Mùa Xuân đầu tiên

Mùa Xuân đầu tiên

(ĐTCK) Với nhiều người phải trải qua bao gian truân, vất vả, bức bối khi ở nhà thuê, việc chuyển về căn nhà mới thuộc sở hữu của mình đó là một niềm vui khôn tả.

1. Hai năm trước, khi vừa kết hôn, để tiết kiệm, hai vợ chồng tôi quyết định chỉ thuê 1 căn nhà nhỏ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng để ở. Thông qua vài người quen, tôi được giới thiệu đến một căn hộ trên tầng 5 áp mái nằm trong khu tập thể có tuổi thọ khoảng 40 năm.

Khu nhà có 3 chiếc cầu thang tối thui, mỗi cầu thang dẫn lên 4 - 5 căn hộ khác nhau. Chỗ gửi xe cũng hơi bất tiện, vì 9 giờ tối đã đóng cửa. Điện nước tuy giá theo quy định của Nhà nước, nhưng mỗi ngày người ta chỉ bơm nước lên các tầng từ 17 giờ chiều. Mặc dù nhà còn nhiều hạn chế, nhưng được cái tự do đi lại, giá rẻ, mà cũng gần chỗ làm, nên tôi tặc lưỡi quyết định thuê.

Lúc 11 giờ đêm một ngày mùa Đông, khi con đường rộng cỡ 2 m dẫn vào khu tập thể bắt đầu thưa vắng người và xe cộ, thì chiếc xe vận chuyển đồ đạc của chúng tôi mới đủ sức lách được vào sân nhà. Đồ đạc khi ấy chẳng có gì nhiều nhặn, chỉ có một chiếc tủ quần áo 2 ngăn, 1 chiếc máy giặt mua từ thời còn là sinh viên, một bộ đồ dùng nhà bếp, bát đĩa, chén đũa… và cơ man sách vở không nỡ bỏ đi. Thế mà cần đến 4 thanh niên to khỏe chật vật vật chuyển theo cầu thang tối thui đến gần sáng mới xong.

Mùa Xuân đầu tiên ảnh 1

2. Người xưa có câu, chuyển nhà là một việc hệ trọng của đời người. Nhà không chỉ là không gian sống, nó còn là nơi gắn bó và thân thiết với ta. Nhà không chỉ là nơi để tránh nắng và tránh mưa, mà nó còn là tổ ấm. Vì vậy, dù bận đến đâu, ta cũng phải tự mình lựa chọn chỗ ăn, chỗ ở cho cẩn thận.

Thế mà, vì cái sự bất cẩn, dễ dãi, mà suốt 2 năm sống ở khu nhà này, đã có lúc tôi cảm thấy thật sự muốn chuyển nhà tức thì.

Bắt đầu là những trận cãi vã vào lúc sáng sớm hoặc lúc nửa đêm từ các nhà xung quanh. Họ cãi nhau bất kể giờ giấc, bất kể lý do. Chỉ vì một thùng giấy để trước cửa chưa kịp vứt: Cãi nhau. Vì giàn nho nhà hàng xóm vươn tay sang dây phơi quần áo nhà bên cạnh: Cãi nhau. Vì hai đứa trẻ tranh nhau quả bóng: Bố mẹ, ông bà cãi nhau. Vì thùng rác lỡ đầy nên phải treo rác ở cạnh tay cầm: Chị đổ rác suốt tối mắng cả xóm.

Cứ về tới nhà là một loạt thanh âm tranh giành nhau lẽ sống cứ thế vang lên váng cả đầu. Khu phố chẳng lúc nào được một phút bình yên. Người lớn cãi nhau đã đành, con cái của họ cũng thế nốt. Mỗi lần nghe bọn trẻ cãi vã, tôi thật sự không hiểu ai đã dạy chúng những ngôn từ ấy.

Rồi cái sân chung vốn bé, nhưng tụi con nít cứ hồn nhiên đá bóng chẳng kiêng nể ai. Hậu quả là một lần tôi bị vỡ cả kính mắt chỉ vì cái sự vô tình của một trong số chúng. Chưa kể đến con ngõ rộng khoảng 2 m là nơi ra vào duy nhất của khu tập thể cũng được các nhà hai bên tận dụng triệt để. Nếu không để xe, thì bày vài bộ ghế buôn bán. Thành ra, có lúc hai chiếc xe máy đi lại còn chẳng tránh nổi nhau. 

3. Thế nhưng nửa năm trở lại đây, cạnh nhà tôi bỗng nhiên chuyển đến hai gia đình trẻ, hiện đại và đều là những người hàng xóm lịch sự, tốt bụng. Từ khi họ chuyển đến, tầng 5 lúc nào cũng có mùi thức ăn thơm phức, tỏa ra từ đằng sau cánh cửa bếp mỗi khi tan tầm. Tiếng nói cười rôm rả, tiếng chuyện trò, tiếng hát ru con… át đi mọi thứ thanh âm phiền phức khác ở phía bên dưới.

Tôi bắt đầu yêu mến họ và thân thiết với họ. Ban đầu chỉ là vài câu chào lúc vô tình chạm mặt. Dần dà thì chị em rủ nhau đi chợ, nấu ăn, tổ chức liên hoan… mỗi dịp lễ. Chồng tôi nhờ vậy mà có thêm hẳn 3 ông bạn nhậu tâm đầu ý hợp. Mới chỉ có mấy tháng, mà 4 nhà đã quây quần bên nhau giống như một gia đình.

Nhưng đúng vào lúc vui vẻ nhất ấy, chồng tôi dứt khoát quyết định mua nhà riêng. Anh nói, đó là một căn chung cư ở vùng ngoại ô có cuộc sống rất yên tĩnh, văn minh, khác hẳn khu này. Bố mẹ hai bên cũng đã đồng ý giúp đỡ một khoản tiền đặt cọc ban đầu. Số tiền còn lại hai vợ chồng gom góp tự lo, thì vài năm cũng trả hết nợ. Tôi nghe cũng xuôi tai, nhưng lòng nặng trĩu.

Tôi nói với chồng, đến bây giờ tôi cũng đã chán cảnh sống lang bạt lắm rồi. Người ta sống một đời chuyển nhà dăm ba lần là cùng, chứ chưa từng thấy ai chuyển nhà nhiều như tôi. Lúc bé, sống ở huyện nhỏ với mẹ đến năm 10 tuổi thì chuyển lên thành phố học. Ở được 4 năm trong trường nội trú lại chuyển về nhà riêng sống. Được thêm 1 năm chuyển nhà lần 2 vào khu đô thị. Thêm 1 năm nữa thì về Hà Nội. Và những ngày tháng sau đó chuyển nhà thuê liên tục. Cám cảnh này người ở tỉnh chắc cũng không lạ lẫm gì.

Chỉ có điều, những nơi tôi từng đến rồi đi, tôi đã bỏ lỡ rất nhiều người bạn, rất nhiều cơ hội có được một cuộc sống vui vẻ, bình yên. Vừa mới quen thân một chút thì lại đúng đến lúc chuyển nhà. Thỉnh thoảng nghe thấy mọi người kể chuyện dịp này, dịp kia phải về quê liên hoan xóm, tụ tập với mấy nhà xung quanh mà thèm.

Lần này cũng là như vậy ư? Cuộc sống ở khu tập thể tồi tàn này chỉ vừa mới ổn định đã lại ra đi. Vừa mới vui vẻ được một hồi với láng giềng đã lại chuyển nhà. Hay là thôi nhỉ? Hay là mình đừng vội? Cứ để thêm 1 - 2 năm nữa rồi tính!

Trước sự ngập ngừng của tôi, chồng chỉ biết im lặng. Rồi anh quay sang trấn an tôi rằng, ở căn nhà mới, tôi cũng sẽ nhanh chóng tìm được những người hàng xóm tốt bụng và thân thiện. Cái chúng tôi cần nghĩ đến bây giờ là tương lai của những đứa trẻ sẽ sớm chào đời. Chứ không phải chút tình cảm quyến luyến tức thời mà lỡ đi một cơ hội được an yên.

Tôi đồng ý! Lòng buồn mênh mang như vừa đi qua một ô cửa gió lùa.

4. Hôm nay cũng là một đêm cuối năm như hai năm về trước, tôi rời bỏ khu phố bé tẹo để bắt đầu cuộc sống mới. Đêm nay khu phố ồn ào bỗng trở nên vắng lặng hơn ngày thường. Có lẽ, cơn gió mùa Đông Bắc đã đuổi hết mọi người trốn vào trong chăn, trong đệm cả rồi.

Hai nhà hàng xóm bên cạnh đang đóng cửa im lìm chìm vào giấc ngủ. Tôi dặn dò công ty vận chuyển hãy nhẹ tay đừng để cuộc chuyển nhà của mình ồn ào quá. Đừng để mấy đứa trẻ con bên ấy thức dậy giữa chừng. Tất cả hãy diễn ra thật im lặng giống như tôi đang chạy trốn khỏi đây đi. Quyến luyến nhưng tôi lại chẳng nỡ gõ cửa gửi lời chào tạm biệt.

Căn hộ mới của chúng tôi có ba phòng ngủ rất rộng rãi. Nội thất bên trong được thiết kế theo phong cách châu Âu với gam màu trung tính. Đồ đạc được bố trí vừa đủ, đơn giản nhưng đồng bộ. Ngôi nhà không có nhiều món đồ décor trang trí, nhưng lại giàu nắng gió và mảng xanh. Cổ điển mà vẫn hiện đại. Tôi thích phong cách như thế.

Ở trên mặt phẳng này, mở cửa phòng ngủ, hay từ trong bếp nhìn ra là cha mẹ, con cái, anh em lúc nào cũng có thể nhìn thấy nhau, vừa đầm ấm, yên tâm lại gần gũi ngay cả đối với khách lạ lần đầu đến chơi.

Gần 4 giờ sáng công cuộc chuyển nhà kết thúc, tôi đặt lưng xuống chiếc giường mới trong sự ngỡ ngàng khó tả và cũng rất khó ngủ. Mùa chuyển, trời đất đổi thay, con người ta tâm tư, xúc cảm cũng khó yên nên phải động lòng. Tâm trạng đó là do mùa tạo ra, hay có lúc nó chạy theo mùa mà thành nhỉ? Có lẽ vì cả hai đấy thôi.

Tôi tự nhủ lòng, thôi thì hãy quên hết tất cả quá khứ đi để bắt đầu lại từ giờ. Cho con cái một nơi yên tâm mà lớn. Không bắt chúng phải chạy theo những hành trình cuộc đời dài đằng đẵng của cha mẹ nữa cũng là điều nên làm mà! 

5. Sáu giờ sáng không ngủ nổi, tôi ngồi dậy pha một ly trà nóng ấm để xua đi cái giá lạnh sớm Đông. Đúng lúc điện thoại thông báo có 1 tin nhắn chờ vừa đến. “Cho chúng em địa chỉ nhà, mấy hôm nữa em xuống chơi, tiện rủ chị đi mua đồ Tết. Biết đâu hứng lên em lại về đó làm hàng xóm của chị. Hii”. Thế mà tôi cứ ngỡ sẽ bị chúng trách móc, rầy la ghê lắm chứ.

Bên ngoài, mưa Đông vẫn lất phất bay bay, nhưng trong lòng, tôi đã thấy mùa Xuân an vui đầu tiên trong đời đã bắt đầu leng keng ngoài cửa rồi!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan