Hòn ngọc Viễn Đông. Ảnh: Shutterstock.

Sài Gòn, hôm nay tôi nhớ em!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tôi từng nghe ai đó nói, đại ý thế này: Với Sài Gòn, người ta thương bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt, như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.
Sài Gòn mùa Sao Đen rụng trái (Hồ Con Rùa). Ảnh: Internet.

Sài Gòn mùa Sao Đen rụng trái (Hồ Con Rùa). Ảnh: Internet.

Tôi rất thưởng thức những con phố Sài Gòn, những con đường rợp bóng cây nơi quận 1, nhất là ở Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur - những con phố với hàng cây Sao Đen đẹp đến mê hồn. Nguyên nhân của trang viết này cũng bởi một điểm chạm vô tình - lâu lắm rồi, bữa nay tôi mới qua Lò Đúc - con phố hiếm hoi của Hà Nội có hàng Sao Đen cổ thụ, tự nhiên lại nhắc nhở tôi nhớ Sài Gòn.

Nỗi nhớ Sài Gòn đôi khi lại bắt nguồn từ... Hà Nội. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nỗi nhớ Sài Gòn đôi khi lại bắt nguồn từ... Hà Nội. Ảnh: Thành Nguyễn.

Quay lại với "hòn ngọc Viễn Đông", tôi thấy hình như thành phố này vun đắp niềm cảm mến trong mỗi người từ những điều nhỏ nhặt, nụ cười hiền của anh lái taxi, tính giao tế cẩn thận, chu đáo của những người làm nghề phục vụ, mà ai cũng hóm hỉnh, bộc trực và dễ gần. Rồi còn con nắng vàng ươm, da trời xanh ngắt, hay vô số những điều khác nữa. Cái thiện cảm ấy cứ gieo vào lòng người thành phố và cả khách phương xa, cứ đầy dần theo năm tháng, mà như vậy thì thật khó cưỡng nổi sự yêu.

Sài Gòn, trời xanh gì mà xanh ngắt. Ảnh: Thành Nguyễn.

Sài Gòn, trời xanh gì mà xanh ngắt. Ảnh: Thành Nguyễn.

“Sài Gòn sớm nắng, chiều mưa/Mắt chị bán bắp cũng đong đưa tình”, đã có bận tôi thốt lên như vậy trước cử chỉ đáng yêu hết nấc của một chị hàng rong.

Khi tôi nói muốn viết đôi điều về Sài Gòn, anh đồng nghiệp hỏi: Có mối tình nào sâu đậm không? Tôi bảo: Không, chưa từng yêu cô gái Sài Gòn nào.

Anh bảo: Thế thì vẫn thiếu gia vị…

Tự dưng thấy tủi thân ghê gớm, giá mình có đủ một mối tình.

Tôi vốn si mê thành phố này, vậy mà còn có thêm một cô người yêu ở đó, thì chắc là còn nhiều lắm những sự khắc khoải.

Tôi từng đọc “Em có thích nước Mỹ không?” hay xem “Chuyện tình London”, nhưng hình như chưa có một “Chuyện tình Sài Gòn” trong văn học hay phim ảnh thì phải.

Sài Gòn chợt nắng, chợt mưa. Ảnh: Thành Nguyễn.

Sài Gòn chợt nắng, chợt mưa. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nhiều lần, tôi bắt gặp những thùng nước mát miễn phí của người Sài Gòn dành tặng khách qua đường. Hay một chiều nọ, một chú công nhân bốc vác xé ít vụn bánh mỳ thả cho lũ chim trời, tôi chợt giật mình nhớ đến câu hát: Hà Nội, cái gì cũng rẻ…

Hà Nội có đủ 4 mùa hoa, và nhiều người định nghĩa mùi Hà Nội là hương hoa Sữa. Còn Sài Gòn, tôi chẳng rõ nữa, vì với thành phố này tôi chỉ là du khách lại qua, có khi nào đó là mùi của một tiệm cơm tấm sườn bì nơi ngã tư đông đúc, mùi của những vòng nhang đâu đó ở một ngã tư chẳng nhớ tên trên quận 1, hay… gì gì đó nữa, thật khó gọi tên.

Có bận, khi ghé nhà sách, tôi đã chẳng ngần ngại mua ngay một cuốn của tác giả Trác Thuý Miêu, dù chưa biết nội dung viết gì, tất cả chỉ bởi cái tên và bìa sách rất ấn tượng: “Vọng Sài Gòn”.

Bìa sách Vọng Sài Gòn của tác giả Trác Thuý Miêu.

Bìa sách Vọng Sài Gòn của tác giả Trác Thuý Miêu.

Trong cuốn này, tác giả xác định Sài Gòn mang tính nữ: “Sài Gòn không chỉ là một cuộc đời, một con người có dung mạo hình hài, cốt cách tư phong và số phận, mà Sài Gòn còn có giới tính hẳn hoi: Nàng là một người đàn bà, ắt nhiên là thế…”

Một góc hoài niệm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Một góc hoài niệm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tôi vụng dại, kém duyên và đặc biệt dốt đặc cán mai về phụ nữ (cả đàn ông nữa), nên chẳng dám định nghĩa Sài Gòn là “male”, hay “female”, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại rất đồng tình với tác giả “Vọng Sài Gòn”.

Nếu Sài Gòn là cô gái, thì tôi đã yêu ngay từ cái buổi đầu tiên.

Và giản đơn như thế, hôm nay, tôi nhớ em!

Tin bài liên quan