[Megastory] Toán học giúp Việt Nam bắt kịp xu thế thời đại - AI: Chương 1 - Toán học đào tạo những nhân tài giải quyết vấn đề

[Megastory] Toán học giúp Việt Nam bắt kịp xu thế thời đại - AI: Chương 1 - Toán học đào tạo những nhân tài giải quyết vấn đề

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà khoa học cho rằng, học Toán là học cách giải quyết vấn đề, hay nói cách khác học Toán là học “nghệ thuật giải quyết vấn đề.

Trong cuộc sống, chúng ta có thể không trở thành một vận động viên thể thao quốc tế nhưng chúng ta vẫn nên tập luyện từng ngày để rèn luyện sức khỏe. Chúng ta không thể tự bay cao được như những chú đại bàng, càng không thể khỏe như những chú voi hay bơi nhanh như những chú cá mập…. Tài sản quý giá giúp con người trở thành sinh vật giỏi nhất hành tinh chính là bộ não siêu Việt.

Dù không cần trở thành nhà Toán học hay giáo viên dạy Toán, nhưng vẫn cần học Toán để “tẩm bổ” cho bộ não của mình. Bởi, bộ não cũng như nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, càng được sử dụng và luyện tập sẽ càng khỏe mạnh.

Thực tế đã chứng minh, những ai giỏi Toán sẽ có thể hệ thống một vấn đề bằng những lý lẽ chính xác, nhận dạng được những vấn đề then chốt; trình bày giải pháp, đưa ra những giả định rõ ràng; hiểu thấu một vấn đề khó bằng cách nhìn vào những trường hợp đặc biệt hoặc những vấn đề phụ; linh hoạt và tiếp cận cùng một vấn đề bằng nhiều quan điểm khác nhau; đối phó với vấn đề một cách tự tin, ngay cả khi chưa có giải pháp rõ ràng; tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần;…

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư , ông Richard Rusczyk, người sáng lập Công ty The art of problem solving - Nghệ thuật Giải quyết Vấn đề, gọi tắt là AoPS - một cộng đồng Toán học tại Hoa Kỳ với hơn 900.000 thành viên cho biết, khi còn là một học sinh cấp 2, ông rất thích học Toán. Chính việc thích vật lộn với những bài Toán khó mà nhiều học sinh khác không thích đã giúp ông học được cách vượt qua những vấn đề thực sự khó khăn.

“Khi lên đại học, tôi có lợi thế hơn hầu hết những bạn khác, vì tôi đã dành quá nhiều thời gian ở cấp hai và cấp ba tự tìm cách giải quyết các vấn đề. Điều này không chỉ áp dụng cho Toán học mà bất kỳ kỹ năng nào khác. Các lớp vật lý, khoa học máy tính, kinh tế, triết học của tôi, bất cứ thứ gì đòi hỏi bạn áp dụng những ý tưởng cơ bản để giải quyết những vấn đề to lớn hơn, tôi có thể giải quyết theo cách mà rất nhiều bạn cùng lớp của tôi không làm được”, cha đẻ AoPS chia sẻ và bật mí: “Đó là khi tôi nhận ra, Toán học đào tạo những nhân tài giải quyết vấn đề, bởi nó chuẩn bị cho thế hệ trẻ hành trang cần thiết, tốt hơn là việc chỉ chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo”.

Đồng quan điểm, GS-TSKH. Phùng Hồ Hải, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), người từng vinh dự được Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (TWAS) bầu làm Viện sĩ trẻ, đại diện cho khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2009-2013, cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng học Toán là học cách giải quyết vấn đề, hay nói cách khác học Toán là học “nghệ thuật giải quyết vấn đề” (Art of Problem Solving)”.

Theo ông, chữ “problem” không chỉ là “bài Toán” mà nó còn là tất cả những vấn đề, những khó khăn mà trong cuộc sống trẻ con hay người lớn đều có thể phải đối diện. Hiểu Toán học một cách rộng ra như vậy, chỉ ra được Toán học không chỉ là cộng trừ nhân chia mà là phát triển tư duy, thì môn Toán mới trở nên thực tiễn, hấp dẫn hơn với trẻ em lẫn phụ huynh”.

GS-TSKH. Phùng Hồ Hải nhấn mạnh, Toán học không chỉ dành cho người thông minh, mà tất cả mọi người học Toán để thông minh hơn. Xã hội hiện nay cần đến sự phối hợp của tất cả mọi người để công việc đạt được hiệu quả. Ai cũng cần học Toán để phát triển tư duy, để nhạy bén hơn trong suy nghĩ, để giải quyết những vấn đề cấp thiết, gần gũi, dân sinh thường nhật.

Chia sẻ về tính ứng dụng của Toán học, GS. Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago), nhà Toán học đạt Huy chương Fields năm 2010 nhấn mạnh, bất cứ ai, làm gì cũng phải tính toán, từ những bài tính đơn giản như khi đi chợ đến những thứ phức tạp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tối ưu hóa cơ hội, về lợi ích trong hoàn cảnh thông tin không đầy đủ hoặc có tính chất xác suất…

Trích dẫn cuốn “Để không phạm sai lầm”, GS. Ngô Bảo Châu bày tỏ tâm đắc với quan điểm cho rằng, Toán học ẩn chứa trong cuộc sống và cả trí tưởng tượng, tựa như ánh sao soi rọi một cách tường minh vẻ đẹp tiềm ẩn và logic của thế giới, đồng thời đặt sức mạnh Toán học vào tay bạn.

Toán học là lẽ thường. Ở một mức độ nào đó, điều này rất rễ hiểu. Chẳng hạn, 1 + 2 = 3 cũng giống 2 + 1 = 3 mà Toán học gọi là phép cộng có tính giao hoán a + b = b + a. Mặc dù công thức có vẻ nghiêm túc và cứng nhắc nhưng nó chỉ đang mô tả một kiến thức hiển nhiên mà đến một đứa trẻ cũng hiểu được theo bản năng.

“Toán học sẽ khiến cho bạn có được sự thấu hiểu, niềm vui thực sự, với cả tiếng cười sảng khoái bên ngoài và cả những tiếng cười rộn ràng bên trong”, ông nhấn mạnh.

Theo GS. Ngô Bảo Châu, đa số các môn khoa học xã hội và các môn tự nhiên khác, bước đầu tiếp cận vấn đề bằng sự miêu tả, tiếp đó là tư duy trên cơ sở các số liệu miêu tả. Do đó, các môn học này dừng ở mức độ suy diễn hợp lý, chân lý có thể được chấp nhận ở mức tương đối đúng.

Trong khi đó, với môn Toán, người học phải phân biệt rõ ràng giữa suy diễn hợp lý và suy diễn đúng. Chỉ những suy luận hoàn toàn đúng, chính xác trong Toán mới được công nhận. Cũng bởi tính chất này mà khi học Toán, học sinh phải biết chứng minh đúng chứ không chỉ là chứng minh vấn đề “có vẻ đúng”, “có vẻ hợp lý”.

Tuy vậy, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng: “Chính sự đòi hỏi đúng và chính xác cũng là một khó khăn cho người học Toán. Họ luôn muốn suy diễn một cách chính xác các vấn đề trong cuộc sống, nhưng thực tế không như Toán học. Có những vấn đề, chúng ta phải chấp nhận những suy luận ở mức hợp lý, gần đúng. Ở khía cạnh ngược lại, tôi thấy cũng là điểm mạnh của người giỏi Toán. Họ tỉnh táo hơn, biết phân biệt được đâu là suy luận hợp lý và đâu là suy luận chính xác”.

GS. Ngô Bảo Châu khẳng định, Toán học có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra hiện nay. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào của Toán học cũng có vai trò giống nhau. Trong đó thống kê và xác suất là yếu tố cơ bản trong công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Một số lĩnh vực khác cũng rất cần trong tương lai như: khoa học tính toán, an toàn thông tin, khoa học mật mã.

Chia sẻ về vai trò, ích lợi của Toán học, ông Phạm Tuấn Anh, người sáng lập, Giám đốc Dự án Trường Minh Việt (Minh Viet Academy – MVA) và Trường Toán Minh Việt (Minh Viet Shool of Math - MVSM) cho biết, trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, thời đại của dữ liệu lớn, những thứ ứng dụng từ Toán như chương trình zoom rất phổ biến. Thế giới kết nối với nhau chặt chẽ qua không gian mạng chính là nhờ công của những người học giỏi Toán và tiếng Anh.

“Toán là tương lai của nửa sau thế kỷ 21 và xa hơn nữa Toán chính là những giá trị thực tiễn, giá trị của ngôn ngữ không chỉ giải quyết bài toán hàng ngày mà là của cả giải quyết ước mơ, tham vọng, ước vọng của tương lai. Toán thực sự là một thứ rất đẹp, bởi vì nó không có định kiến, không vùng miền, không màu da, không sắc tộc, không nói đến chuyện nhà giàu nhà nghèo mà toàn là thứ rất cân bằng và trân trọng. Toán đẹp và bình quân cho tất cả mọi người”, ông Phạm Tuấn Anh nói.

Với vai trò lớn lao của Toán học, để giúp Việt Nam bắt kịp cơn cuồng phong AI, việc thay đổi tư duy, phương pháp dạy môn học này đang đặt ra cấp bách.

Tin bài liên quan