Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Phòng riêng cho con trẻ

(ĐTCK) Cho dù có bao nhiêu kiến thức về thiết kế đi nữa, thì cha mẹ đừng quên chúng ta cũng từng là một đứa trẻ ngây ngô, suy nghĩ đơn giản trước khi trưởng thành.

Không gian cho trẻ khó tạo sức hút riêng

Thực trạng nhà ở tại các đô thị lớn hiện nay thường hay bị thiếu vắng không gian riêng dành cho trẻ nhỏ. Các bé đa phần chỉ sinh hoạt từ nhà đến trường, rồi từ trường đến lớp học thêm là chính. Thỉnh thoảng cuối tuần, gia đình nào có điều kiện thì đưa con ra vùng ngoại ô cắm trại, tham quan, vui chơi.

Gia đình bận rộn, ít có thời gian thì trẻ được đưa đến các trung tâm sinh hoạt thiếu nhi cộng đồng. Mặc dù đã có sự đầu tư, chăm chút không hề nhỏ, nhưng các không gian riêng dành cho trẻ thơ đôi khi vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí quan trọng như sạch sẽ, an toàn, mới mẻ, thú vị và sáng tạo.

Các bậc phụ huynh khi nuôi dạy con luôn tâm niệm rằng, chúng ta cần tôn trọng chính kiến riêng của trẻ để chúng tự do phát huy khả năng sáng tạo. Nhưng khi chăm chút cho không gian riêng của con thì cha mẹ lại hay có khuynh hướng áp đặt ý kiến chủ quan, mà ít khi tham khảo ý kiến của trẻ. Hoặc nếu có tham khảo cũng rất hời hợt và qua loa, dẫn đến sự thiếu vắng những chăm chút đúng mực cho không gian đặc thù này.

Thậm chí, có nhiều gia đình còn tận dụng các vật dụng của người lớn đem chúng vào dùng trong phòng con như ghế xoay kiểu văn phòng, vật liệu trơn bóng, dễ vỡ như gương, gạch bóng kính, các thiết bị điện di động, các loại kệ cao phải với tay. Thậm chí, công tắc, ổ cắm điện phòng trẻ cũng chọn loại có góc cạnh, không có nắp đậy chống nghịch phá rất nguy hiểm.

 Ảnh Shutterstock

Theo các kiến trúc sư, thiết kế không gian dành riêng cho trẻ con như phòng ngủ, phòng chơi, chỗ thư giãn, góc đọc sách…, trước tiên chúng ta cần phải chú ý đến độ tuổi, giới tính, sở thích cá nhân của từng trẻ rồi mới lên phương án thiết kế toàn diện nhất.

Cha mẹ nên có những cuộc nói chuyện kéo dài để lắng nghe mong ước của con về không gian riêng của mình. Nếu đó là những ý tưởng khó thực hiện (ví dụ như con thích có một du thuyền lớn trong phòng, thích có mô hình 5 anh em siêu nhân nhưng không gian phòng nhỏ hẹp…), hoặc những ý tưởng khá kỳ quặc kiểu trẻ thơ thì chúng ta cũng đừng vội tỏ thái độ chê cười, hay nạt nộ con.

Trẻ nhỏ tư duy bằng trí tưởng tượng phong phú, bằng cảm tính chứ chưa cần sự logic hay chính xác như người lớn. Cho nên, trước những suy nghĩ kỳ quặc này, cha mẹ cần đặt thêm những câu hỏi mang tính thỏa thuận, như vì sao con lại thích vật dụng này mà không phải vật dụng khác?

Nếu mẹ thay nó bằng một thứ tương tự con có đồng ý không? Hoặc mẹ sẽ mua cho con 1 chiếc du thuyền nhưng nhỏ hơn, đủ để con đặt ở đầu giường con có thấy ổn không? Để khi con thấy những đồ dùng không giống như mong ước của mình sẽ không bị thất vọng và chán nản.

Trong lúc tìm hiểu sở thích của con trẻ, cha mẹ cần lưu ý không phải đòi hỏi nào của con mình cũng sẽ đáp ứng một cách vô điều kiện. Với những thứ nằm trong khả năng cho phép, cha mẹ có thể đồng ý ngay. Còn với những thứ đắt tiền, khó mua hơn, có thể khuyến khích con làm một việc gì đó cho mình hoặc đạt một điều gì đó như con vượt qua kỳ thi tiếng Anh thì cha mẹ mới thưởng. Việc này vừa thỏa mãn mong ước con trẻ, vừa dạy được con bài học về sự cố gắng, rằng người ta phải lao động, phải trả giá mới đạt được điều mình mơ ước.

Bí quyết vàng kiến tạo không gian cho con

Sau khi đã thu thập đủ ý tưởng, việc tiếp theo là thiết kế và bố cục không gian sao cho hợp lý. Kiến trúc sư có thể có nhiều ý tưởng sáng tạo khác nhau, nhưng không gian dành cho trẻ nhỏ sẽ luôn cần có những đặc điểm chung: độc đáo, khác biệt, sạch sẽ, gọn gàng, sáng tạo, học mà chơi chơi mà học.

Sự độc đáo và khác biệt thường dựa vào sự khác biệt trong độ tuổi, giới tính, tâm lý, cá tính của từng đứa trẻ, nên đòi hỏi kiến trúc sư đôi lúc phải thoát khỏi những ràng buộc về mặt định kiến. Bé gái cũng có thể thích siêu nhân và bé trai cũng có thể thích búp bê. Bé 3 - 4 tuổi vẫn có thể thích không gian đơn sắc chứ không phải các không gian “hoạt hình hóa” như cha mẹ vẫn tưởng. Hoặc đôi khi trẻ nhỏ chỉ mơ ước những điều hết sức giản dị như có một tấm bảng để tha hồ vẽ, hay một tấm nệm lớn để nhảy thay vì cả một bộ đồ chơi xếp hàng.

Sự độc đáo và khác biệt cũng không có nghĩa phải đầu tư cơ sở vật chất thật hoành tráng, không gian phải thật rộng lớn. Nếu khéo léo sắp xếp, chúng ta sẽ có được một không gian sáng tạo, thú vị, tương tác nhiều hơn cả mong đợi. Chẳng hạn, khi nhà có diện tích nhỏ, cha mẹ có thể sử dụng một phần của không gian chung tạo thành một góc riêng cho trẻ, như dành một bề mặt tường kết hợp với thảm sàn êm ái là đủ để con vẽ vời vui chơi.

 Ảnh Shutterstock

Hoặc có thể dành một góc ở ban công, ở sân trong, nơi có chút cây cối cũng đã đủ làm nên “góc sân và khoảng trời” rồi. Ở đó, lúc rảnh con có thể tập tưới cây, trồng cây, chăm sóc cá cảnh… bồi đắp thêm tình yêu thiên nhiên.

An toàn là yếu tố cần đề cao khi kiến tạo không gian cho con. Phòng riêng cho trẻ nhỏ hiếu động không nên đặt ở các vị trí khuất, khó quan sát, lối di chuyển hẹp, nhiều góc nhọn gây nguy hiểm. Các cửa sổ, ban công, lô gia, giếng trời…cần có lan can đủ chiều cao tiêu chuẩn. Phòng vệ sinh và các khu vực có nước phải được lát nền chống trơn trượt. Tốt nhất, nên đặt không gian này trong tầm mắt bố mẹ và trong giới hạn an toàn nhất định.

Về mặt kỹ thuật, các chi tiết như cửa, vách ngăn, lan can thang nếu bằng kính thì phải dán decal hay trang trí sao cho trẻ không bị nguy hiểm. Người lớn thậm chí cần phải cách ly không gian trẻ với các khu vực có nguy cơ cao như nhà xe, máy móc thiết bị chuyên dụng, bếp núc, hồ nước… trong giai đoạn trẻ còn bé.

Cuối cùng là yếu tố sáng tạo và linh hoạt. Sự sáng tạo cũng nên hiểu là sáng tạo trong phạm vi an toàn cho trẻ và sáng tạo phù hợp tâm sinh lý của trẻ, kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo ở trẻ. Còn linh hoạt là sự dễ thay đổi để bắt kịp với sự lớn lên nhanh chóng của đứa trẻ và tính cả thèm chóng chán không giới hạn của chúng. Nếu không “vén khéo” không gian sẽ trở nên bất cập khi cần mở rộng, thay thế sau này. Ngoài ra, không gian cho trẻ nhỏ cần tạo ra những chỗ học mà chơi, để con tự do phát huy khả năng sáng tạo của mình.

Một yếu tố cuối cùng, tuy đơn giản nhưng rất hay bị các bậc cha mẹ bỏ qua chính là sự tôn trọng tuyệt đối không gian riêng tư của con. Khi vào phòng con, cha mẹ nên gõ cửa. Khi muốn sắp xếp lại đồ đạc hay lấy một thứ gì đó cũng cần phải hỏi con. Chúng ta đừng nghĩ “con nít thì biết gì” để dễ dãi trong việc xâm phạm đến đời tư của trẻ.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là để trẻ buông tuồng muốn ra sao thì ra. Hãy dạy trẻ các quy định chơi và học có giờ giấc để tạo thói quen tốt từ sớm. Giữ cho trẻ sự quân bình để không tạo nên những con người sau này hành xử theo kiểu “no dồn đói góp” hay “lúc trẻ không chơi, về già mất nết”. Không phải vô cớ căn hộ chung cư thường là lựa chọn của vợ chồng trẻ có con nhỏ, vì ưu điểm cùng một sàn quây quần dễ coi sóc trẻ hơn là nhà phố nhiều tầng.

Cuối cùng, kiến tạo không gian riêng cho con thực ra cũng là cho chúng ta, những người lớn vì nhiều lý do đã bị “đánh rơi tuổi thơ” đâu đó. Việc chăm chút không gian sống cho trẻ là một cơ hội cho người lớn được “xin một vé đi tuổi thơ”, để làm điều có ích cho con trẻ và được lắng nghe phản hồi từ những “khách hàng phụ thuộc” (tài chính, kỹ thuật) nhỏ tuổi nhưng rất thẳng thắn và trong sáng. Nếu bạn làm không đúng tâm lý, sở thích của trẻ, các “khách hàng” nhí này sẽ từ chối sử dụng ngay.

Cho dù có bao nhiêu kiến thức về thiết kế đi nữa, thì cha mẹ đừng quên chúng ta cũng từng là một đứa trẻ ngây ngô, suy nghĩ đơn giản trước khi trưởng thành. Vì vậy, hãy kiến tạo nên không gian riêng cho con bằng lý trí của một người lớn, trái tim của một người cha, người mẹ, cách nhìn khoan dung của một đứa trẻ và trách nhiệm với thế hệ tương lai mai sau!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan