Đến rừng Cúc Phương ngắm hồ điệp, xem lễ hội ánh sáng

Đến rừng Cúc Phương ngắm hồ điệp, xem lễ hội ánh sáng

(ĐTCK) Tháng Tư về trong tách trà sáng với những tia nắng len lỏi qua kẽ lá. Đây cũng là lúc người Hà Nội biết rừng Cúc Phương (Ninh Bình) cách mình không xa đã vào mùa đom đóm lung linh cùng hàng triệu con bướm (hồ điệp) bay rợp trời.

Cúc Phương mùa bướm bay rợp trời

Một ngày cuối tuần tháng 4, chúng tôi men theo Quốc lộ 1A từ Hà Nội theo hướng Ninh Bình, đến ngã ba Gián Khẩu rẽ vào Quốc lộ 12A, qua thị trấn Nho Quan 2 km rẽ trái. Hành trình chỉ tốn mất 2 giờ di chuyển thuận tiện bằng ô tô là đến với khu rừng nguyên sinh Cúc Phương - lá phổi xanh của miền Bắc.

Đến cổng chào, chúng tôi dừng lại mua vé tham quan với giá 60.000 đồng cho một người lớn, 10.000 đồng cho trẻ con, rồi tìm đường vào xóm Bống, một trong 3 khu cắm trại chính ở rừng Cúc Phương, bên cạnh khu vực bìa rừng và hồ Mạc tuyệt đẹp.

Đoạn đường mòn kéo dài hơn chục cây số với hai bên rừng cây xanh ngắt làm không khí ở đây thực sự mát mẻ và trong lành. Khi bước chân vào rừng cũng đồng nghĩa tất cả điện thoại bị vô hiệu hoá do mất sóng. Những chiếc smartphone trên tay giờ chỉ còn hai chức năng là chụp ảnh và chiếu sáng vào ban đêm.

Theo những thông tin mà tôi tìm hiểu trước khi đến đây, Cúc Phương hiện có hơn 400 loài bướm khác nhau thuộc đủ các họ, trong đó có một số loài vô cùng quý hiếm. Thời điểm tháng 4 này cũng là khoảng thời gian bướm ở Cúc Phương nở rộ nhất. Vào ngày trời nắng đẹp, số lượng bướm có thể lên tới hàng triệu con bay rợp trời bồng bềnh như mây tạo nên một khung cảnh vô cùng kinh ngạc.

Thật may mắn cho chúng tôi, hôm nay là một ngày nắng đẹp đúng nghĩa. Vài tuần nữa mới đến dịp nghỉ lễ 30/4, nên lượng du khách đổ về đây cũng chưa nhiều. Vì vậy, từ cửa rừng đi vào, cả đoàn dễ dàng bắt gặp hàng trăm con bướm đủ màu sắc trắng, vàng, xanh lam, nâu nhạt, hồng phấn… lấp lánh bay lượn tự do dưới bầu trời xanh. Nhiều chú bướm “dạn người”, đậu cả lên mũ, lên vai, lên kính xe như đang vẫy chào du khách đến với thế giới của mình.

Thời gian từ cổng chào vào xóm Bống nếu nhanh chỉ mất khoảng 1 tiếng, nhưng chúng tôi di chuyển gần 3 tiếng mới tới nơi vì cảnh đẹp và nhiều bướm quá. Cứ đi một đoạn mọi người lại hò nhau dừng lại chụp ảnh la cà đúng kiểu đuổi bướm hái hoa. Mấy đứa trẻ theo cùng thì đua nhau reo hò ầm ĩ khi lần đầu tiên chứng kiến khung cảnh nên thơ và lãng mạn đến vậy.

Càng vào sâu bên trong rừng, số lượng bướm càng tăng nhiều. Có chỗ bướm đậu dày đặc thành từng đàn chi chít nhau bên bãi đất. Những lối đi trong rừng, cả trên không trung lẫn ven hai bên đường cũng đầy bươm bướm.

Chỉ cần khẽ khua nhẹ tay là cả đàn tung cánh bay lên vờn quanh mình. Cùng với tiếng chim hót và tiếng trẻ em náo nức nô đùa, cánh bướm trên nền trời cao tạo ra một khung cảnh vui tươi, yên bình như chỉ có trong tưởng tượng.

Vào đến xóm Bống là khoảng 12 giờ trưa, cả đoàn 10 người thuê khu nhà Luồng để dùng bữa. Trong rừng chỉ có duy nhất ban quản lý cung cấp dịch vụ, nên đúng kiểu có gì ăn đó, sẵn gì dùng đó, chứ không có nhiều lựa chọn. Người nào mong muốn có chỗ ăn nghỉ theo tiêu chí resort đến đây sẽ hơi thất vọng một chút.

Vào những đêm hè thanh vắng thời tiết đẹp như hôm nay, rừng Cúc Phương còn có thêm một đặc sản chiêu đãi du khách không kém phần thi vị, chính là những đàn đom đóm rợp trời, đẹp lung linh hệt như lễ hội ánh sáng.

Vì lý do này, chúng tôi quyết định mang theo lều cắm trại thay vì thuê nhà nghỉ tiện nghi. Bãi cỏ trống trước khu nhà Luồng được bao bọc bởi rừng núi hùng vĩ, lại có sẵn các mảng bê tông chính là địa điểm lý tưởng để cắm trại.

Đại tiệc ánh sáng lung linh

Trong rừng trời tối rất nhanh, khoảng 6 giờ đã tối lắm rồi. Lúc này, lửa trại mấy nhà hàng xóm xung quanh cũng đã đốt. Mùi khói hòa lẫn mùi thịt nướng, khoai nướng thơm phức. Bọn trẻ con mỗi đứa cái đèn pin chạy giữa bãi cỏ vui đùa trong đêm tối lờ mờ ánh đèn, ánh lửa, ánh khói bay lên. Khung cảnh giữa rừng thật đẹp. Tất cả chúng tôi quây quần cùng nhau chia sẻ thức ăn và chờ đợi đến khoảnh khắc Cúc Phương “lên đèn”.

Đến khoảng 19h30 thì đàn đom đóm bắt đầu kéo đến. Hôm nay trời ráo nên đom đóm bay lên càng nhiều. Những đốm sáng ban đầu chỉ rải rác rồi dần tụ lại với nhau. Toàn bộ khoảng rừng bao quanh xóm Bống chỉ sau 15 phút đã có hàng nghìn chú đom đóm lấp lánh như những đốm lửa nhỏ xinh. Chúng ken nhau chi chít, dày đặc cứ như đang vào hội rộn ràng.

Những con côn trùng bé nhỏ tỏa ra ánh sáng lập lòe trôi lững lờ như một phép màu. Lúc chớp tắt liêu trai. Lúc lung linh gần gũi. Lúc sáng bừng hoa đăng. Lúc kết thành chùm như đèn trang trí. Khi xa xôi vờn đuổi. Khi dọa dẫm trêu đùa khách lạ. Nhìn xa cứ ngỡ cả trời sao lạc chơi xuống trần, hư ảo giữa đêm khuya thanh vắng.

Xung quanh khu cắm trại, mọi người đã tắt hết đèn pha ô tô, đèn flash của các loại máy chụp hình để tập trung thưởng thức no nê bữa tiệc ánh sáng lung linh của đom đóm. Một cảm giác lâng lâng rất lạ. Mơ màng như đang lạc vào thế giới thần tiên cổ tích. Tâm hồn tôi như được trở với với những hoài niệm tuổi thơ, chân quê nghịch ngợm mà lâu lắm mình chẳng ghé về.

Vào thời khắc đó, tôi đã nghĩ rằng, thành phố của mình có hàng trăm ngàn ngọn đèn mà vẫn không lung linh được bằng đom đóm ở đây. Lúc ấy, mới thấy thứ ánh sáng những người đô thị mong đợi hóa ra không đơn giản chỉ là treo thật nhiều đèn màu chớp nháy đắt tiền.

Khoảnh khắc cả rừng Cúc Phương bao trọn trong thứ ánh sáng kỳ ảo từ hàng nghìn con đom đóm, nhưng chỉ diễn ra khoảng 30 phút là kết thúc. Đàn đom đóm khi đó bay về tứ phía, trả lại cho khu rừng bóng tối và sự tĩnh lặng.

Ngủ đêm giữa rừng Cúc Phương cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Bạn sẽ có cơ hội thư giãn với không khí rừng già thoang thoảng mùi ẩm ướt của đất, ngai ngái của cỏ, của gỗ và của sương. Vào lúc sáng sớm, rừng đánh thức du khách bằng bài hát của các loại chim. Tiếng ríu rít líu lo khiến những kẻ hay ngủ nướng nhất cũng phải ló đầu khỏi lều để thưởng thức.

Ngoài cắm trại tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, du khách đến với rừng Quốc gia Cúc Phương cũng có thể tham gia nhiều hoạt động thú vị phù hợp với nhiều đối tượng như: đi bộ trong rừng nguyên sinh đầy sức hấp dẫn, đạp xe trong rừng quan sát các loài bò sát, lưỡng cư, côn trùng đa dạng, bơi thuyền kayak vận động cơ thể…

Biến đom đóm, hồ điệp thành “đại sứ du lịch”

Chúng tôi cho trẻ con chạy nhảy tung tăng đến 14h chiều hôm sau thì thu dọn đồ lên xe ra về, kết thúc một chuyến đi vui vẻ. Trên đường ra cửa rừng hôm nay, cả đoàn bắt gặp nhiều bướm hơn hẳn so với sáng hôm trước.

Nhờ vẻ đẹp kỳ ảo tạo ra từ đom đóm, bươm bướm mà số lượng du khách trong và ngoài nước ghé thăm rừng Cúc Phương ngày một nhiều lên. Tháng 4 năm nào cũng vậy, các con côn trùng bé nhỏ ấy lại cùng với người dân địa phương làm du lịch. Sau này tìm hiểu tôi biết thêm, không chỉ đom đóm nước mình biết làm du lịch, mà trước đây ở Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có nhiều tour xem đom đóm rất hấp dẫn.

Ở Philippines hay Malaysia, người ta xây khách sạn bé tẹo nhằm lôi kéo du khách ra khỏi phòng, đi khám phá thế giới chung quanh. Họ lên những chiếc thuyền banca bằng gỗ chèo tay dân dã để khám phá các dòng sông đom đóm. Du khách cũng được yêu cầu không dùng đèn flash để chụp hình, vì sẽ làm đom đóm giật mình hoảng sợ. Với lại, chẳng có đèn nào đủ sáng vài chục mét bao trọn khung cảnh như mơ như thực này.

Nhật Bản cũng tận dụng đom đóm làm du lịch như một cách để bảo vệ môi trường sinh thái do đom đóm chỉ sống khoảng 10 ngày, nên rất nhạy cảm với môi trường sống ô nhiễm. Biết đom đóm có thể làm du lịch, nhiều quốc gia tạo mọi điều kiện để chúng sinh sôi và giúp ích cho đời.

Ở Việt Nam, ngoài Cúc Phương, thì Cần Thơ và Tiền Giang cũng từng có tour du lịch về đom đóm. Du khách vừa tham quan, ngắm cảnh, vừa bắt chơi thoải mái. Nhưng do việc sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi, mà số lượng đom đóm ngày ít đi. Thêm vào đó, việc thiếu vắng chiến lược đầu tư dài hạn cũng khiến 2 tour du lịch này chết yểu. Thế mới thấy, con côn trùng ở xứ mình đôi khi cũng chịu thiệt thòi hơn nhiều nơi khác.

Vào thế kỷ 19, đại thi hào Nguyễn Du cho rằng: “Ngẫm hay muôn sự tại trời”. Nhưng giờ đây, việc sử dụng côn trùng như những đại sứ du lịch sinh thái, thì câu nói “muôn sự tại nhân, thành sự cũng tại nhân” có lẽ mới là đúng đắn.

Tin bài liên quan