Quan Lạn: Nàng công chúa đợi chờ nụ hôn hoàng tử

Quan Lạn: Nàng công chúa đợi chờ nụ hôn hoàng tử

(ĐTCK) Một chuyến đi tới đảo Quan Lạn dịp nghỉ lễ dài ngày chắc hẳn sẽ là một lựa chọn lý tưởng cho những ai không chịu nổi cơn say sóng để tới Cô Tô nhưng vẫn muốn tận hưởng đảo ngọc xanh trong, hoang sơ và đẹp mê hồn ngay cạnh Hà Nội.

Đã mắt với không gian hoang sơ, cảnh biển đẹp như mơ

Quan Lạn hay còn có tên gọi khác là đảo Cảnh Cước, đảo Cao Lô là một trong 5 xã đảo thuộc tuyến đảo Vân Hải (Vân Đồn, Quảng Ninh) vòng ra khơi ôm lấy rìa phía đông vịnh Bái Tử Long tuyệt đẹp.

Có hai cách để di chuyển tới Quan Lạn: Từ cảng Vân Đồn, du khách có thể lựa chọn đi tàu cao tốc mất khoảng 45 phút, giá vé 150.000 đồng hoặc tàu gỗ gần 3 tiếng, với giá vé 60.000 đồng.

Đường từ cảng Vân Đồn tới đảo Quan Lạn sẽ ngang qua vịnh Bái Tử Long đẹp ngây ngất chả khác gì vịnh Hạ Long di sản thế giới. Nếu không say sóng và sức khỏe tốt, thì việc di chuyển bằng tàu gỗ chắc chắn sẽ mang tới cho bạn những trải nghiệm khó quên.

Lên tới đảo, tôi may mắn được nhập đoàn với một nhóm 10 bạn trẻ người Hải Phòng. Chúng tôi thuê chung một chiếc xe tuktuk là phương tiện phổ biến ở đây di chuyển vào khu trung tâm. Chiếc xe chở chúng tôi qua những con đường nhỏ, bình yên và lãng mạn vô cùng. Một bên là núi đồi nhấp nhô, lấp ló khung cảnh làng quê đơn sơ, mộc mạc. Còn bên kia là biển xanh lặng sóng giữa mây trời lồng lộng.

Quan Lạn tuy có nhiều bãi biển hấp dẫn nhưng đẹp nhất vẫn là 3 bãi Quan Lạn, Sơn Hào và Minh Châu. Mỗi bãi tắm lại sở hữu một sức cuốn hút riêng biệt. Chuyến đi này, tôi lựa chọn bãi Minh Châu cách bãi Quan Lạn hơn 10 km, có phần đông đúc và nhộn nhịp hơn làm nơi dừng chân của mình.

Cái tên Minh Châu nghe gần gũi, dễ thương, trong sáng. Bãi biển được đặt theo tên gọi ấy, vì thế cũng thật thư thái và tĩnh lặng. Dưới ánh nắng vàng, nước biển Minh Châu toát lên màu xanh ngọc bích rạng ngời như tỏa ra vầng hào quang chói lọi.

Bờ cát trắng như tuyết, mịn như nhung bước đi êm chân, thích thú, quyến rũ đến nao lòng. Đứng trên nền cát trắng đưa mắt ra xa, tôi bắt gặp cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng và huyền bí của nhiều đảo đá nhấp nhô theo từng đợt sóng ngoài khơi. Đó là các dãy núi đá vôi sừng sững mang hình cánh cung của vịnh Bái Tử Long tạo nên một bức tường thành ngăn sóng gió từ biển khơi ùa thẳng vào bờ.

Cạnh đường bờ biển xinh đẹp là một vài đồng cỏ tựa hoang mạc rộng lớn của miền Tây nước Mỹ. Khi hoàng hôn buông xuống, những cánh đồng tạo với núi, với mây trời và biển cả thành bức tranh hoàn hảo từ màu sắc tới bố cục. Có chút gì đó hoang sơ, tĩnh thiền. Có chút gì đó yên bình, mộc mạc. Có chút gì đó gió bụi, mênh mông tựa như đang ở cửa ngõ thiên đường. Tôi đứng lặng im chẳng thốt lên lời. Từng góc khuất sâu xa nhất trong tâm hồn tôi có lẽ đã bị cái đẹp đánh gục.

Người ta nói “Quan Lạn Minh Châu giống nàng công chúa đang chờ nụ hôn của một chàng hoàng tử” thật chẳng sai tẹo nào.

Nhiều trải nghiệm thú vị bỏ là tiếc

Quan Lạn đẹp nhất có lẽ là lúc về đêm. Khi đó, cả xã đảo chìm trong âm thanh của côn trùng, của sóng biển và đâu đó lẫn vào cả tiếng máy nổ rù rù. Du khách từ khắp mọi nơi cùng nhau đổ ra bờ cát trắng nướng vài con mực uống rượu và đàn hát cả đêm.

Đặc biệt, đã ra đến biển, làm sao có thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món hải sản tươi roi rói. Ở Minh Châu, món canh làm từ hải sâm -  một loại “cao lương mĩ vị” là khiến tôi thấy thú vị nhất, dù giá của chúng không hề rẻ. Khi ăn, hải sâm trong miệng có cảm giác sần sật, giòn ngọt, rất lạ miệng.

Sá sùng ở đây được coi là sản vật trời cho, nổi tiếng ngon nhất cả nước vì càng nhai càng ngọt. Sá sùng nấu canh lá lốt, xào cần tỏi tây, rang, nướng ăn khi uống bia, rượu hoặc làm ngọt nồi nước dùng khi nấu bún, phở… đều đem lại hương vị khác biệt khó quên.

Tu hài thơm ngon, giàu dinh dưỡng hấp giòn với sả thơm nức mũi không thể không thử. Tôm he nướng không cần tẩm ướp nhiều gia vị vẫn có sức hấp dẫn rất lớn đối với những ai yêu hải sản. Các món ăn chế biến từ cầu gai, cù kỳ (một loại cua sống ở những khe đá) hay mực khô cũng đều khiến du khách khó lòng chối từ.

Ăn xong bữa tối no nê nhìn lên đồng hồ mới có hơn 8 giờ. Với những du khách quen nhịp sống đô thị ồn ào như chúng tôi, buổi tối không có gì chơi ngoài ngắm nhìn sao trời thì quả là bức bối. Sau một hồi cân đo đong đếm, chúng tôi quyết định sẽ tham gia trải nghiệm một buổi câu mực cùng người dân địa phương. Người đồng hành đêm nay là anh chàng tên Liêm, 21 tuổi, được mệnh danh là “cần thủ” bởi mỗi đêm chỉ 1 - 2 tiếng ra khơi, Liêm có thể câu về vài chục ký mực tươi rói.

30 phút lênh đênh trên đầu ngọn sóng, Liêm đưa thuyền tiến sát vào ngư trường. So với bóng đêm bao trùm xã đảo trên kia thì ở đây giống như một thành phố nổi với hàng chục ngọn đèn sáng. Theo Liêm, đồ nghề câu mực rất đơn giản, quan trọng là kỹ thuật câu. Người câu mực phải hiểu tập tính của mực, biết chỗ nào chúng hay đến ăn, tính toán hướng gió và thủy triều để dừng thuyền cho chuẩn.

Sau đó, anh chàng biểu diễn kỹ nghệ câu mực cho chúng tôi xem. Anh dùng một đoạn cước trắng, buộc hình con tôm hoặc bề bề giả có lẫn chất phát quang thả xuống nước. Khi mực thấy con mồi phát sáng sẽ lao đến cắn vào những chiếc lưỡi câu xung quanh.

Dù được Liêm hướng dẫn kỹ càng nhưng chúng tôi cũng chỉ câu được vài con mực. Chiến lợi phẩm tuy ít nhưng chẳng ai lấy đó làm buồn, bởi với chúng tôi, chỉ cần được lên thuyền trải nghiệm đã là chuyến đi thú vị lắm rồi. Và có đi câu thì mới hiểu sự vất vả của những ngư dân bám biển mưu sinh.

Ngoài câu mực đêm, ở Quan Lạn còn nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị khác như cùng ngư dân khai thác ngao, đào sá sùng, đánh lưới truyền thống… Buổi sáng nếu dậy sớm được thì có thể tham gia bắt cua ở các khe đá. Chỉ cần một cái cào do dân địa phương tự chế tạo, chiếc rổ hoặc túi lưới và theo sự hướng dẫn của họ, du khách có thể tự mình đánh bắt những con ngao, sò nằm dưới lớp cát tại các bãi biển.

Thăm thú các điểm tham quan nổi tiếng ở Quan Lạn cũng là một phần không thể bỏ qua của cuộc hành trình. Tranh thủ khi trời còn chưa nắng gắt, chúng tôi thuê 1 chuyến xe tuktuk với giá 400.000 đồng dạo quanh phố đảo. Không chỉ cuốn hút bởi những bãi biển trong xanh, tuyệt đẹp, Quan Lạn còn có quần thể di tích mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất từng là thương cảng “bậc nhất trời Nam”, nổi bật là đình Quan Lạn, chùa Linh Quang Tự, vườn quốc gia Ba Mùn... Mỗi nơi một phong cách nhưng đều đẹp ấn tượng.

Chuyến xe đặc biệt dừng chân ở Eo Gió, nơi mây trời, biển cả, núi non ôm trọn lấy nhau vừa hoang sơ vừa quyến rũ. Không cần phải đến Quy Nhơn xa xôi, cách Hà Nội chỉ vài giờ di chuyển tôi cũng đã có cơ hội check in một Eo Gió thật hùng vĩ mà tạo hóa ban tặng.

Từ trên cao nhìn xuống là khung cảnh biển xanh bất tận đang ầm ào tung bọt trắng xóa. Những cơn gió nhởn nhơ rong chơi bên những rặng núi kiêu hãnh. Cảm giác phiêu bồng giữa chốn tinh không ấy thật khó mà miêu tả thành lời. Chỉ biết rằng, nó khiến tâm hồn như bay lên, như chẳng còn chút ồn ào phố thị, chỉ còn lại chính mình với thiên nhiên biển đảo dạt dào đắm say.

Chúng tôi quay trở lại thị trấn lúc mặt trời đã đứng bóng. Mấy anh chị ở nhà nghỉ đã chuẩn bị xong bữa trưa từ chỗ mực, ốc, cua mà chúng tôi đem về lúc sáng. Quả thực chúng tôi chưa bao giờ được ăn thứ mực nào ngon như vậy. Phần vì mực rất tươi, phần vì đó là thứ tự tay câu được, trải nghiệm gần hết một đêm thao thức cùng biển.

Một lần đến đảo Quan Lạn, tôi càng trân quý hơn cuộc sống êm đềm và con người bình dị nơi đây. Biển Quan Lạn bao dung hiếu khách sẵn lòng đãi chúng tôi một món quà mặn mòi mà chắc hẳn chỉ một lần đến sẽ nhớ mãi không quên.

Chúng tôi lên tàu rời Quan Lạn lúc 3 giờ chiều nhưng vừa đi đã lại nhớ nơi này đến quắt quay. Nơi đẹp nhất cuối cùng vẫn luôn là nơi ta chưa từng ghé qua.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan