[Megastory] Nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA Joe Damond: Chương 2 - Hãy lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của nhà đầu tư

[Megastory] Nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA Joe Damond: Chương 2 - Hãy lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Ông Joe Damond chia sẻ câu chuyện về cơ hội và lối rẽ của nền kinh tế Việt Nam sau BTA cùng khát khao đưa Việt Nam trở thành nước dẫn đầu thế giới trong ngành sinh dược toàn cầu.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua nhiều gập ghềnh, đắng cay để phát triển lên hiện tại tươi sáng như ngày nay. Hai nước đã từ cựu thù trở thành bạn bè, đối tác. Thương mại từ mức rất khiêm tốn, đến nay đã phát triển bùng nổ.

Nếu như năm 1995, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ mới đạt 450 triệu USD; thì năm 2021 con số này đã tăng khoảng 250 lần lên mức 111 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch song phương năm 2021 tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Chúng ta đã đi từ sự nghi ngờ đến chỗ tin cậy lẫn nhau với rất nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên trong hơn 20 năm qua.

Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển trong tất cả các lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quân sự, giáo dục, văn hóa, y tế… và mối quan hệ ấy vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Ông Joe Damond cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ và nước ngoài để điều chỉnh chính sách sao cho các quy định được cởi mở, thông thoáng hơn. Được vậy, chắc chắn nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ còn tăng mạnh.

Ông nói rằng, có nhiều người bạn Hoa Kỳ đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Họ chia sẻ với ông những gì về đất nước của chúng tôi?

- Những người bạn Hoa Kỳ của tôi sống ở Việt Nam đều rất yêu thích đất nước này. Họ thường xuyên chia sẻ niềm đam mê, sự yêu thích và cả sự hãnh diện về nhịp sống, văn hóa, ẩm thực, cảnh đẹp, và con người Việt Nam. Tôi cũng cảm thấy cuộc sống ở “đất nước hình chữ S” không có nhiều áp lực như ở Hoa Kỳ. Dường như, cuộc sống tại Việt Nam luôn tràn đầy năng lượng, thoải mái và dễ dàng hơn.

Tất nhiên, người Hoa Kỳ nói riêng, người nước ngoài tại Việt Nam nói chung cũng phải thích ứng với những điều rất kỳ lạ. Ví dụ, bạn phải học cách để đi qua đường sao cho xe không đâm vào, việc này giống như một môn nghệ thuật vậy. Ở Hoa Kỳ, nếu bạn sang đường kiểu đó thì chắc chắn sẽ bị xe đâm vào. Tôi thì thấy, việc qua đường của người Việt Nam rất thư thái, nhẹ nhàng.

Tôi cũng rất thích văn hóa cà phê của Việt Nam với rất nhiều quán cà phê đẹp, gần gũi với thiên nhiên. Ở Hoa Kỳ, cũng có những quán cà phê, nhưng chúng tôi không ngồi thư thái như vậy, nhất là trong thời tiết mùa hè như thế này.

Là người am tường về mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ suốt gần 30 năm qua, ông có lời khuyên gì đối với các nhà đầu tư Việt Nam muốn sang Hoa Kỳ và ngược lại?

- Lời khuyên đầu tiên của tôi là ở bất cứ một quốc gia nào, khi bạn muốn làm kinh doanh ở nước đó, bạn phải hiểu văn hóa kinh doanh của nước họ. Bạn phải hiểu là những thứ ở Việt Nam diễn ra không y hệt như những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ. Có rất nhiều thứ khi người Hoa Kỳ mới sang đây sẽ thấy cần phải sửa đổi. Tuy nhiên, những thứ đó lại là văn hóa rất bình thường của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tôi cũng thấy rằng, người Việt Nam đã rất nhanh chóng học được văn hóa kinh doanh của người Hoa Kỳ, bởi vì nếu không thì họ đã không thành công như bây giờ.

Nhưng cũng có rất nhiều thứ người Việt Nam phải hiểu và phải thay đổi. Tôi muốn nhấn mạnh đến thị trường toàn cầu đang cạnh tranh khốc liệt và phát triển cực kỳ nhanh chóng. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải táo bạo hơn trong những quyết định của mình và phải hiểu được rằng, thị trường toàn cầu không bao giờ chờ đợi ai.

Thỉnh thoảng, chúng ta hay có xu hướng nhìn xem người khác làm và thấy họ thành công rồi thì mới làm theo.

Tuy nhiên, Việt Nam cần phải nắm bắt được cơ hội để trở thành người tiên phong trong một lĩnh vực nào đó. Nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, thị trường vận hành với tốc độ nhanh, nếu Việt Nam cứ chờ đợi để trở thành một phần của thị trường thì sẽ càng khó khăn hơn. Việc này, giống như cách một con tàu đi trên biển lớn và cần phải có người lái tàu lão luyện, dám đương đầu với rủi ro.

Thưa ông, sau hơn 20 năm triển khai Hiệp định BTA, ông có nhận thấy điểm gì cần phải thay đổi hay không?

- Tôi nghĩ rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ cần phải hành động quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy tiếp cận thị trường. Nói cách khác, Hiệp định thương mại là đòn bẩy rất tốt rồi do nó đã mở rộng quan hệ thương mại song phương Hoa Kỳ - Việt Nam và hai bên đã có được rất nhiều cơ hội từ BTA.

Tuy nhiên, Hiệp định BTA vẫn chưa được tận dụng một cách triệt để. Theo tôi, Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng đối với Hoa Kỳ và ở trong bối cảnh toàn cầu thì sẽ còn có nhiều lợi ích chung khác mà chúng ta có thể đạt được từ những Hiệp định Thương mại song phương như thế này.

Hiện nay, nhiều Đại sứ Hoa Kỳ có quan điểm rằng cần phải duy trì việc Hoa Kỳ là một trong 10 quốc gia có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Theo ông, Chính phủ Việt Nam có thể làm gì để thu hút FDI từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiệu quả hơn?

- Lợi thế của Việt Nam là có đội ngũ người lao động chăm chỉ và làm việc hiệu quả. Đây là một trong những yếu tố hàng đầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài bị hấp dẫn. Và thực tế là có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư ở Việt Nam hàng thập kỷ. Một ví dụ là Nike. Từ khi chúng tôi đàm phán Hiệp định BTA hơn 20 năm trước thì Nike đã có mặt ở Việt Nam rồi.

Đối với những ngành sản xuất thì tôi nghĩ rằng bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào cũng thấy Việt Nam là điểm đến lý tưởng. Điều đó cho thấy một điều là chắc chắn Chính phủ Việt Nam đã làm tốt việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là ngành điện. Tuy nhiên, theo tôi, Việt Nam còn có nhiều tiềm lực để thu hút được nhiều nhà đầu tư ở các ngành, lĩnh vực khác.

Nếu Việt Nam bỏ bớt một số rào cản về mặt luật lệ, quy định hiện đang làm khó cho những nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thì sẽ thu hút được nguồn vốn FDI lớn hơn từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng và từ các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam cần phải lắng nghe nhiều hơn những nhà đầu tư Hoa Kỳ muốn rót vốn vào Việt Nam. Việt Nam cần lắng nghe và thấu hiểu xem họ muốn có những sự điều phối, điều chỉnh nào từ Chính phủ để họ vận hành được thuận lợi hơn.

Việt Nam không cần phải chờ đợi một Hiệp định thương mại nào khác nữa để làm những điều đó do Hiệp định thương mại chỉ là một thứ bước đệm giúp cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Trong thực tế triển khai thì có lẽ Chính phủ Việt Nam cũng cần mở rộng cánh cửa và cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ có cơ hội để đóng góp ý kiến.

Vậy trong ngành dược ông đang theo đuổi thì đang có những vấn đề nào ông nghĩ Việt Nam cần sớm cải thiện?

- Hiện nay, ngành dược phẩm tại Việt Nam có rất nhiều kiểm soát và thủ tục hành chính. Một loại thuốc mới có thể sẽ cần một thời gian dài hơn 5 năm để được Chính phủ Việt Nam thông qua cho phép lưu hành so với thời gian ngắn hơn nhiều ở Mỹ và châu Âu. Sự chậm trễ này có lẽ là một lý do quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm không có nhiều động lực để “rót vốn” vào Việt Nam.

Một vấn đề nữa là Việt Nam có một danh sách những loại thuốc được đồng ý và danh sách này khoảng 3 năm mới được cập nhật một lần. Đây chỉ là một số ví dụ cho thấy quá trình ở Việt Nam diễn ra rất chậm và tôi nghĩ Chính phủ còn có thể làm tốt hơn nữa.

Một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đầu tư rất nhiều tiền vào các đơn vị chuyên nghiên cứu về quá trình thông qua một loại thuốc nào đó để làm cho quá trình đó được nhanh chóng hơn. Nhờ thế hiện nay quá trình đó của họ đã trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn rất nhiều và nhờ thế thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến. Việt Nam có thể học hỏi từ cách làm đó để làm cho mọi việc trở nên nhanh hơn, dễ dàng hơn.

Ông nhận định như thế nào về tương lai của quan hệ giữa hai nước?

- Tôi nghĩ rằng cả hai nước đã có những nền móng cơ bản vững chắc. Bây giờ, chúng ta chỉ cần tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp đó. Theo tôi thấy thì tất cả những người Mỹ đến Việt Nam đều yêu thích đất nước này. Số lượng người Mỹ sinh sống và làm việc tại Việt Nam lớn hơn trước đây rất nhiều. Ngược lại thì người Việt Nam đến Hoa Kỳ học tập và làm việc cũng rất đông.

Người Mỹ khâm phục người Việt Nam vì họ làm việc rất chăm chỉ. Tôi cũng nhận thấy rõ điều đó ở những sinh viên Việt Nam đang học tại Hoa Kỳ. Ngược lại, người Việt Nam cũng rất thân thiện và quý mến người Mỹ. Điều đó cho thấy là trong tương lai có rất nhiều tiềm năng để xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa hai nước.

Vì thế nếu Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục có những quyết định đúng đắn và táo bạo hơn thì sẽ có rất nhiều cơ hội mở rộng thương mại cho cả hai bên.

Nói đến đây thì tôi cảm thấy rất hãnh diện vì một trong những người có mặt ở điểm khởi đầu của việc hai nước ký Hiệp định BTA 22 năm trước. (đặt tay lên lồng ngực, ánh mắt tự hào)

Từ thành công của Hiệp định BTA, ông có nghĩ rằng, trong tương lai Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai nước không?

- Ồ! Tôi nghĩ nếu có thêm một Hiệp định FTA giữa hai nước thì sẽ có lợi cho cả hai bên.

Vợ chồng ông Joe Damond, bà Cindy Long hội ngộ với ông Trần Đình Lương và ông Phạm Tuấn Anh tại chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề "Việt Nam - Cơ hội và lối rẽ của một nền kinh tế" của Báo Đầu tư, phát sóng ngày 29/8/2022, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022)

Vợ chồng ông Joe Damond, bà Cindy Long hội ngộ với ông Trần Đình Lương và ông Phạm Tuấn Anh tại chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề "Việt Nam - Cơ hội và lối rẽ của một nền kinh tế" của Báo Đầu tư, phát sóng ngày 29/8/2022, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022)

Tin bài liên quan