Ảnh: Dũng Minh.

“Thanh xuân như một ly trà…”

(ĐTCK) Cuối tuần, trò chuyện cùng anh em, bạn bè là dân chứng trường mới thấy, chứng khoán thật nguy hiểm. Vì nó có thể gây nghiện. 

Có vẻ, đây là một trong những câu nói hot nhất năm 2019. Đâu đâu người ta cũng nói câu này. Đó còn là vế đầu cho vô số câu thơ kiểu 6 – 8 chế.

Hôm rồi, lướt mạng, trên timeline của tôi bỗng hiện lên status của anh bạn là dân chứng trường: “Thanh xuân như một ly trà/Không chơi chứng khoán hết bà thanh xuân”.

Là kẻ đến sau, về muộn. Với tôi, chứng khoán là một cái gì đó vừa xa lạ bởi sự quan tâm hời hợt, lại vừa thân quen, bởi quanh tôi, chuyện về chứng khoán người ta nói nhiều hơn cơm bữa.

Và nếu ai đó ví thanh xuân là ly trà, là chơi chứng khoán, thì có lẽ, dư vị chung nó mang lại với mỗi người cũng khác nhau. Có người thấy toàn vị đắng, có người cảm nhận được chút ngọt ngào, có người lại như nghiện, không có không được, chứng khoán cũng vậy mà thôi. Không giống các ngành khác, người chơi, nhà đầu tư một khi đã bước chân vào địa hạt của bảng điện, con số, của hai sắc đỏ xanh thì thật khó dứt tình.

Tôi nghe dân chứng đồn đoán với nhau rằng, trong số các nhà đầu tư chứng khoán, có đến 95% là thua lỗ, chỉ khoảng 5% là có lãi.

Dầu vậy, thật lạ khi quanh tôi, người ta vẫn nườm nượp tìm đến với chứng khoán. Nghe có vẻ sai sai.

Đem thắc mắc của mình, đi hỏi nhiều người chơi, thì câu trả lời nhận được cũng rất thú vị. Anh Khoa, một nhà đầu tư tếu táo: “Bởi trong 95% người thua, ai cũng nghĩ mình thuộc nhóm 5%”.

Còn theo nhà đầu tư Trần Trung, thì nhà đầu tư thuộc nhóm 5% đó toàn cỡ triệu phú trở lên. Bởi anh Trung quan điểm, ngành nào thành công mà chả hơn người.

Còn chị Huyền, một nhà đầu tư ở Hà Nội lại chia sẻ gói gọn trong điệp khúc: “Lỗ gỡ, gỡ lỗ....”

Anh Trọng Hiếu, một đồng nghiệp của tôi, cũng là một nhà đầu tư cho biết, với chứng khoán, người nào có tiền thì mua được kinh nghiệm, mà có kinh nghiệm thì có tiền.

Chẳng biết đúng không, tôi cứ ngô nghê hiểu rằng, ý anh là phải qua thất bại, tức từng thuộc nhóm 95% người thua, rồi nhà đầu tư mới đặt chân được sang địa hạt sinh lời của 5% người còn lại.

Hôm rồi ngồi nói chuyện với một nhà đầu tư chứng khoán có trên 10 năm kinh nghiệm, anh này lại bảo tôi: “Chuyện lời lãi từ chứng khoán thật khó đoán biết, giống câu chuyện vui “Chiếc chiếu quỷ ám” mà cư dân mạng đang chia sẻ ầm ầm, 4 ông ngồi đánh bài với nhau, mà khi đứng dậy ông 3 ông kêu lỗ, một ông kêu hòa….(!?)”.

Đấy, chỉ nói qua về chứng khoán thôi, đã thấy thật thú vị, hấp dẫn và nhiều cảm xúc. Bảo sao người ta không thích, không mê.

“Thanh xuân như một ly trà…” ảnh 1

Chứng khoán có thể gây nghiện bởi sự thú vị và cảm xúc mà nó mang lại. Ảnh: Dũng Minh.

Dầu thông tin lỗ lãi của các nhà đầu tư trên thị trường là khó kiểm soát, xác minh. Và kể cả người lỗ nhiều hơn thì thực tế cho thấy, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư thu hút rất nhiều người chơi. Từ một kênh kiếm tiền dễ dàng và là xu hướng thời thượng của dân tài chính (những ngày đầu), đến nay, chứng khoán vẫn đầy mê lực.

Anh Hùng, một nhà đầu tư ở TP.HCM nói với tôi, dù giờ mình đã rút khỏi thị trường, nhưng ngày nào cũng theo dõi thông tin. Anh còn cho biết đang kỳ vọng vào các đợt sóng trong năm 2020. Dường như, anh sẽ quay trở lại. Câu chuyện của anh Hùng lại khiến tôi nghĩ đến câu nói: Tình cũ, không rủ cũng tới. Như một anh bạn tôi lúc trà dư tửu hậu có bảo. Cái say mê với phụ nữ đã kinh, nhưng với chứng khoán, nó còn ghê gớm, dai dẳng hơn nhiều. “Ông có thể vì một người con gái mà ngơ ngẩn, ngẩn ngơ cả ngày, một tháng hay một năm, nhưng với “chứng”, nó còn nhiều hơn thế”, anh này nói.

Hóa ra chứng khoán cũng khiến người ta mắc nghiện. Như chia sẻ của nhà đầu tư Trần Đức Linh (Hà Nội). Anh Linh bảo: “Nghiện chứng là có thật. Và từ ngày chơi chứng khoán, mình rất ghét thứ 7 và Chủ nhật vì không được nhìn bảng điện”.

Tính từ ngày cuối cùng thị trường chứng khoán giao dịch (trước Tết Nguyên đán Canh Tý) đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đã giảm 26,06 điểm, (từ 963,51 điểm xuống còn 937,45 điểm). Còn nếu tính từ phiên giao dịch đầu năm Canh Tý (22/1) đến nay, vốn hóa của VN-Index đã bốc hơi gần 8,6 tỷ USD, dịch rã, vi rút đã làm cho cả thế giới chao đảo ít nhiều, và chứng khoán, vốn được coi là hàn thử biểu nền kinh tế của nhiều quốc gia cũng không là ngoại lệ.

Đâu đó, đã có nhiều lời than thở, những cũng có không ít người ngược sóng thị trường lại có được niềm vui nhỏ trong những ngày đầu năm. Đó luôn là những trải nghiệm thị trường và mang lại cảm xúc trái ngược vô cùng thú vị. 

Rồi mới đây, chứng trường lại dậy sóng bởi một vụ việc là kỳ gắn với một "tiên sinh" trong ngành môi giới, hơn 50 nhà đầu tư bị "bốc hơi" hơn 50 tỷ đồng do giao nhầm trứng cho "người ấp". Cũng không ít anh em lúc này mới rỉ tai nhau: Có tiền thì tự mà tiêu/Chứ đem gửi gắm, là liều lắm thay.

Dầu vậy, có phải ai cũng chạy ngay đi như lời bài háy của cậu ca sĩ nổi tiếng đâu, người ta đều phải qua giai đoạn chập chững, và ban đầu, việc nhờ vả các môi giới vẫn là cách làm quen thuộc. Học phí thì vốn không bao giờ miễn phí (!?)

Cảm xúc chứng khoán mang lại, có lẽ hơn ai hết, chỉ những người từng yêu, từng hưởng đủ cay đắng, ngọt bùi mới cảm được. Hôm nay cuối tuần, có lẽ tôi cũng sẽ bắt đầu tìm hiểu, để xem cô nàng tuổi 20 này có gì mà khiến người ta mê say đến vậy, dầu biết, nếu là tay mới, khả năng cao tôi sẽ rơi vào nhóm 95% nhà đầu tư mang tiền đi mua kinh nghiệm.

Tin bài liên quan