Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một trong những dự án đầu tư trọng điểm đã được CMSC phê duyệt và triển khai trong năm 2020.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một trong những dự án đầu tư trọng điểm đã được CMSC phê duyệt và triển khai trong năm 2020.

Dấu ấn “siêu ủy ban”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong một năm khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã để lại những dấu ấn nhất định.

Củng cố nền tảng bền vững

2020 là năm đầy khó khăn, thử thách với nhân loại. Đại dịch Covid-19 lan ra khắp thế giới, tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là một trong số ít quốc gia đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới, lạm phát giữ vững dưới 4%.

Trong những kết quả chung đó, có phần đóng góp không nhỏ của CMSC cũng như các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc.

Cụ thể, Ủy ban tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với điểm sáng là thu ngân sách công ty mẹ của 17/19 tập đoàn vượt 12% so với kế hoạch đề ra.

Nếu không tính ảnh hưởng sụt giảm tài sản của Vietnam Airlines - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề và trực tiếp nhất bởi dịch Covid-19, vốn chủ sở hữu công ty mẹ của 14/19 tập đoàn tăng 0,4% so với cùng kỳ. Thành tích trên cần được đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm chưa từng có, GDP của Việt Nam dù có tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng thấp hơn năm 2019 hơn 4%.

Nhiều dự án đầu tư trọng điểm là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng đã được Ủy ban phê duyệt và triển khai.

Có thể kể tới như dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành và dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; triển khai thử nghiệm kỹ thuật 5G; hoàn thành và đưa giàn BK-21 vào khai thác vượt tiến độ 28 ngày, hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất, khai thác điện có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản hoàn thiện các thủ tục để khởi công một số dự án nhà máy nhiệt điện quan trọng như Quảng Trạch I (1.200 MW), Hòa Bình mở rộng… vào đầu năm 2021.

Trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban đã chung tay, sát cánh, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội. Vietnam Airlines, dù chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vì Covid-19 vẫn thực hiện nhiều chuyến bay chi phí cao để giải cứu hàng trăm nghìn công dân Việt Nam mắc kẹt khắp nơi trên thế giới…

Ủy ban đã có các chỉ đạo nhanh chóng đánh giá tác động của đại dịch, cập nhật kịch bản tăng trưởng và đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm cho các tập đoàn, tổng công ty duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đồng thời, Ủy ban cũng chủ động và kịp thời trong đề xuất các kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban, trong đó có Vietnam Airlines.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, Ủy ban đã đề xuất phân loại các dự án/doanh nghiệp thành các nhóm để có phương án chỉ đạo xử lý cụ thể, đưa 3 dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách “12 dự án”...

Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thách thức mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung còn tương đối mới mẻ này.

Thứ nhất, việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý vốn tại doanh nghiệp vẫn chưa tốt. Việc tổ chức triển khai một số chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu như phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo giám sát tài chính, phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đánh giá xếp loại doanh nghiệp do có nhiều vướng mắc, bất cập nên cổ phần hóa, thoái vốn vẫn còn chậm..., từ đó, gây lúng túng cho doanh nghiệp và chưa phát huy được thế mạnh của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban.

Thứ hai, các vướng mắc, bất cập của Ủy ban trong quá trình hoạt động chưa được các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận đầy đủ, chính xác và có đề xuất phương hướng xử lý căn cơ, dài hạn, hiệu quả và kịp thời. Quan hệ công tác giữa Ủy ban và các cơ quan quản lý nhà nước từng bước được định hình, tuy nhiên công tác phối hợp chưa thật nhịp nhàng. Trong một số vấn đề, cách hiểu và vận dụng quy định pháp luật của Ủy ban và các cơ quan quản lý còn chưa thống nhất, dẫn tới tình trạng văn bản qua lại, gây chậm trễ trong xử lý công việc.

Thứ ba, công tác tái cơ cấu đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn chưa đạt tiến độ so với kế hoạch đề ra. Một số doanh nghiệp chậm phê duyệt chiến lược phát triển, đề án tái cơ cấu. Việc nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động mọi mặt của các doanh nghiệp còn chưa rõ nét. Việc xây dựng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp và hệ thống các mục tiêu, chỉ số đánh giá doanh nghiệp nhà nước theo thông lệ quốc tế chưa có nhiều chuyển biến.

Chủ động cho năm bản lề

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Năm tiến hành Đại hội lần thứ XIII của Đảng, năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự báo thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định.

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể được ngăn chặn trong “một sớm một chiều”, thế giới đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, cả về y tế, kinh tế, xã hội.

Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không thể đảo ngược, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.

Trong bối cảnh ấy, để góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định của nền kinh tế đất nước, nhiệm vụ được đặt ra là xây dựng CMSC thành một cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết phải giải quyết được những bất cập trong quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của CMSC để cơ quan này hoạt động tốt hơn; kiện toàn bộ máy tổ chức theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả; tuyển dụng và bố trí đúng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất.

Thông tin từ Ủy ban cho biết, kế hoạch trong năm 2021, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc phê duyệt chiến lược phát triển/kế hoạch kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền; tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp với tiến độ nhanh hơn, đảm bảo chất lượng hơn; thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị.

Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành viễn thông sẽ triển khai xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, hạ tầng số làm nền tảng cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của đất nước.

Một mục tiêu khác được Ủy ban hướng tới là thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương. Đồng thời, tập trung rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả khác của các doanh nghiệp…

Trên nền tảng những kết quả thực hiện được trong những năm qua, “siêu ủy ban” đang vững tin vào hành trình phía trước.

Tin bài liên quan