Nhà đàm phán Nguyễn Đình Lương: Tác động của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là cực kỳ to lớn: Chương 3 - Muốn hội nhập, phải học, phải đọc và phải đọc nhiều

Nhà đàm phán Nguyễn Đình Lương: Tác động của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là cực kỳ to lớn: Chương 3 - Muốn hội nhập, phải học, phải đọc và phải đọc nhiều

0:00 / 0:00
0:00
Khi đàm phán Hiệp định BTA, ông Nguyễn Đình Lương luôn nhớ lời cha dạy: “Làm thợ cày thì đường cày phải thẳng. Muốn có đường cày thẳng thì mắt phải nhìn cho xa, nhìn về phía trước, không được nhìn vào khu con bò”. Nhà đàm phán quốc tế Nguyễn Đình Lương đã nhìn xa hơn, nhìn vào thời đại, nhìn vào tương lai của đất nước, nhìn vào thế giới hôm nay và cả thế giới ngày mai. Để hội nhập với thế giới, ông khuyên giới trẻ phải có kiến thức. Muốn thế, phải học, phải đọc và phải đọc nhiều.

Thưa ông, trước một đối thủ cực kỳ mạnh, để không bị lép vế và trở thành người điều tiết “cuộc chơi” trên bàn đàm phán BTA, ông đã phải làm những gì, nhất là việc làm thế nào để bù đắp những kiến thức thương mại quốc tế?

Nguyên tắc đi đàm phán là cam kết quốc tế, làm thế nào để không va đập hệ thống pháp luật của mình. Nhưng luật pháp Việt Nam thời đó quá lởm khởm, BTA là "quả tạ" để dập bớt lồi lõm.

Theo lộ trình BTA, tất cả luật lệ phải được viết lại hết. Mỹ nói rõ, khi đàm phán 2 bên phải cùng có lợi và muốn vậy thì mình phải mở cửa nền kinh tế theo chuẩn mực của WTO.

Khi Việt Nam mở cửa theo chuẩn mực WTO thì hàng Việt Nam vào được các nước, trong đó có Mỹ, hàng Mỹ vào được Việt Nam, hàng nước khác vào Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, GDP cũng tăng.

Thực ra, trước khi bắt tay vào đàm phán, từ cuối năm 1994, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập GATT - tiền thân của WTO, trong đó cam kết, nếu được kết nạp vào GATT, Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của GATT. Và từ ngày 3/1/1995, khi WTO ra đời, Việt Nam được tham gia với tư cách quan sát viên của WTO.

Mong muốn là thế, cam kết là thế, nhưng ta đã hiểu thế nào là các quy định của WTO đâu. Các chuyên viên trong đoàn đàm phán Việt Nam đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán các hiệp định thương mại song phương, nhưng được đào tạo từ Liên Xô, Đông Âu cũ, chưa quen với khái niệm của WTO.

Ta chưa có thói quen, tập quán sống và làm việc theo pháp luật, logic tư duy pháp luật nói chung còn đơn giản, từ lâu ta đã xa lánh các luật chơi của thị trường tư bản chủ nghĩa...

Bởi sự xa lánh, không cần biết đến luật chơi của tư bản, không tiếp cận cách làm ăn của thế giới bên kia, khi chấp nhận quy định của WTO là luật chơi chung cho cuộc đàm phán BTA, với các nhà đàm phán Việt Nam, cái gì cũng lạ lẫm.

Khi bắt đầu cuộc đàm phán, chúng tôi tìm thầy để học, nhưng không thể tìm được ông thầy nào ở Việt Nam và cũng không tìm thấy ông thầy nào ở các nước anh em, vì triết lý mỗi nước một khác. Những quy định của WTO chưa đến Việt Nam, ta chưa hề tiếp cận, nói gì tới việc áp dụng.

Hơn nữa, hệ thống kinh tế Việt Nam và hệ thống thế giới hoàn toàn khác biệt. Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhà nước, kinh tế độc quyền. Thời đó, xuất nhập khẩu chỉ nằm trong tay nhà nước. Những khái niệm như bình đẳng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa ngoài nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong luật chơi của tư bản hoàn toàn xa lạ với Việt Nam.

Ngay như nguyên tắc National Treatment có trong GATT từ năm 1947 mà ở Việt Nam còn chưa hề có cụm từ tiếng Việt chuẩn, nơi dịch là đối xử quốc dân, nơi lại dịch là đối xử công dân..., cuối cùng chọn dịch là đối xử quốc gia.

Không tìm được thầy, tôi và các thành viên đoàn đàm phán đành "tự đánh vật" với các luật chơi của WTO. Tải bộ tài liệu trên Internet xuống, các thành viên đoàn đàm phán phân công nhau đọc, phân tích, xử lý... rồi trình duyệt.

Các thành viên đoàn đàm phán Hiệp định BTA của Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Các thành viên đoàn đàm phán Hiệp định BTA của Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Nhiều hội thảo, chương trình đào tạo đã được tổ chức để Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia khác để Việt Nam hiểu được WTO, hiểu được những lợi ích và khó khăn của hội nhập.

Mặt khác, muốn đàm phán được, trước tiên phải hiểu đối thủ. Thế nên, tôi dành toàn bộ thời gian, cả thứ Bảy, Chủ nhật, từ sáng sớm đến đêm khuya mày mò tìm đọc về nước Mỹ, người Mỹ, văn hóa Mỹ, cả sách về lịch sử, chính trị, luật pháp, đặc thù phát triển... Việc đọc chiếm nhiều thời gian nhất của tôi trong 5 năm đàm phán.

Tôi cũng đi khắp nơi để tìm hiểu về quan hệ thương mại với Mỹ, để làm sao khi đi đàm phán mọi thứ được suôn sẻ và không bị hớ.

Từ đó, tôi nhận biết được sức mạnh kinh tế của nước Mỹ. Tôi nhận ra họ đang chi phối các tổ chức kinh tế quốc tế như thế nào. Ngồi nói chuyện với người Mỹ phải hiểu họ mới có thể tiếp tục được.

Tôi cũng nghiên cứu các hiệp định mà Mỹ đã ký với các nước khác, các văn bản quy định của các tổ chức kinh tế thương mại như GATT, WTO. Nếu không nắm được luật chơi WTO sẽ không thể ngồi đàm phán với người Mỹ được.

Để bù đắp phần thiếu hụt về kiến thức thương mại quốc tế hiện đại, tôi cùng các cộng sự mò mẫm, “xới tung” hàng trăm văn bản pháp lý của WTO. Suốt 5 năm, cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh những chương, điều khoản và hằng hà sa số văn bản về luật thương mại quốc tế mà tôi liên tục phải tham khảo. Hễ cứ rời bàn đàm phán, tôi lại trở về căn phòng ở trụ sở Bộ Thương mại và làm việc không biết đến ngày nghỉ.

Tôi nhớ, có lần tôi ngã từ trên bàn xuống đất mà không biết gì. Thật may khi vào viện, bác sĩ nói não không có vấn đề gì, chỉ là vì quá mỏi mệt.

Thưa ông, đàm phán BTA đã kéo dài tới 5 năm, vậy đâu là “chìa khóa” giúp hai bên cùng nhau tạo nên một bức tranh BTA mang tới những kết quả đẹp như hiện tại?

Khi đã hình dung ra lợi ích của Việt Nam, tôi thấy con đường đi của chúng ta rất thẳng: Lợi ích của đất nước này là phải ký BTA với Mỹ, bởi không ký được, chúng ta không thể nói gì đến hội nhập với thế giới. Đó là con đường duy nhất để đi.

Đàm phán BTA với Mỹ là để xây dựng quan hệ đối tác làm ăn lâu dài. Muốn là đối tác, muốn làm ăn lâu dài, phải tin nhau, không thể chơi kiểu chộp giật, đánh quả. Mà muốn tin, hai bên phải thẳng thắn, trung thực, không phải thứ trung thực một cách ngây thơ.

Ông và ông Joe Damon (Trưởng đoàn đàm phán BTA phía Hoa Kỳ - NV) đã xây dựng được một tình bạn đẹp. Điều đó thật hiếm có. Điều gì đã khiến hai con người hoàn toàn xa lạ đó, đối tác và đối thủ đấu trí trên bàn đàm phán trở thành bạn bè vậy, thưa ông?

Chính quá trình hai bên tìm hiểu cách làm cho bên kia hiểu bên mình, cùng tìm ra cách xử lý những vấn đề khác biệt trên tinh thần thẳng thắn, trung thực là quá trình hình thành sự tôn trọng, quý trọng lẫn nhau, tin vào trí tuệ của nhau.

Đàm phán thương mại là đàm phán để xây dựng quan hệ đối tác lâu dài. Muốn có quan hệ đối tác phải có lòng tin cậy. Muốn có sự tin cậy phải thẳng thắn và trung thực. Trong cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, tôi luôn áp dụng phương châm thẳng thắn và trung thực. Mình khó thế nào mình nói thẳng với họ. Họ khó thế nào cũng phải biết để cùng tìm cách xử lý. Những điều gì họ đòi hỏi quá đáng, mình nói thẳng là không nên. Sức mình đến đâu mình cam kết đến đó, đã cam kết rồi khó cũng phải làm.

Dần dà, tôi và Joe Damond hiểu được tính cách của nhau. Chúng tôi thường phải nhìn thẳng vào mắt nhau, cùng suy nghĩ một điều: Hãy cố tìm cho được những cái có thể giữa muôn vàn cái không thể, tìm cho được cái chung trong muôn vàn cái khác biệt. Chúng tôi chăm chút từng mũi kim để gỡ dần những cuộn chỉ rối, nhặt từng hạt cát, viên sỏi để lấp đầy hố sâu ngăn cách.

Ông Nguyễn Đình Lương và ông Joe Damond hội ngộ tại Việt Nam trong chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề "Việt Nam - Cơ hội và lối rẽ của một nền kinh tế" của Báo Đầu tư, phát sóng ngày 29/8/2022, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022).

Ông Nguyễn Đình Lương và ông Joe Damond hội ngộ tại Việt Nam trong chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề "Việt Nam - Cơ hội và lối rẽ của một nền kinh tế" của Báo Đầu tư, phát sóng ngày 29/8/2022, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022).

Trong quá trình đàm phán, với sự tìm tòi không ngừng, hẳn rằng ông đã chiêm nghiệm được nhiều điều về Hoa Kỳ?

Thứ nhất, kinh tế Hoa Kỳ rất mạnh, thị trường Hoa Kỳ rất rộng và rất tự do, tự do nhất thế giới. Ai vào thị trường Mỹ cũng được, miễn có hàng hoá và cạnh tranh được. Chính sách của Mỹ rất khôn ngoan: mở cửa cho cả thế giới vào cạnh tranh và dân Hoa Kỳ được hưởng lợi.

Thứ hai, Hoa Kỳ chi phối kinh tế thế giới. Đến hôm nay vẫn thế.

Thứ ba, Hoa Kỳ chi phối các tổ chức quốc tế, nhất là WTO. Toàn bộ hệ thống luật pháp của WTO là chuyển từ hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ như ông hộ pháp, đứng chắn trước cửa WTO, anh nào vào cũng phải qua cửa này.

Vì thế mới nói, BTA chính là lối rẽ, là bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam.

Trong quá trình đàm phán BTA, có những kỷ niệm nào ông không thể nào quên?

Đàm phán BTA là kỷ niệm suốt đời không quên, có đau, có thương, có mồ hôi, có nước mắt, có tình bạn, có hạnh phúc.

Ngày 13/7/2000 là ngày đáng nhớ nhất đời tôi. Hiệp định ký xong, tôi về Thương vụ Việt Nam tại Washington, tràn ngập một cảm giác nhẹ nhõm và thanh thản. Tối hôm đó, tôi đã thắp hương cho cha, với lòng thành kính và thưa với cha rằng: “Việc khó nhất đời con, con đã làm được, nợ với đời con trả, con đã xứng đáng với cha”.

BTA được ký kết, cảm giác của tôi thật khó tả. Đó có thể là niềm vui do cất được gánh nặng. Cảm giác như bác thợ cày, trời nắng chang chang, cày xong thửa ruộng, mồ hôi nhễ nhại, ngồi phệt lên bờ, rít một hơi thuốc lào, rít thật sâu rồi nhả khói lên trời. Sướng!

Trước khi đàm phán, tôi thiết kế 5 nguyên tắc đàm phán. Khi Bộ Thương mại trình 5 nguyên tắc lên Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã ghi một chữ “đồng ý” suốt từ bên này sang bên kia trang giấy. Hôm sau, Bộ nhận được văn bản trả lời: “Nhất trí với đề xuất của Bộ Thương mại”. Hiểu được quan điểm, ý đồ của người Mỹ để biết phải chuẩn bị những gì cho cuộc chiến mới, một cuộc chiến bằng trí tuệ. Đó là kỷ niệm đáng nhớ.

Tôi cũng nhớ như in, buổi khai mạc vòng đàm phán thứ 5, cũng tại Washington DC, tháng 5/1998. Khác với tất cả những lần trước đó, khi vào phòng họp, xuất hiện hàng loạt những gương mặt mới: Đại sứ Mỹ tại WTO, Phó đại diện thương mại Mỹ kiêm trưởng nhóm đàm phán nổi tiếng về dịch vụ, Trưởng đại diện về sở hữu trí tuệ Mỹ tại Geneva, Trưởng đoàn đàm phán về đầu tư... Lúc ấy cũng có cả Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Peterson. Tôi rất bất ngờ.

Hơn một năm trước đó, vào tháng 4/1997, Mỹ đưa cho ta một dự thảo hiệp định được thiết kế trên những nguyên tắc của WTO. Trong chuyện này, người Mỹ rất nghiêm túc, nói WTO là WTO. Dự thảo đó cũng đã được đưa cho một số nước khác và các nước kia ký ngay trong năm 1997. Thế nhưng, đối với Việt Nam, sau khi nghiên cứu, ta thấy không thể ký được, vì yêu cầu cam kết cao quá, nếu ký thì mình sẽ gặp bất lợi. Ta đề nghị để thiết kế lại cho phù hợp với đặc điểm của mình, với lý do: “Việt Nam là nước đang phát triển có trình độ thấp”.

Trước khi sang Mỹ, chúng tôi đã đưa bản dự thảo cho họ, khác với dự thảo mà họ đưa cho ta. Bản dự thảo này được thiết kế lại dựa theo nguyên tắc và luật chơi của GATT/WTO, có nhiều điểm khác xa so với bản mà phía Hoa Kỳ đã trao cho Việt Nam hồi tháng 4/1997, đặc biệt là chương dịch vụ và nhiều điều khoản khác gần như được viết lại hoàn toàn.

Phía Mỹ ngạc nhiên: “Tại sao một bản dự thảo mà Mỹ đưa cho các nước, các nước đều ký hết, còn Việt Nam thì không ký?”. Họ đã cho các chuyên gia nghiên cứu dự thảo của ta và thấy ta đúng, họ chấp nhận. Không những vậy, người Mỹ còn cảm ơn vì Việt Nam đã đưa ra lộ trình mà Mỹ có thể áp dụng cho các nước có điều kiện tương tự mà trước đây chưa hề có khuôn mẫu.

Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA phía Hoa Kỳ, ông Joe Damond nói khi khai mạc cuộc đàm phán: “Chúng tôi rất ngạc nhiên và xin nói thẳng: Chơi với các đối tác như các ông, chúng tôi thấy sướng”.

Lúc đó, tôi cũng sướng, lòng tự hào dân tộc của mình được kích lên, sung sướng lắm chứ!.

Hai ngày sau đó, Đại sứ Peterson phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc đặc biệt. Đối với họ, ta chỉ nên kiên trì mà không nên áp đặt”. Cuộc chơi này là cuộc chơi trí tuệ, phải thắng bằng trí tuệ. Tất nhiên đó chưa phải là bản dự thảo cuối cùng, nhưng hai bên đã gặp nhau, đã thấy ánh sáng. Sau đó mỗi bên từng bước lùi một chút, cho đến ngày kết thúc.

Nếu nói về tầm nhìn của mình để đàm phán thành công BTA, ông sẽ ví với hình ảnh nào?

Tôi sinh ra ở đất Nam Đàn, Nghệ An, từ khi 7 tuổi đã bắt đầu đi cắt cỏ, lượm củi qua sông Lam. Khi cha dạy tôi đã làm thợ cày thì đường cày, ông luôn nhấn mạnh, con phải cày thẳng. Muốn có đường cày thẳng con phải lưu ý, khi cày mắt phải nhìn cho xa, nhìn về phía trước, không được nhìn vào khu con bò. Khi đi đàm phán với Mỹ, tôi phải nhìn cho xa hơn, nhìn vào thời đại, nhìn vào tương lai của đất nước, nhìn vào thế giới hôm nay và cả thế giới ngày mai.

Thưa ông, cuộc sống của ông thay đổi ra sao sau khi đàm phán thành công Hiệp định BTA?

Hiệp định BTA được đàm phán trong bối cảnh tâm lý xã hội của mình lúc ấy vẫn còn có những nặng nề. Thật ra, chuyện đó cũng là bình thường và dễ hiểu. Công tội chưa nói, nhưng mà thôi, đến hôm nay, tôi vẫn còn sống vui vẻ như này là quá mừng rồi. Tôi không mưu cầu gì cho bản thân cả.

Ông thợ cày Nguyễn Đình Lương bây giờ sống đơn giản lắm. Đấy, như chị thấy, nhà tôi không có tài sản gì đáng kể. Bao năm qua, tôi không mua sắm gì cả. Sáng thì ăn bát mì tôm với quả trứng rồi đi tập. Trưa thì con cái nấu gì mình ăn nấy. Tối ăn thêm bát cháo, đĩa nộm hoặc món gì ít chất béo.

Tôi sống bằng tiền hưu thôi, thuốc thang cần gì là con cái chu cấp. Ít bữa nữa, tôi dự định về quê sống với luỹ tre làng, với đồng lúa quê hương, với những trận gió Lào nóng rát.

Nhiều lúc nghĩ cũng vui, vì nghề của mình chả dính gì đến tiền nong cả. Nói đâu xa, 20 năm đi đàm phán Liên Xô, Đông Âu, mấy đứa gửi quần bò, áo phông còn không bao giờ làm. Cái đó khi ấy là trào lưu, nhiều người giàu lên, nhưng tôi nghĩ mình không có khả năng.

Ông Nguyễn Đình Lương diện kiến Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, trong chuyến thăm Nhà Trắng ngay khi Hiệp định BTA được ký kết, ngày 13/7/2000. (Ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Đình Lương diện kiến Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, trong chuyến thăm Nhà Trắng ngay khi Hiệp định BTA được ký kết, ngày 13/7/2000. (Ảnh: NVCC)

Là nhà đàm phán quốc tế được nhiều người kính nể, nhưng ông luôn nhận mình là thảo dân, là “người thợ cày” xứ Nghệ. Chắc hẳn, ông rất tự hào về quê hương của mình?

Ngẫm lại hành trình đã trải qua, tôi luôn cho rằng, nếu không sinh ra từ vùng đất nắng gió xứ Nghệ, không được rèn giũa bản lĩnh trong sự kiên cường, khó nhọc ngày ấu thơ chắc hẳn tôi khó lòng vượt qua tầng tầng khó khăn để đi đến đích BTA, nơi có đồng xanh hoa trái ngọt lành.

Bản chất ham học hỏi, ham đọc, nghị lực của xứ Nghệ trong con người giúp tôi vượt qua tầng tầng, hàng vạn khó khăn. Nếu không có ý chí, không có bản lĩnh thì không thể vượt qua được và không thể đàm phán được với Mỹ.

Sau Hiệp định BTA và gia nhập WTO, Việt Nam đang như một cỗ xe chạy trên đường lớn, trên con đường có cả xe chạy cùng chiều, cả xe chạy ngược chiều, bác tài ngồi trên xe phải thật tỉnh táo, mắt phải tinh, tay lái phải lụa để tránh tai nạn trên đường.

Xin ông có lời khuyên cho giới trẻ để các thế hệ người Việt có đủ bản lĩnh, trí tuệ để hội nhập với thế giới?

Lời khuyên cho giới trẻ thì nhiều người khuyên rồi. Nói chung, hội nhập phải có kiến thức, nên phải học, phải đọc và đọc nhiều để có kiến thức hội nhập tốt.

Tôi tin, Việt Nam là một dân tộc có kiến thức.

Trong phòng khách tại tư gia, ngoài bức ảnh khoảnh khắc lịch sử khi diện kiến Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, trong chuyến thăm Nhà Trắng ngay khi Hiệp định BTA được ký kết, ông Nguyễn Đình Lương trân quý treo bức thư của ông Joe Damond viết cho ông và hai bài thơ của những người bạn viết về ông.

Trong phòng khách tại tư gia, ngoài bức ảnh khoảnh khắc lịch sử khi diện kiến Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, trong chuyến thăm Nhà Trắng ngay khi Hiệp định BTA được ký kết, ông Nguyễn Đình Lương trân quý treo bức thư của ông Joe Damond viết cho ông và hai bài thơ của những người bạn viết về ông.

“Người thợ cày”, nhà đàm phán quốc tế tài ba Nguyễn Đình Lương đã đóng góp quan trọng trong thành công của Hiệp định BTA, từ đó gieo mầm cho một tương lai tốt đẹp, bắc chiếc cầu giữa hai cựu thù Việt - Mỹ trở thành bạn tốt và ghi vào tiến trình hội nhập của Việt Nam một mốc son trọng đại.

Trong phòng khách tại tư gia, ông Nguyễn Đình Lương vẫn treo bức ảnh khoảnh khắc lịch sử khi ông diện kiến Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton trong chuyến thăm Nhà Trắng ngay sau khi Hiệp định BTA được ký kết, bức thư của ông Joe Damond viết cho ông và hai bài thơ của những người bạn viết về ông.

Những câu thơ rất ngắn, nhưng đủ nói lên được khí phách thanh cao, bản lĩnh cứng cỏi và một tấm lòng trọn vẹn với non sông, đất nước: “Một người hóa thân thành dân nước/ Một lòng sau trước nghĩa non sông/ Cuộc đời vạn biến mà không khác/ Một người toàn vẹn chỉ Việt Nam”, trích bài thơ “Người” do ông Nguyễn Việt Phương, nguyên Thư ký cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết tặng ông Nguyễn Đình Lương.

Ông Nguyễn Đình Lương trò chuyện với tác giả - nhà báo Phùng Thị Hồng Hạnh, Báo Đầu tư, tại tư gia. (Ảnh: Chí Cường)

Ông Nguyễn Đình Lương trò chuyện với tác giả - nhà báo Phùng Thị Hồng Hạnh, Báo Đầu tư, tại tư gia. (Ảnh: Chí Cường)

Chương 1: Sẽ có một "dòng vàng cắm cờ hoa" mới chảy vào Việt Nam

Chương 2 - Người thợ cày trên cánh đồng BTA

Tin bài liên quan