Na Hang thức giấc

Na Hang thức giấc

(ĐTCK) Nơi gặp gỡ của dòng sông Gâm chảy từ Hà Giang và sông Năng đổ từ Bắc Cạn về không chỉ kéo 3 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang - Bắc Kạn lại gần nhau, mà còn hình thành nên một vùng sinh thái rộng lớn Na Hang, nơi thiên nhiên và huyền thoại hòa vào cùng một dòng chảy.

Hồ Na Hang - “Vịnh Hạ Long trên núi”

Khu vực lòng hồ Na Hang rộng hơn 8.000 ha, không chỉ là nơi chứa nước phục vụ thủy điện Tuyên Quang có công suất lớn thứ 4 của miền Bắc, mà còn là một địa điểm du lịch sinh thái sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đồng thời, lòng hồ cũng góp phần cải tạo khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua rất nhiều tour du lịch ngược dòng sông Gâm huyền thoại.

Hành trình khám phá hồ Na Hang của chúng tôi bắt đầu từ bến Thủy thơ mộng. Sáng sớm mùa hè trời trong xanh, cao rộng. Con thuyền nhẹ lướt trên mặt hồ xanh như màu ngọc lục bảo. Tiếng chim hót líu lo rộn ràng như một khúc nhạc rừng vui tai.

Na Hang thức giấc ảnh 1

Rất nhanh sau đó, không gian trước mắt chúng tôi mở ra một thế giới toàn núi rừng trùng điệp, xanh mướt cây như một tiểu Hạ Long phơi mình trong nắng. Những dãy núi hai bên chạy dài ra phía sông Gâm như những con rồng lao mình ra biển. 99 ngọn núi dáng chim phượng hoàng dang tay ôm trọn trời đất gói lại vào bọc, tạo nên vùng hồ Na Hang tách biệt với thế giới ngoài kia.

Khung cảnh đẹp hơn cả vịnh Hạ Long trước mắt đưa chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến bất ngờ nọ. Đúng là một lần đi trên dòng sông Gâm mới hiểu hết sự hùng vĩ của đất trời.

Trước vẻ mặt trầm trồ không ngớt ấy, anh lái thuyền cũng thêm lời giải thích rằng, vùng lòng hồ Na Hang hay ở chỗ mùa nào cũng đẹp. Mùa nào cũng có cái thú vị riêng để du khách khám phá. Vào mùa khô mặt nước rút xuống thấp, để lộ ra những gò đất và những hang động đá vôi nằm sâu trong lòng núi. Mùa này còn có mây trắng phủ thành tầng tầng lớp lớp trên mặt sông mờ ảo như lạc vào cõi thần tiên.

Na Hang thức giấc ảnh 2

Đến mùa mưa, nước dâng cao trở lại biến lòng hồ thành vùng sông nước trải rộng mênh mông như bây giờ. Mỗi dòng sông, con suối, mỗi ngọn núi, cánh rừng đều đẹp tựa nàng tiên xanh e ấp giữa đại ngàn.

Vừa chuyện trò, anh vừa khéo léo điều khiển con thuyền cập bến để chúng tôi lên thăm quan đền Pắc Tạ nằm ngay dưới chân ngọn núi Pắc Tạ cao nhất Na Hang. Ngọn núi trông xa như một chú voi cúi đầu bên nậm rượu, đổ bóng xuống mặt nước hồ xanh xanh.

Phiêu trên hồ Na Hang đâu phải chỉ có mây, trời, cây, núi, sông, suối… mà qua hành trình lịch sử hàng trăm năm, con sông Gâm lúc hung dữ, khi hiền hòa này còn lưu giữ rất nhiều dấu tích huyền thoại. Mỗi điểm dừng tại các hang động, đền đài, ngọn núi đều có sẵn những câu chuyện thú vị đợi chờ du khách khám phá. Như sự tích hoa Phạc Phiền, núi Ông đi qua, bà đi lại, đèo Ái Au, đèo Cổ Yểng…

Na Hang thức giấc ảnh 3

Đền Pắc Pạ nơi chúng tôi dừng chân cũng vậy. Đây là nơi phụng thờ người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật. Người phụ nữ đã sa chân bỏ mình trên dòng sông Năng trong chuyến kinh lý cùng chồng năm nào. Đền đẹp và nổi tiếng linh thiêng, là một điểm đến khó quên khi đến Na Hang.

Xuôi dòng sông Gâm hướng về phía thượng nguồn, chúng tôi tiếp tục chìm đắm vào cuộc hành trình khám phá các ngọn núi độc đáo ở đây. Ấn tượng nhất là núi Cọc Vài cao cả trăm mét giữa non xanh nước biếc. Lý giải về sự xuất hiện của ngọn núi kỳ thú này, không biết từ bao giờ trong dân gian lưu truyền câu chuyện đậm chất huyền thoại về chàng khổng lồ Tài Ngào, buộc trâu vào Cọc Vài để cào đá, đắp đập lấy nước chống hạn cho dân quanh vùng.

Kết thúc hành trình buổi sáng là chuyến đi chinh phục những dòng thác như dải lụa trắng giữa đại ngàn. Thác Mơ, thác Cây Sung, thác Cây Đại ở độ cao vừa phải nên không làm chúng tôi mất nhiều sức leo trèo. Thác nước ở Na Hang mùa này cũng thật hiền hòa, mộc mạc và nồng nàn. Có nơi thác đổ rào rào. Có nơi lại khẽ khàng róc rách. Có nơi thác nước mềm mại. Nơi lại có thác nước cao vút trút nước cuồn cuộn bọt trắng xóa. Nước va vào đá tạo thành cơn mưa bụi khiến không gian mát lạnh, sảng khoái và thanh khiết.

Tiếng nước chảy róc rách, nhẹ nhàng như tiếng ru của rừng xanh vỗ về cuộc sống bình yên của con người, nuôi dưỡng cho những ruộng lúa, cây ngô. Nguồn nước vô tận ngày đêm reo hát, hòa với âm hưởng núi rừng kỳ bí sẽ là điểm đến cho những ai thích những trải nghiệm mới lạ.

Sau cả tiếng đồng hồ leo trèo mệt nhoài và thư giãn, bữa trưa cơm diễn ra ngay trên thuyền với rất nhiều món ăn đặc sắc của địa phương như tiếp sức cho cả đoàn. Trưa nay Na Hang đãi khách phương xa món rượu ngô ủ men lá Sơn Phú, thịt trâu khô, xôi ngũ sắc, rau rớn, rau dạ... Mùi thịt nướng thơm róm rém, mùi rượu ngô lứ đứ say.

Sau đó là khoảng thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi. Tôi thong thả nhâm nhi chén trà Shan Tuyết nóng hổi đậm đà. Hương trà thơm thoang thoảng, vấn vít trong từng ngọn gió, nhấp một ngụm nhỏ sau hàng giờ mà dư vị ngọt ngào của thứ hương rừng sắc núi ấy vẫn chưa tan trên đầu lưỡi. Cảm giác thật lâng lâng khó tả, người như tan chảy hòa vào cõi mộng khó quên.

Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn

Buổi chiều là hành trình khám phá khu du lịch sinh thái Na Hang (Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung) có diện tích trên 21.000 ha, nằm trên địa bàn 4 xã Khau Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú và Thanh Tương. Sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên và phong phú về động thực vật là điểm nhấn quan trọng để thu hút du khách, các nhà nghiên cứu khoa học đến thám hiểm.

Trước khi tới đây, tôi có tìm hiểu qua thông tin và được biết rất nhiều loại thú quý, cây gỗ quý, cây thuốc quý vẫn còn sinh sống trong khu rừng này từ hàng trăm năm. Hiện khu du lịch sinh thái Na Hang có khoảng 90 loài thú, 263 loài chim, 61 loài bò sát, 35 loài lưỡng cư. Trong đó 13 loài thú có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 8 loại khỉ hầu bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu. Đây cũng là nơi duy nhất cả nước có quần thể Voọc mũi hếch và Voọc đầu trắng số lượng lớn.

Các nhà khoa học cũng xác định trong rừng nguyên sinh có trên 2.000 loài thực vật. Những loại gỗ Đinh, Lát, Trai, Sến, Táu, những cây nghiến hàng ngàn năm tuổi quý như báu vật cũng được phát hiện và gìn giữ. Nhiều loài cũng góp mặt trong Sách đỏ Việt Nam như Trai, Mun, Nghiến, Lát hoa, Đinh, Trầm gió...

Chính vì vậy, Khu du lịch sinh thái Na Hang còn được Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới của Mỹ (WWF-US) đánh giá là 1 trong 223 hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới hiện nay.

Chúng tôi càng đi sâu vào bên trong, cây rừng càng nhiều và rậm rạp. Đến mức che kín cả mặt trời. Tán cây xum xuê vươn ra như cái ô khổng lồ bao trùm lên những loại cây rừng khác. Có tới vài chục tổ chim to như những cái thúng khắp nơi. Tôi thỉnh thoảng còn thấy mấy tổ ong mật treo tầng như cái nong cái nia trên cành. Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp bình thản ngửi lại mùi cây cối như vậy. Không gian hoang dã và thẳm sâu ấy hút hồn người khi đến, nao lòng khi phải rời xa.

Đánh thức Na Hang

6 giờ chiều chuyến hành trình một ngày trọn vẹn đến với rừng, ăn rừng, thở rừng, sống trong rừng chính thức kết thúc. Anh lái thuyền giục giã chúng tôi mau chân trở lại bến Thủy cho kịp giờ lên xe về lại Hà Nội.

Chiều buông xuống núi. Mặt Trời đỏ lựng như quả cà chua chín khổng lồ với ánh sáng dần vơi. Với tôi, chuyến đi khám phá Na Hang lần này không chỉ là một cuộc dạo chơi mà còn là dịp để nâng cao vốn sống, tri thức về rừng.

Kể từ ngày huyện Na Hang xây dựng các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ thì bến Thủy không còn hiu quạnh như xưa mà tấp nập thuyền bè ngược xuôi. Dòng sông Gâm và hồ Na Hang không chỉ góp phần cải tạo khí hậu mà còn giúp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, các tour du lịch ở Na Hang mới chỉ tập trung khai thác những tài nguyên thiên nhiên có sẵn, những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử, tâm linh và một số đặc trưng văn hóa vùng miền. Các sản phẩm du lịch sáng tạo còn đơn lẻ, rải rác, chưa thực sự khéo léo để kéo khách đến và khách trở lại.

Với lợi thế nằm giữa điểm giao thoa 3 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang - Bắc Kạn, thiết nghĩ chính quyền của cả ba có thể suy tính đến việc liên kết du lịch 3 vùng, làm phong phú thêm cho hành trình, cũng là tạo sự hấp dẫn đặc biệt, lôi cuốn du khách.

Mỗi điểm đến có một hệ sinh thái riêng, có chiến lược phát triển riêng đã là một sức hút mạnh mẽ cho du khách đến, ở lại dài hơn và quay trở lại trong tương lai. Nhưng hai hoặc ba điểm đến liên kết với nhau, sẽ là một sản phẩm du lịch hết sức đặc biệt.

Ví dụ, thay vì đi 2 tour du lịch lòng hồ Na Hang và hồ Ba Bể riêng biệt, du khách có thể chỉ tham gia một tour khám phá chạy dọc chiều dài sông Gâm qua cả 3 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang - Bắc Kạn.

Nếu thị trấn Na Hang được đầu tư một cách bài bản, lấy sông Gâm làm trục chính tạo cảnh quan hai bờ, kết hợp với cảnh quan độc đáo của vùng lòng hồ sinh thái Na Hang thì đây sẽ là một trong những tuyến đường thủy đẹp nhất nhì vùng núi phía Bắc.

Đây là bước đi tất yếu bởi vùng du lịch sinh thái rộng lớn Na Hang đã đạt được những bước chuyển mạnh, đòi hỏi phát triển ở một tầm cao mới. Bên cạnh đó, tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng cũng cần có chiến lược bảo vệ và phát triển theo hướng vững bền dài lâu.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan