Quảng Ninh với nguồn cung lớn về quỹ đất sẽ là một thị trường khu công nghiệp tiềm năng. Ảnh: Internet.

Quảng Ninh với nguồn cung lớn về quỹ đất sẽ là một thị trường khu công nghiệp tiềm năng. Ảnh: Internet.

"Sự chung tay của 3 “nhà” sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong thu hút đầu tư tại Quảng Ninh"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quảng Ninh đang nổi lên như một thị trường khu công nghiệp mới ở khu vực phía Bắc. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Chí Vũ, Trưởng bộ phận Dịch vụ Khu công nghiệp Colliers Việt Nam về những ưu thế và tiềm năng đầu tư của tỉnh này.

Có vẻ như Quảng Ninh đang thực sự trở thành một thế lực mới trong thị trường khu công nghiệp?

Đúng vậy, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển khu kinh tế và khu công nghiệp ven biển, đồng thời được định hướng trở thành trung tâm logistics và du lịch quốc gia. Dự kiến đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ trở thành địa phương có GRDP bình quân đầu người cao thứ ba cả nước, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 50% cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Từ những mục tiêu nói trên, chắc hẳn có một số lợi thế cạnh tranh mà Quảng Ninh có thể tận dụng?

Ông Chí Vũ

Ông Chí Vũ

Thứ nhất là lợi thế địa lý. Quảng Ninh là một trong các cửa ngõ thông ra biển của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống cửa khẩu đường bộ dọc biên giới, thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở phía Bắc.

Địa phương này đang tập trung xây dựng các trung tâm kho bãi và logistics công suất lớn, là điểm thu hút các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm môi trường thích hợp để dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc theo chính sách “Trung Quốc +1”.

Nhắc đến Quảng Ninh, chắc hẳn không thể bỏ qua yếu tố hạ tầng, khi thời gian qua, địa phương này đã có những đột phá lớn, nhất là về hạ tầng giao thông?

Cơ sở hạ tầng đúng là một thế mạnh khác mà Quảng Ninh sở hữu. Quảng Ninh hiện có cảng Cái Lân - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, sân bay quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp hoàn thành và đường du lịch ven biển Hạ Long - Cẩm Phả với những cảnh quan đặc sắc, phong phú.

Nhìn chung, Quảng Ninh được đánh giá có quy hoạch tốt và hệ thống hạ tầng hoàn thiện, vừa hỗ trợ tốt cho sự phát triển du lịch, vừa giúp kết nối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ngoài các yếu tố trên, có yếu tố nào khiến Quảng Ninh khác biệt và nổi bật hơn các địa phương khác?

Lợi thế khác nữa mà tôi đánh giá cao chính là tiềm năng và dư địa phát triển của bất động sản khu công nghiệp Quảng Ninh.

Tính đến năm 2021, tổng diện tích đất công nghiệp đang cho thuê của tỉnh là 596,78 ha; tổng diện tích sẵn sàng cho thuê là 506 ha; tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 41,23%.

Ngoài ra, cũng trong năm 2021, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng cho khu công nghiệp là 828,07 ha - đây sẽ là nguồn cung dồi dào trong tương lai (Ví dụ: dự án khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc bổ sung cho thị trường 1,200 ha vào quý 2/2023).

Về giá thuê, các khu công nghiệp tại Quảng Ninh hiện có giá thuê trung bình vào khoảng 85 - 90 USD/m2/kỳ hạn, với mức tăng trưởng hàng năm 12 - 15%, nổi bật nhất là khu công nghiệp DeepC với 100 USD/m2/kỳ hạn hay Amata 90 USD/m2/kỳ hạn. Đây là mức giá thuê rất cạnh tranh vì nếu so với 2 địa phương lân cận Hải Dương và Hải Phòng thì Quảng Ninh có quỹ đất dồi dào hơn cũng như phù hợp với hoạt động xuất nhập khẩu bằng vận tải biển.

Chính sách ưu đãi của Quảng Ninh có gì nổi bật không, thưa ông?

Quảng Ninh có chính sách ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài tốt hơn so với các tỉnh phía Bắc khác khi miễn thuế 4 năm đầu và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo. Đây là một trong những điểm hấp dẫn, cho thấy nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh.

Bên cạnh những ưu điểm, Quảng Ninh có những yếu tố nào cần được cải thiện để tăng khả năng thu hút đầu tư?

Dù nhiều ưu thế cạnh tranh, nhưng đúng là vẫn còn một số điểm Quảng Ninh cần cải thiện để “tạo đà” cho bất động sản khu công nghiệp Quảng Ninh “cất cánh”, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư chất lượng và giá trị cao.

Đầu tiên là vấn đề nguồn lực lao động, nhất là lao động chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu...

Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt cân nhắc các chính sách, điều kiện đầu tư có tính tới các vấn đề về xử lý chất thải, khí thải, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và thắng cảnh, đảm bảo phát triển bền vững.

Quảng Ninh có lợi thế về hạ tầng giao thông khá hoàn thiện: cao tốc - cảng nước sâu - cảng hàng không. Ảnh: Internet.

Quảng Ninh có lợi thế về hạ tầng giao thông khá hoàn thiện: cao tốc - cảng nước sâu - cảng hàng không. Ảnh: Internet.

Vậy, đâu là giải pháp cho các vấn đề ông vừa nêu?

Như đã đề cập về vấn đề thiếu hụt nhân lực tại Quảng Ninh, tỉnh cần có sự chung tay của 3 “nhà” để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động tại địa phương cả về chuyên môn, ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của doanh nghiệp.

Cụ thể, nhà trường đẩy mạnh phổ cập giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và ngoại ngữ cho thanh niên; nhà doanh nghiệp cần chung tay bằng các chính sách đãi ngộ, đào tạo và phát triển kỹ năng nhằm thu hút lao động cho các khu công nghiệp, khu kinh tế; đồng thời, Nhà nước tăng cường phát triển an sinh như nhà ở, bệnh viện, nhà trẻ… để thu hút và giữ chân công nhân đến sinh sống, làm việc.

Tôi tin đây là giải pháp bền vững giúp Quảng Ninh “ghi điểm” hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo cập nhật thông tin quy hoạch, có các chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự cam kết của chủ đầu tư khu công nghiệp trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng… sẽ giúp gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhắm đến bất động sản khu công nghiệp tại Quảng Ninh.

Ngoài ra, có thể cung cấp thêm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý, thủ tục thành lập công ty, dịch vụ quản lý và bảo trì, các vấn đề về visa và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài, tuyển dụng – đào tạo lao động… nhằm giảm bớt rào cản và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho họ.

Tin bài liên quan