏ vốn vào doanh nghiệp phân bón Việt Nam, nhiều nhà đầu tư chọn Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) bởi doanh nghiệp có vị thế đầu ngành và tiềm năng tăng trưởng vượt trội trong tương lai.

Thay đổi để phát triển

Báo cáo tài chính của PVCFC ghi nhận kết quả sản xuất và kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 vượt chỉ tiêu được giao, trong đó đặc biệt là chỉ tiêu sản lượng kinh doanh. Cụ thể, sản lượng urê tiêu thụ ước đạt 460 nghìn tấn, vượt kế hoạch được giao (trong đó xuất khẩu ước đạt 160 nghìn tấn đi các nước Campuchia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Chilê...). Do giá bán bình quân giảm 14% so với kế hoạch trong khi giá khí tăng 8,8% so với kế hoạch dẫn đến chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đạt thấp hơn so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đánh giá của CTCK SSI cho thấy, đây là một nỗ lực lớn bởi nửa đầu năm bối cảnh kinh doanh ngành phân bón có nhiều khó khăn và thách thức. Đầu tiên, giá phân bón vẫn trong xu hướng giảm (bình quân giảm 30 - 40% so với 2022), trong khi đó, chi phí nguyên liệu khí tăng cao hơn so với kế hoạch do giá dầu FO duy trì ở mức cao, làm cho giá thành sản xuất không cạnh tranh với đa số các nguồn hàng từ các khu vực có sản xuất ure đi từ khí thiên nhiên.

Bên cạnh đó là các vấn đề về cạnh tranh với phân bón nhập ngoại ngày càng gay gắt, tình trạng dư cung phân bón nói chung và phân bón NPK nói riêng, nông sản đầu ra của nông nghiệp không mấy triển vọng...

Trong khi đó, chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu mà Tập đoàn PVN giao phấn đấu là những chỉ tiêu thách thức nhất từ trước tới nay của PVCFC.

Bằng cách triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, PVCFC đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ, nộp ngân sách được giao.

“Doanh nghiệp luôn kiên trì mục tiêu giữ vững thị phần tại thị trường mục tiêu và xâm nhập những thị trường mới. Công ty liên tục cân đối và điều chỉnh chính sách bán hàng linh hoạt, triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến bán hàng, chủ động tìm kiếm được thị trường ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu”, lãnh đạo PVCFC cho biết các giải pháp vượt khó mà Công ty đã quyết liệt triển khai.

Kỳ vọng lợi nhuận quý II đã “chạm đáy” và sẽ đi lên trong nửa cuối năm, nhiều nhóm đầu tư đã quyết định mua cổ phiếu DCM đầu tư trung hạn. Ông Lê Quang Vinh, mua hơn 100.000 cổ phiếu DCM cho biết, ông quan tâm đến việc PVCFC vận hành sản xuất Nhà máy Đạm Cà Mau hiệu quả, an toàn, ổn định với công suất urê bình quân từ đầu năm đến nay khoảng 113-114% so với thiết kế.

Công tác bảo dưỡng tổng thể nhà máy trong tháng 8/2023 với tổng hạng mục dự kiến thực hiện là 2.395 hạng mục được Nhà máy tập trung thực hiện với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư 100% chất xám Việt mà không cần sự trợ giúp từ chuyên gia bên ngoài.

Đặc biệt, nhà đầu tư quan tâm tới thông tin Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ hết khấu hao từ cuối năm 2023. Ước tính từ năm sau, Công ty sẽ tiết giảm khoảng 1.000 tỷ đồng chi phí khấu hao nhà máy. Với việc đã trả hết lãi vay đầu tư nhà máy, cũng như khấu hao đã trích lập toàn bộ, giới đầu tư kỳ vọng từ năm 2024 trở đi, Đạm Cà Mau có thể tiếp tục nâng cổ tức cho cổ đông nhờ lợi nhuận tốt, quỹ tiền mặt dồi dào.

Chiến lược tạo giá trị bền vững

Theo đánh giá của nhà đầu tư Lê Quang Vinh, PVCFC hội tụ nhiều yếu tố của một doanh nghiệp tăng trưởng bền vững cùng với sự đi lên của nền kinh tế. Trước hết là chuỗi giá trị khép kín mà Công ty đã dày công gây dựng. Hiện Công ty giữ thị phần nội địa từ 30 - 35%/năm về ure, phấn đấu đáp ứng từ 5 - 10% thị phần NPK, tương tự là các dòng sản phẩm phân bón khác.

Báo cáo tài chính các kỳ gần đây của PVCFC cho thấy doanh nghiệp dành tỷ lệ chi phí không nhỏ cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Cụ thể, chi phí cho phát triển khoa học và công nghệ thường chiếm tỷ trọng cao trong chi phí bán hàng và quản lý.

Lãnh đạo PVCFC cho biết, Công ty ưu tiên đưa ra các dòng sản phẩm phân bón mới có giá trị cao hơn sản phẩm hiện tại, giá thành cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của nông dân và hệ thống phân phối.

“PVCFC duy trì hiệu quả các thị trường truyền thống và phát triển mạnh mẽ việc kinh doanh quốc tế, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới theo xu hướng nông nghiệp xanh như NPK hòa tan, phân bón lá bên cạnh hữu cơ vi sinh, các giải pháp canh tác công nghệ cao…”, phát biểu của ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc PVCFC tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 được nhiều nhà đầu tư chú ý và đánh giá cao.

Nền tảng phát triển bền vững của PVCFC còn đến từ hệ thống phân phối vững mạnh, trải rộng trong nước và một số thị trường nước ngoài. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng hệ thống phân phối cấp 1 gấp 2 lần so với hiện tại; tăng trưởng hệ thống phân phối cấp 2 hàng năm đạt 5%/năm và mục tiêu ít nhất có 15.000 đại lý cấp 2.

“Cơ cấu tài chính lành mạnh và dòng tiền hoạt động kinh doanh ổn định là điểm sáng. Với dự phóng hoạt động kinh doanh DCM đã chạm đáy trong 2023F, BSC ước tính dòng tiền hoạt động kinh doanh của DCM sẽ đạt trên mức 2.000 tỷ đồng mỗi năm”, báo cáo mới của CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) nhấn mạnh.

Nửa cuối năm còn nhiều thách thức đối với việc hoàn thành kế hoạch năm 2023 của PVCFC, đặc biệt là các chỉ tiêu tài chính (doanh thu, lợi nhuận). Dù vậy, với nhiều giải pháp trong quản trị, sản xuất, kinh doanh, nhà đầu tư tin tưởng, PVCFC có thể đạt được kết quả tốt nhất, tăng trưởng bền vững với vị thế của một doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam.

Tin bài liên quan