Du xuân miền di sản Tràng An

Du xuân miền di sản Tràng An

(ĐTCK) Trước khi đến với Tràng An, ấn tượng của tôi còn khá chung chung về mảnh đất này: nơi người dân tín Phật và hiền lành, cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp với những khu đền chùa, sông nước được giữ gìn gần như vẹn nguyên suốt nghìn năm qua. Nhưng sau một ngày trọn vẹn thăm thú cố đô xưa của nhà nước Đại Cồ Việt, tôi như đã bị xâm chiếm bởi cảm giác tâm linh rất kỳ lạ.

Nơi di sản hội tụ và tỏa sáng

Cách TP. Ninh Bình 7km về phía Tây, Tràng An đẹp "hút hồn" du khách mà không cần đến công trình ngàn tỷ hay tiện nghi hiện đại. Chỉ bằng cách chèo thuyền xuôi theo các dòng chảy êm đềm hay băng qua những hang động, đền chùa cổ kính, Tràng An đã có thể đưa du khách thưởng ngoạm vẻ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh của mình.

Không chỉ sở hữu phong cảnh núi non hữu tình, nơi đây còn đóng vai trò quan trọng trong chiều dài lịch sử dân tôc. Vào năm 968, sau gần 1.000 năm bị phương Bắc thống trị, vua Đinh Bộ Lĩnh đã thành lập nhà nước độc lập đầu tiên mang tên Đại Cồ Việt.

Cùng với người dân của mình, vị hoàng đế họ Đinh đã dựng lên những bức tường hoành tráng nối các ngọn núi cao, biến toàn bộ vùng đất gồ ghề Hoa Lư thành một lâu đài bất khả xâm phạm. Tràng An với hệ thống núi đá, rừng cây, hang đông hiểm trở khi đó được chọn làm thành Nam bảo vệ kinh đô.

41 năm tiếp theo, Hoa Lư tiếp tục đóng vai trò kinh đô nhà nước Đại Cồ Việt trước khi nhà Lý lên ngôi và quyết định rời đô về Thăng Long (Hà Nội) vào năm 1010. Đến thế kỷ 13, triều Trần trở lại Tràng An và tiếp tục biến nó thành một pháo đài quân sự nhằm chống lại cuộc xâm lược của một triệu quân Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn. Tràng An dưới thời Trần còn được chọn làm trung tâm tôn giáo (Phật giáo) và giáo dục cho các vị vương tôn hoàng tử triều Trần.

Ngoài vai trò quan trọng về lịch sử, Tràng An còn là một trong những nơi có cảnh quan tháp Karst đẹp và quyến rũ nhất thế giới. Nơi văn hóa tiếp xúc với kỳ quan bí ẩn và vẻ hùng vĩ của thế giới tự nhiên.

Trước khi đến với Tràng An, ấn tượng của tôi còn khá chung chung về mảnh đất này: nơi người dân tín Phật và hiền lành, cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp với những khu đền chùa, sông nước được giữ gìn gần như vẹn nguyên suốt nghìn năm qua. Nhưng sau một ngày trọn vẹn thăm thú cố đô xưa của nhà nước Đại Cồ Việt, tôi như đã bị xâm chiếm bởi cảm giác tâm linh rất kỳ lạ.

Từ bến đò Tràng An, chỉ với mức giá 200.000 đồng, tôi đã có thể lên thuyền và thực hiện một trong ba hành trình khám phá đã được sắp đặt sẵn. Mỗi hành trình, mỗi điểm dừng tại các hang động, đền đài đều có sẵn rất nhiều câu chuyện lịch sử thú vị đợi chờ du khách khám phá.

Với những bạn trẻ muốn tham quan trường quay bộ phim Kong: Skull Island nổi tiếng của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, hãy đi tuyến đường số 2 và 3. Hai hành trình này thường chỉ ghé qua ba đến bốn hang động nhưng bù lại, bạn sẽ được tham quan hang động ngoạm mục nhất khu danh thắng là Hang Địa Linh dài hơn 2km. Riêng tôi, tôi chọn tuyến đường số 1 vì đây là hành trình dài nhất, đưa du khách tham quan tới 9 hang động và 3 ngôi đền.

Vẻ đẹp hài hòa tuyệt mỹ ở Tràng An

Người chèo đò hôm nay của chúng tôi là một phụ nữ trung niên đứng tuổi, đầu đội nón lá. Chị mặc chiếc áo sơ mi xanh thẫm đã sờn đường chỉ. Vóc dáng thấp gầy nhưng chị điều khiển cả con thuyền gỗ 6-7 người ngồi khéo léo như một vị tướng tài khiển quân.

Với lộ trình gần như khép kín một chiều, du khách không hề cảm thấy nhàm chán trong khoảng ba giờ ngồi thuyền khám phá Tràng An. Sự hòa quyện tuyệt vời giữa hoa cỏ, những dãy núi đá vôi và dòng nước hiền hòa, dịu nhẹ đã biến cảnh sắc vốn hết sức thân quen trở thành kiệt tác muôn màu, biến đổi sau mỗi thung, hang.

Phủ lên cả chuyến hành trình là những ngọn núi hùng vĩ cao xấp xỉ 200m, những khu rừng rậm thường xanh, những vách đá vôi nâu xám, và cả những con sông xanh màu ngọc lục sống động: sông Hoàng Long ở phía Bắc; sông Chanh ở phía Đông; sông Hệ ở phía Nam; sông Bến Đang (và một phần sông Chim) ở phía Tây. Hệ thống núi đá vôi được hình thành từ hàng trăm triệu năm trước đã tạo với các hang động một thế trận ngoạn mục.

Đồng lúa xung quanh xen lẫn với những khu vườn, những căn nhà nhỏ thể hiện một bức tranh về cuộc sống nông thông truyền thống của Việt Nam. Ở “Thủ phủ” du lịch nhưng người dân vẫn hồn nhiên trồng lúa, trồng ngô, vẫn kiên quyết giữ gìn nếp nhà truyền thống của kinh đô ngàn năm tuổi.

Xuôi theo dòng sông phẳng lặng, chiếc thuyền nhẹ nhàng khua mái uốn lượn xuyên qua các dãy núi đá vôi, qua cả một kho tàng tôn giáo, văn hóa, lịch sử giá trị hòa quyện với tự nhiên hài hòa đáng kinh ngạc.

Đền Trình là điểm dừng chân đầu tiên. Đây là nơi thờ 4 công thần nhà Đinh là 2 vị Tả Thanh Trù và 2 vị Hữu Thanh Trù từng là Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua. Ngôi đền không lớn, nhưng lúc nào cũng được thắp khói đèn mờ mờ ảo ảo, ru lòng lữ khách bình yên trong những bản hòa âm của tiếng kinh cầu…

Tiếp đó, con thuyền chèo chống đưa chúng tôi qua hang Tối, hang Sáng và hang Nấu Rượu. Khi bạn vừa rẽ vào một hang động tối thì một hình ảnh hoàn toàn mới đã chờ đợi bạn ngay trước mắt ở lối ra ở hang Sáng. Nếu qua hang Tối phải cúi gập người và bị hơi nóng của mạch nước giữa hang bủa vây thì hang Sáng lại đem về cảm giác thoải mái. Lòng hang Sáng khá cao, lại ngắn nên ánh sáng ngập tràn hai cửa hang khiến các nhũ đá hình thù kỳ ảo bừng lên sắc màu lung linh, diệu huyền.

Hang Nấu Rượu gắn với truyền thuyết người dân lấy nước giếng trong hang nấu thành rượu tiến vua. Cùng với đó là những sự tích hấp dẫn của hang Ba Giọt, hang Seo, hang Sơn Dương, hang Khống….

Nhưng có lẽ mọi người sẽ nhớ nhất là hang Khống và Phủ Khống, nơi thờ 7 vị công thần đã tuẫn tiết sau khi an táng nhà vua để giữ bí mật lăng mộ cho tới ngày nay. Trước đền có một cây thị ngàn năm tuổi, trái sai và thơm ngát, được cho là trồng để ghi nhớ 7 vị công thần. Ngày nay, người ta vẫn hái thị từ cây này để dâng cúng tại đền.

Không thể phủ nhận sức hút chốn thâm sơn cùng cốc Tràng An sáng như ngọc này vì góc nào ở đây cũng cũng mát mẻ, yên bình, cũng có ngôi đền linh thiêng, hang động tối và bí ẩn, lòng sông sâu thẳm, vách núi chênh vênh.

Tôi đi giữa đôi bờ dòng sông phẳng lặng, giữa đôi bờ lúa chín vàng các dãy nhà cũ kỹ đẹp tựa như trong tranh cổ mà ngỡ mình vừa bước qua nghìn năm lịch sử. Như cái tên Tràng An (yên ổn dài lâu, muôn đời bình yên), tâm hồn tôi thanh khiết hơn ngày trở về.

Dần dà trong cuộc đua với thời gian, Tràng An đi chậm lại phía sau và trở thành nơi lý tưởng cho những người chán ngán ồn ào, chán những bữa tiệc thâu đêm, muốn tìm một nơi sống chậm để thanh lọc tâm hồn.

Du xuân miền di sản Tràng An ảnh 12

Với tôi, Tràng An sẽ luôn là một điểm đến để gợi nhắc mình nhớ về gốc gác tổ tiên, về nhiều thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước mình, về những miền ký ức đã cũ của một nhà nước “văn minh Đại Cồ Việt” lừng lẫy thuở nào.

Tin bài liên quan