Cư dân phải dùng giẻ để chặn cửa, ngăn nước chảy vào nhà.

TP.HCM: Mưa lớn, người dân sống trên chung cư cũng bị ngập nước

(ĐTCK) Mưa lớn kéo dài không chỉ khiến nhiều tuyến đường và nhà dân tại TP.HCM bị ngập, mà với những cư dân sống tại các căn hộ cao tầng cũng phải thức trắng đêm vì bị nước ghé thăm.

Chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9, tại TP.HCM ngày 25/11 có mưa lớn và kéo dài nhiều giờ. Không những nhiều tuyến đường tại bị ngập nặng, tê liệt, nhiều nhà dân bị ảnh hưởng bởi nước dâng cao mà còn hàng loạt cư dân sống tại các chung cư cao tầng cũng phải ngao ngán vì bị nước tràn vào nhà.

Đơn cử như tại chung cư Lê Thành (quận Bình Tân), chị T., cư dân Block D chia sẻ, nhà chị ở tầng 12 nhưng nước vẫn “ghé thăm” nhà theo hướng cửa sổ. Hai vợ chồng chị phải thay phiên nhau lau và tát nước tới tận khuya.

Trường hợp của gia đình anh D, bên Block B cũng chẳng khá hơn, theo chia sẻ của anh, mưa lớn tạt ướt vào đến trong giường, cửa sổ đóng khóa rồi mà vẫn phải lấy xô để hứng nước.

“12h đêm rồi mà vẫn phải ngồi canh cửa sổ, sống tại chung cư cao tầng mà cứ ngỡ như nhà tranh vách lá ngày xưa”.

 Có hộ còn dùng xô để hứng nước.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại chung cư Lotus Apartment (quận Thủ Đức), chị Lê, hiện đang sống tại tầng 10 ở đây cho biết, ở trong nhà mà như ở ngoài trời mưa bão vậy, đã phải dùng bao nhiêu quần áo cũ để chặn cửa rồi nhưng cũng không ăn thua.

“Không chỉ một mình nhà tôi bị mà nguyên dãy C1 đều như thế, gọi điện phản ánh với bên quản lý tòa nhà thì họ lại bảo gọi bên thi công nhà kính, việc này họ không biết. Như vậy tiền phí quản lý hàng tháng cư dân phải đóng để làm gì”, chị Lê bức xúc.

Nước mưa hắt tràn vào nhà mặc dù đã đóng kín cửa.

Để tạm thời ứng phó với tình trạng này, các hộ dân phải dùng vải, quần áo… để chèn cửa, lấy xô để hứng nước, thậm chí có nhà còn dùng keo silicon để bịt các khe hở.... và luôn túc trực để tát nước ra ngoài, tránh hư hại nội thất trong nhà.

 Dù khe cửa đã được chít bằng keo silicon nhưng nước vẫn thấm qua tường vào nhà.

Hay tại chung cư Citi Home (quận 2), theo phản ảnh của anh Huy, cư dân tại đây, sau trận bão hôm qua mới thấy chất lượng hoàn thiện của CitiHome đáng báo động.

Cửa sổ nhà nào cũng đã đóng hết nhưng vẫn phải đi tát nước. Đường len cửa được thi công không kỹ, không khít, bị hở gioăng nên bị nước mưa rò vào liên tục.

“Hôm qua tôi đã sử dụng toàn bộ thảm để chặn nước, còn tay thì liên tục nhúng khăn vắt mà cũng không kịp. Báo nhà thầu thì họ lên chỉ kiểm tra qua loa, chữa cháy cho qua bảo hành”, anh Huy bức xúc.

 Nhiều hộ dân đã phải thức trắng đêm để ngăn nước vào nhà

Nghiêm trọng hơn, do ảnh hưởng của nước mưa nên một số thang máy ở đây đã phải tạm dừng hoạt động. Đến đầu giờ sáng nay, giờ cao điểm để cư dân đi làm nhưng thang máy vẫn chưa được hoạt động trở lại khiến không ít cư dân bức xúc.

“Tình hình mưa đã giảm thì nên mở lại thang máy, ít nhất là giờ cao điểm đi làm. Chứ như hồi sáng chỉ có 1 thang máy được mở, nhiều cư dân ở những tầng giữa tòa nhà như tôi không thể sử dụng do quá tải mỗi khi thang đến. Chờ đợi quá lâu nên phải chọn cách leo thang bộ để kịp giờ đi làm”, anh Nhiên, cư dân tại Citi Home chia sẻ.

Đại diện ban quản lý tòa nhà cho biết, do bão số  đổ bộ kèm với mưa to gió lốc lớn nên nước mưa tạt vào, gây nên nguy hiểm an toàn vì thế bộ phận kĩ thuật đã cho khóa thang máy. Sáng nay bộ phận kĩ thuật cho tiến hành cho kiểm tra rồi sẽ cho vận hành trở lại.

“Đây là điều không ai mong muốn. Nhưng vì sự an toàn chung, mong quý cư dân hết sức thông cảm”, đại diện Ban quản lý cho biết.

 Hệ thống thang máy phải tạm khóa vì bị nước xâm nhập.

Tình trạng trên không chỉ xảy ra đối với những căn hộ trung cấp, mà ngay cả những dự án cao cấp cũng chẳng khá hơn.

Đơn cử như tại một dự án căn hộ cao cấp trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), cư dân ở đây phản ánh rằng, từ khi nhận nhà đến nay chưa có lần nào mưa mà cư dân có thể rảnh tay. 

“Mưa nhỏ lau ít, mưa to lau từ sáng tới chiều, trong khi đó, tường bị rỉ nước chảy ngập nhà, cửa ban công thì nước nhỏ mạnh hắt vào… nhà kiểu này mưa bình thường cũng có nước tràn vào chứ đừng nói bão. Gọi bảo trì lên thì 2 tuần chưa thấy đâu”, một cư dân bức xúc.

Tin bài liên quan