Giới đầu tư tranh thủ gom mua trước kỳ nghỉ lễ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng trong phiên thứ Năm (28/3), khi triển vọng cắt giảm lãi suất và xoay trục chính sách là động lực chính cho thị trường.
Giới đầu tư tranh thủ gom mua trước kỳ nghỉ lễ

Dữ liệu ngày hôm nay cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn trong quý cuối cùng của năm 2023 khi được điều chỉnh từ 3,2% lên 3,4%.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ 1,8% mà các quan chức Fed coi là tốc độ tăng trưởng “phi lạm phát”. Tổng cộng, GDP Mỹ đã tăng 2,5% vào năm 2023, tăng tích cực từ mức tăng 1,9% vào năm 2022.

Trong khi đó, một ước tính khác cho thấy, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý đầu tiên năm 2024 này là khoảng 2%.

"Chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm nay, khi thị trường lao động vừa phải và sức mua giảm, vì các hộ gia đình ngày càng phụ thuộc vào thu nhập", các nhà kinh tế tại Wells Fargo cho biết.

Hôm nay cũng là phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh và trọng tâm theo dõi của giới đầu tư sẽ là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Sáu.

Đêm qua, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết, dữ liệu lạm phát đáng thất vọng gần đây khẳng định lập trường ngân hàng trung ương có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn, nhưng cũng không loại trừ việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Các nhà giao dịch nhận thấy 64% khả năng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 6, theo công cụ CME FedWatch.

Kết thúc tháng giao dịch này, chỉ số Dow Jones tăng 2,1%, S&P 500 tăng 3,1% và Nasdaq Composite tăng gần 2%. Còn tính trong cả quý I/2024, Dow Jones tăng 5,6%, S&P 500 tăng 10,2% và Nasdaq Composite tăng 9,1%.

Kết thúc phiên 28/3: Chỉ số Dow Jones tăng 47,29 điểm (+0,12%), lên 39.807,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,86 điểm (+0,11%), lên 5.254,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 20,06 điểm (-0,12%), xuống 16.379,46 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng và ghi nhận quý thứ hai liên tiếp tăng nhờ tâm lý lạc quan xung quanh việc cắt giảm lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,18% lên 512,67 điểm và tăng 7% trong quý I này được thúc đẩy bởi kỳ vọng cắt giảm lãi suất sắp diễn ra và sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ.

"Trong nửa đầu năm, các nhà đầu tư đã tập trung vào một vài cổ phiếu, nhưng bây giờ điều đó đang mở rộng ra toàn thị trường", Nadege Duffose, người đứng đầu toàn cầu về đa tài sản tại Candriam cho biết.

Duffose nói thêm rằng các lĩnh vực mang tính chu kỳ hơn như công nghiệp và ngân hàng mạnh hơn nhiều so với dự kiến, khi các nhà đầu tư ít lo lắng về suy thoái kinh tế hơn và tự tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ xoay trục chính sách trong năm nay.

Lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ công nghiệp tăng 11% trong ba tháng đầu năm, trong khi các ngân hàng khu vực đồng euro tăng 17,7%.

Trọng tâm thị trường hiện vẫn tập trung vào dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ, dự kiến vào thứ Sáu sau thị trường đóng cửa.

Về mặt dữ liệu trong ngày, doanh số bán lẻ của Đức bất ngờ giảm trong tháng 2, trong khi số người thất nghiệp ở nước này tăng thấp hơn dự kiến trong tháng 3.

Kết thúc phiên 28/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 20,64 điểm (+0,26%), lên 7.952,62 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 15,40 điểm (+0,08%), lên 18.492,49 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 1,00 điểm (+0,01%), lên 8.205,81 điểm.

Giá dầu thô tăng do dự báo OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng và việc thắt chặt số lượng giàn khoan của Mỹ.

Kết thúc phiên 28/3, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,82 USD/thùng (+2,2%), lên 83,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,39 USD (+1,60%), lên 87,48 USD/thùng.

Tin bài liên quan