Nhà đàm phán Nguyễn Đình Lương: Tác động của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là cực kỳ to lớn: Chương 2 - Người thợ cày trên cánh đồng BTA

Nhà đàm phán Nguyễn Đình Lương: Tác động của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là cực kỳ to lớn: Chương 2 - Người thợ cày trên cánh đồng BTA

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) phía Việt Nam, tác động của BTA tới sự phát triển của Việt Nam là cực kỳ to lớn.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nuôi giấc mơ trở thành một kỹ sư chế tạo máy để giúp người dân xứ Nghệ bớt vất vả, nhưng cuộc đời lại dẫn lối để ông Nguyễn Đình Lương trở thành một nhà đàm phán có kiến thức sâu rộng, chuyên nghiệp, đầy bản lĩnh, sự kiên cường, mềm dẻo, cương nhu linh hoạt, tận tâm, cần mẫn và đáng tin cậy.

Như người thợ cày giỏi trên cánh đồng BTA, ông Nguyễn Đình Lương đã vượt qua bao ma trận của cuộc đàm phán gập ghềnh, gian khó, những trăn trở của một Việt Nam đang chuyển đổi nền kinh tế, những nghi kỵ từ hai phía cựu thù nhiều ân oán, những mưu mẹo và chiến thuật khôn khéo của các đối thủ để đi trên dây suốt 5 năm ròng trong cuộc đàm phán Hiệp định BTA và chạm tới nơi đồng xanh có hoa trái ngọt lành.

Thưa ông, nhiều người rất tò mò cơ duyên nào đã dẫn lối để ông trở thành nhà đàm phán tài ba?

Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi đậu vào Khoa Chế tạo máy, Đại học Bách khoa Hà Nội, với giấc mơ trở thành một kỹ sư chế tạo máy để giúp cha mẹ và những người nông dân quê mình đỡ vất vả.

Một tháng sau khi nhập học, Chủ nhiệm Khoa thông báo tôi đã được chọn đi học ở Liên Xô. Sau khóa học tiếng Nga cơ bản tại Đại học Ngoại ngữ Gia Lâm (Hà Nội), tôi lại được sắp xếp đi học chuyên ngành ngoại thương ở Trường quan hệ quốc tế Moskva (Liên Xô cũ).

Thời điểm đó, rất ít người hiểu “ngoại thương” là gì, tôi lên Khoa hỏi thì được trả lời là: “Ngoại thương chắc là chữa bệnh ngoài da”. Nếu là bây giờ, ai cũng biết chắc chắn đó là nói vui, nhưng gần 60 năm trước thì chưa chắc. (Cười sảng khoái).

Khi sang Moskva học, tôi mới biết trường mình học là nơi đào tạo nhiều con em lãnh đạo ngoại giao cấp cao các nước Đông Âu. Sinh viên tốt nghiệp từ ngôi trường này có nhiều người trở thành nhà đàm phán quốc tế. Kể từ đó, tôi bắt đầu nuôi dưỡng trong mình một giấc mơ mới - trở thành một nhà đàm phán quốc tế.

Về nước, tôi được tổ chức phân công giảng dạy tại Đại học Ngoại thương. Tôi đã trải qua nhiều vị trí như Bí thư đoàn trường, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng ban Tổ chức và Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy.

Năm 1978, tôi bất ngờ được đề nghị chuyển sang làm việc tại Bộ Thương mại (chuyên phụ trách các nước xã hội chủ nghĩa). Thời điểm đó, Việt Nam chuẩn bị gia nhập SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế - xã hội chủ nghĩa), nên Bộ Thương mại rất cần các chuyên gia học về đối ngoại và ngoại thương, lại giỏi tiếng Nga.

Đây chính là một bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi.

Làm công việc tổng hợp ở Vụ 1 (Bộ Thương mại) một thời gian ngắn, tôi được cử đi học bồi dưỡng quản lý kinh tế ở Liên Xô 1 năm. Trở về nước sau khóa học, tôi đi làm ngay ngày hôm sau và nhận chỉ đạo chuẩn bị tài liệu làm việc với đoàn công tác của Hungary.

Cũng kể từ đó, hơn 10 năm kế tiếp, tôi có cơ hội đi đàm phán, kết giao bạn bè với nhiều nước xã hội chủ nghĩa anh em. Khi đó, tôi đã được đi khắp các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Tôi tham gia họp SEV mỗi quý một lần ở Moskva, hàng năm tới các quốc gia như Triều Tiên, Cuba, Albani...; với Nga, có năm tôi ở Moskva tới hơn 3 tháng.

Trong những năm tháng đó, tôi đã tạo dựng được nhiều quan hệ bạn bè thân hữu. Chính những mối quan hệ này đã giúp tôi xử lý thuận lợi trong việc đàm phán trả nợ các nước xã hội chủ nghĩa vào những năm 1980, đầu 1990.

Chắc hẳn ông vẫn nhớ bối cảnh trở thành Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA phía Việt Nam?

Khi Chính phủ giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), tôi đã coi đó là “Hiệp định của cuộc đời”. BTA là Hiệp định thương mại quốc tế lớn đầu tiên của Việt Nam, nhưng là cuối cùng đối với tôi trên cương vị Trưởng đoàn đàm phán.

Bối cảnh trở thành Trưởng đoàn đàm phán BTA là kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Sáng ngày 5/11/1996, tại cuộc họp bàn về việc chuẩn bị đàm phán kinh tế - thương mại với Hoa Kỳ, sau khi các bộ, ngành hữu quan báo cáo tình hình, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại Trần Đức Lương, người chủ trì, đã quyết định thành lập “Tổ công tác liên bộ về Hiệp định Kinh tế - Thương mại với Hoa Kỳ”.

Đột nhiên, ông chỉ vào tôi, và nói: “Tôi quyết định cử đồng chí Nguyễn Đình Lương làm tổ trưởng”. Tôi thực sự thấy bất ngờ, và không kịp phản ứng gì cả, vì giọng nói ông rất quyết đoán.

Trong thâm tâm, tôi hiểu ông chọn tôi vì tôi đã nhiều lần tháp tùng ông trong các cuộc đàm phán, hay họp hội nghị của Ủy ban liên Chính phủ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Ông hiểu trong đầu tôi có cái gì, và tôi có thể làm gì.

Từ sau đó, các công việc liên quan đến đàm phán Việt - Mỹ đều được chuyển về chỗ tôi để tôi tập hợp và tổng hợp. Và đến khi đoàn Hoa Kỳ sang, tôi dẫn đầu đoàn đàm phán phía Việt Nam.

Ông từng nói quá trình đàm phán dài tới 5 năm với 11 phiên, chẳng khác nào một cuộc “marathon trên dây”, ông có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức ở thời điểm ấy dưới góc độ là Trưởng đoàn đám phán Hiệp định BTA phía Việt Nam?

Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã có gần 20 năm trong nghề này, nhưng chủ yếu là đàm phán với các nước xã hội chủ nghĩa. Họ có quan hệ đồng chí, cùng một thể chế, hệ thống pháp luật tương đồng với Việt Nam. Còn BTA thì khác hẳn.

Khi Liên Xô tan vỡ, tôi có đi đàm phán với một số nước như Singapore, Thụy Sỹ, Na Uy, Canada..., nhưng họ không phải Mỹ. Tôi lúc này không hiểu gì về Mỹ, chỉ biết là đàm phán với họ rất khó.

Thời điểm đó, từ ám ảnh của cuộc chiến tranh, tâm lý nghi kị bao trùm lên tất cả. Lúc đó, nhiều người Việt vẫn xem Mỹ là “kẻ thù cơ bản, lâu dài”. Vì thế, với BTA, người phản đối thì nhiều, người ủng hộ thì ít. Người phản đối thì mắng khá nặng lời, người ủng hộ lại ít lên tiếng vì họ phải giữ mình.

Có người coi BTA chỉ là một âm mưu để chuyển hóa chế độ chính trị của Việt Nam. Có người coi BTA đơn giản là âm mưu phá xã hội chủ nghĩa, phá nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Có người nghi ngờ tất cả, nghi cả từng nội dung, từng điều khoản, từng chữ, từng câu…

BTA giống như cục xương vừa to vừa cứng, nuốt không nổi, nhá không xong, cực kỳ khó gặm.

Thực ra, người phản đối hay người ủng hộ cũng là người yêu nước, mỗi người yêu nước theo cách của mình, theo tư duy, theo hiểu biết, theo tầm nhìn của mình.

Đấu trí, thuyết phục đối tác đàm phán đã vất vả, nặng nhọc, nhưng sự nhọc nhằn ấy không thấm vào đâu so với nỗ lực vượt lên chính mình của mỗi nhà đàm phán, và nỗ lực đi tìm sự đồng thuận và chấp nhận trong nước.

Để dân tộc ngẩng cao đầu, không phải cúi mặt vì cái đói, cái nghèo, cái khổ, tôi quyết tâm phải đứng thẳng người lên để đương đầu với khó khăn, thử thách. Bởi tôi biết và tôi tin, con đường mình đi là con đường tiến tới bình thường hóa quan hệ kinh tế với Mỹ, rồi tiến tới gia nhập WTO. Đó là một con đường đúng để đất nước thoát đói nghèo, lạc hậu và phát triển cùng thời đại.

Tôi xác định, phải đàm phán cho được BTA vì đây là nền móng để việt Nam phát triển, đẩy nhanh quá trình đổi mới mà Đảng ta vạch ra từ năm 1986.

Tôi hiểu đất nước cần mình phải vượt qua những vật cản tâm lý của bản thân, của xã hội, để mang những lợi ích thời đại về cho dân tộc. Việc cần làm thì phải làm và phải làm đến cùng.

Thưa ông, xét trong bối cảnh tổng thể Việt Nam khi ấy rất cần một lối thoát kinh tế, vậy ký kết Hiệp định BTA với Hoa Kỳ có vai trò như thế nào?

Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, kinh tế thế giới tư bản phát triển cực nhanh, xuất hiện những “thần kỳ kinh tế” như Nhật Bản, làm náo động của nước Mỹ cuối những năm 80, buộc Mỹ phải nhanh chóng chuyển sang kinh tế mềm để giữ được vai trò chi phối kinh tế thế giới.

Tiếp sau đó, xuất hiện những con rồng, con hổ kinh tế ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, và đặc biệt là Trung Quốc.

Kinh tế Tây Âu phát triển vững chắc trong khuôn khổ thị trường chung châu Âu, đồng tiền chung châu Âu Euro ra đời.

Trong thời kỳ đó, khu vực xã hội chủ nghĩa vẫn duy trì, vẫn kiên định đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa, kinh tế độc quyền Nhà nước, kinh tế kế hoạch, kinh tế bao cấp, và vận hành chung trong toàn bộ hệ thống với sự hình thành khối COMECON (SEV).

Do không có cạnh tranh, năng suất lao động không tăng, trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm khó nâng cao, đời sống ngày càng khó khăn.

Chủ nghĩa xã hội không thắng chủ nghĩa tư bản ở năng suất lao động, cộng thêm nhiều lý do chủ quan, khách quan dẫn đến chủ nghĩa xã hội sụp đổ cuối những năm 1990.

Việt Nam vốn đã ở trong tình trạng khó khăn do chính sách kinh tế không hiệu quả, do cấm vận liên tục hàng thập kỷ. Khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, Việt Nam càng khó khăn hơn nữa.

Với nhận thức “Kinh tế thị trường không phải là sản phẩm của kinh tế tư bản, mà là sản phẩm của xã hội loài người”, Đảng ta đã chủ trương đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đã có một số thành công.

Đảng ta chủ trương phải hội nhập kinh tế thế giới, phải tham gia trào lưu toàn cầu hoá kinh tế, đưa nền kinh tế Việt Nam kết nối với nền kinh tế thế giới để phát triển.

Đó cũng là một cuộc cách mạng.

Cách mạng bao giờ cũng khó khăn.

Sau khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới đua nhau tìm đường phát triển, đua nhau mở cửa nền kinh tế để hội nhập. Toàn cầu hóa mở ra như một cao trào. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời. Các nước chưa là thành viên vội vàng đàm phán xin gia nhập WTO.

Cũng vào thời điểm này, Hoa Kỳ đang chi phối nền kinh tế thế giới; đang chi phối các tổ chức kinh tế thế giới, chi phối và kiểm soát WTO, không ai có thể gia nhập WTO nếu vượt mặt Hoa Kỳ.

Vả lại, có vào được thị trường Hoa Kỳ thì việc hội nhập của Việt Nam mới có ý nghĩa thực chất, mới có lợi ích lớn lao. Khai thông được thị trường Hoa Kỳ, chúng ta mới có thể khai thông được thị trường châu Âu và thế giới. Chưa khai thông được với Hoa Kỳ, ta chưa vào được WTO. Chưa vào WTO thì chưa thể nói là hội nhập.

Thưa ông, vậy khó khăn lớn nhất khi đàm phán BTA với Hoa Kỳ là gì?

Đó là niềm tin. Di sản của chiến tranh ở Việt Nam quá nặng nề, đau thương. Xã hội mỗi khi nghĩ đến nước Mỹ là nghĩ đến chiến tranh, bom đạn, cái chết. Từ lãnh đạo đến người dân rất khó chấp nhận sự trở lại của người Mỹ và vẫn lo lắng Mỹ đang âm mưu phá Việt Nam. Ngược lại, do thất bại trong chiến tranh, người Mỹ cũng có những nghi ngờ về thiện chí của Việt Nam.

Tháng 9/1999, Hiệp định BTA đáng ra được ký ở Auckland, New Zealand, nhưng bất thành do hai nước đã thiếu niềm tin với nhau. Sau đó, các nhà đàm phán đã rất vất vả để tìm cách xây dựng sự đồng thuận xã hội, để có cái nhìn chung hướng về tương lai.

Ngoài ra, chúng ta còn gặp một số điểm khó khác như người Việt lúc này thiếu thông tin. Báo chí thời đó có viết về Mỹ đâu. Còn bối cảnh cuộc đàm phán rất không thuận lợi.

Việt Nam đàm phán BTA trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, một số nhà lý luận trong nước nhận định toàn cầu hóa là trò chơi của tư bản, chỉ mang về nghèo đói, nới rộng phân cách tầng lớp giàu nghèo... Vì thế, Việt Nam không hề tiếp cận với những thay đổi chóng mặt trong nền kinh tế thế giới. WTO ra đời năm 1995, khi tôi đi đàm phán BTA, trong nước hầu như không có nhiều thông tin về tổ chức này.

Hai Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA phía Việt Nam và Hoa Kỳ là ông Nguyễn Đình Lương và ông Joe Damond ký thỏa thuận về nguyên tắc các điều khoản BTA ngày 25/7/1999. (Ảnh: NVCC)

Hai Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA phía Việt Nam và Hoa Kỳ là ông Nguyễn Đình Lương và ông Joe Damond ký thỏa thuận về nguyên tắc các điều khoản BTA ngày 25/7/1999. (Ảnh: NVCC)

(CÒN NỮA)

Chương 1: Sẽ có một "dòng vàng cắm cờ hoa" mới chảy vào Việt Nam

Tin bài liên quan