Những xóm nghề ở phố cổ Gia Hội

(ĐTCK) Ở phố cổ Gia Hội (TP. Huế) có những xóm nghề lâu năm. Điều đáng khâm phục, dù khó khăn vất vả, người lao động vẫn cố gắng bám trụ với nghề.

Nghề lâu năm

Trước Lễ Phật đản năm nay, tôi tìm đến xóm làm lồng đèn tại kiệt (người dân gọi là xóm) 399, 401 đường Chi Lăng, phường Phú Hậu, TP. Huế. Ông Đặng Hữu Thành (54 tuổi), Tổ trưởng tổ dân phố 2, khu phố 1, phường Phú Hậu cho biết: “Nghề làm lồng đèn phục vụ Phật đản ở kiệt 399, 401 đường Chi Lăng đã có từ lâu và đây là nghề thời vụ”.

Tìm hiểu quanh xóm, tôi gặp chú Nguyễn Tân đang cặm cụi làm lồng đèn ở số nhà 401 đường Chi Lăng. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống này, chú Tân cười hiền cho biết, nghề làm lồng đèn là một nghề thủ công dễ làm, chỉ cần chăm chỉ và chịu khó học hỏi. Năm nay, chú và thợ làm được 1.000 chiếc lồng đèn đủ loại để bán ra thị trường, giá mỗi chiếc từ 10.000 - 60.000 đồng.

 Một thương hiệu mè xửng nổi tiếng tại phố cổ Gia Hội. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Nằm sâu trong kiệt 399 đường Chi Lăng, hộ bà Phạm Thị Bình là cơ sở làm lồng đèn lớn nhất và cũng là hộ đầu tiên ở đây làm nghề này. Bà Bình cho biết, năm nay, gia đình bà sản xuất được 1.800 chiếc lồng đèn đủ loại cung ứng cho thị trường. 

Theo bà Bình, muốn làm một chiếc lồng đèn phải trải qua nhiều công đoạn: Chẻ tre, uốn sườn, lên sườn, phất và trang trí. Về nguyên vật liệu, tre được mua ở ngay địa phương, còn giấy dán, giấy ni lông... được đặt từ TP.HCM.

 Chú Nguyễn Tân và thợ đang cặm cụi làm lồng đèn. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

“Ai chưa biết thì khó làm, vì nhiều công đoạn, nhưng làm nhiều sẽ quen tay”, bà Bình chia sẻ và cho biết, nghề làm lồng đèn cần công sức của nhiều người và có sự “chuyên môn hóa”. Người chuyên chẻ tre, người chuyên uốn sườn, người chuyên lên sườn, người chuyên trang trí.

Một xóm nghề khác cũng nổi tiếng ở phố cổ Gia Hội là “xóm bánh bao”. Đây là tên gọi khác của kiệt 112 Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp. Lý giải tên gọi độc đáo này, bà Hoàng Thiên Thu, Tổ trưởng tổ dân phố số 8, phường Phú Hiệp, TP. Huế cho biết, nơi đây có nhiều hộ gia đình làm và bán bánh bao, nên người dân gần đó gọi dần thành quen miệng.

Quả thật, càng vào sâu trong xóm, tôi càng thấy nhiều nhà có xe bán bánh bao trước sân. Để tìm hiểu về nghề này, tôi ghé vào hộ bà Hồ Thị Quyên (63 tuổi). Nhìn đôi tay lực lưỡng của chồng bà Quyên nhồi bột để làm bánh bao, không ai nghĩ ông đã gần 70 tuổi.

Theo bà Quyên, lúc mới vào nghề cách đây 30 năm, bà lấy bánh bao ở chỗ khác để bán lại. Sau đó 3 năm, thấy vừa làm vừa bán có lời hơn, nên bà và chồng quyết định chuyển sang làm bánh bao. Lúc đầu nấu bằng củi, nên phải ngồi canh lửa, nhưng hiện nay, đã chuyển sang dùng bếp gas. Mỗi ngày, gia đình bà làm được 200 cái bánh bao và đi bán dạo khắp các con đường ở TP. Huế.

Sang nhà bên cạnh bà Quyên, chúng tôi gặp bà Chế Thị Hòa (58 tuổi) lúc bà đang chuẩn bị hấp bánh. Theo bà Hòa, vào 5 giờ sáng, bà bắt đầu nhồi bột, làm nhụy. 8 giờ sáng bắt đầu bắt bánh. Từ 10 đến 12 giờ hấp bánh. Khoảng 2 giờ chiều bỏ vào xe đẩy đi bán, đến khi nào hết mới về nhà. Thông thường, bà chỉ làm 100 cái, nên thường về nhà trước 8 giờ tối.

Khó khăn vẫn giữ nghề

Công việc vất vả từ sáng sớm tới tận tối mịt, nhưng tiền lãi không đáng bao nhiêu, nên nhiều người ở “xóm bánh bao” đã bỏ nghề. Bà Nguyễn Thị Mị (53 tuổi) cho biết, lúc 25 tuổi, bà đã làm và bán bánh bao. Tuy nhiên, do sức khỏe hiện nay kém đi nhiều, nên cách đây 4 năm, khi con cái đã khôn lớn, bà cùng chồng chuyển sang làm khung vai ly đồ mã tại nhà.

 Bà Chế Thị Hòa đang hấp bánh bao. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Đối với xóm làm lồng đèn, số hộ làm nghề cũng giảm mạnh. “Nhiều năm trước, có trên chục hộ làm, nay chỉ còn 5 - 6 hộ”, chú Nguyễn Tân cho hay. Không chỉ số hộ làm lồng đèn giảm, mà sản lượng mỗi hộ làm ra cũng giảm đáng kể so với cách đây vài năm.

Ông Đặng Hữu Thành cho biết, trước đây, các hộ làm lồng đèn xong mang đi bán, nhưng nay chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. Do sự cạnh tranh của các loại lồng đèn bằng vải, bằng nhựa, sử dụng được lâu, nên nhu cầu về lồng đèn giấy, ni lông sụt giảm, mà nghề theo thời vụ, nên nhiều người đã chuyển nghề khác.

Tuy nhiên, cả với xóm lồng đèn và xóm bánh bao, vẫn có những hộ dân bám trụ với nghề và cho biết, dù khó khăn, nhưng sẽ vẫn quyết tâm giữ nghề.

Bà Nguyễn Thị Hoa (47 tuổi), ở cuối kệt 112 Nguyễn Chí Thanh cho biết, dù sức khỏe không tốt, chồng mất sớm, con lớn đi làm xa, còn 2 con nhỏ đang tuổi ăn, học, nhưng bà sẽ vẫn tiếp tục giữ nghề, vì đây là nguồn thu nhập ổn định của gia đình.

Tương tự, ông Nguyễn Sang (56 tuổi) cho biết, làm ra 100 cái bánh bao đã mệt mỏi, đẩy xe đi bán càng khổ cực hơn. Những lúc lên dốc, mưa tạt gió thổi mạnh phải ráng sức mà đẩy. “Nghề ni phải có sức khỏe. Không có sức khỏe làm không nổi”, ông Sang nói và cho biết, khó khăn là thế, nhưng ông vẫn quyết tâm giữ nghề đến khi nào vẫn còn sức khỏe.

Bà Dương Thị Hòa (46 tuổi), được thừa hưởng nghề làm và bán bánh bao từ bố mẹ chồng từ 24 năm trước và đến nay, bà vẫn gắn bố với nghề này và chưa có ý định chuyển sang nghề khác.

Đối với xóm làm lồng đèn, cụ Nguyễn Thị Thương, mẹ chồng bà Bình cho biết: “Mặc dù lồng đèn lúc đắt, lúc ế, nhưng vì đây là nghề phục vụ lễ Phật đản, nên nhất quyết phải làm. Có mượn tiền cũng phải làm”. 

Không chỉ là những xóm nghề

Ngoài những xóm nghề, phố cổ Gia Hội còn là nơi lưu giữ những kiến trúc cổ như: Ngôi chùa Trường Xuân được xây dựng từ thời các chúa Nguyễn; Quốc tự Diệu Đế được vua Thiệu Trị xếp hạng một trong 12 thắng cảnh của đất thần kinh; chùa Tăng Quang đánh dấu sự hình thành Phật giáo Nam Tông trên đất Huế; Thanh Bình từ đường là nhà thờ tổ hát bội của cả nước, được xếp hạng di tích văn hóa quốc gia; Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo của Việt Nam, nơi linh thiêng của tín ngưỡng độc đáo của cư dân sông nước với nghi lễ lên đồng; ngôi nhà thờ họ Kim Hoàn thờ hai ông tổ nghề thợ vàng thợ bạc Cao Đình Độ và Cao Đình Hương...

Ngoài ra, khu phố cổ Gia Hội còn có các kiến trúc của người Hoa, như đền Chiêu Ứng, chùa Bà, hội quán Quảng Đông, hội quán Triều Châu, hội quán Phúc Kiến, hội quán Quảng Triệu.

Bên cạnh đó là ngôi nhà thờ của một gia đình người Ấn Độ theo đạo Hinđu ở đường Chi Lăng, phường Phú Cát. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng (Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế), ngôi nhà thờ này có kiến trúc mới lạ duy nhất loại này ở Huế.

 Những xóm nghề ở phố cổ Gia Hội

Đặc biệt nhất ở phố cố Gia Hội là hệ thống phủ đệ, như Phủ thờ Thượng thư Nguyễn Đình Hòe, Phủ thờ Quận chúa Như Sắc, Phủ Gia Hưng Vương (đường Bạch Đằng), Phủ bà Chúa Nhất, Phủ Vĩnh Tường Quận Vương, Ngọc Sơn Công Chúa từ, Phủ từ Cẩm Giang Quận Vương, Phủ Hoài Quốc Công, Phủ Mỹ Quận Công, Phủ Tuy An Quận Công (đường Nguyễn Chí Thanh), Phủ từ Hoài Đức Quận Vương, Nghi Quốc Công từ (đường Nguyễn Du), Phủ Thọ Xuân, Phủ Thoại Thái Vương, Phủ Hòa Thạnh Vương, Phủ Quảng Biên Quận Công (đường Chi Lăng). Một số phủ thờ nữa tại khu phố cổ là Phủ An Thạnh Vương tại đường Chùa Ông, Phủ Kiến Phong Quận Công tại đường Cao Bá Quát, Phủ Hoằng Hoá Quận Vương tại đường Tô Hiến Thành.

Đây cũng là khu phố cổ có đời sống ẩm thực phong phú với các đặc sản nổi tiếng của Huế như mè xửng, bún bò Huế… Hãng mè xửng Thiên Hương và quán bún bò của mệ Kéo (đường Bạch Đằng), quán bún bò của o Phụng (đường Nguyễn Du) đã nổi tiếng từ lâu và thu hút đông đảo thực khách.

Theo nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, khu phố cổ Gia Hội được hình thành từ sau ngày các chúa Nguyễn di dời thủ phủ xứ Đàng Trong từ thành Hóa Châu vào Kim Long (1636) và Phú Xuân (1687). Khi nhà Nguyễn thành lập (1802), khu phố cổ Gia Hội nằm bên cạnh kinh thành Huế đã phát triển nhanh chóng, trở thành một phố thị đông đúc. Có thể khẳng định, khu phố cổ Gia Hội là nơi biểu hiện một cách sống động và chân thực nhất về đời sống của người Huế xưa.

Cách đây 16 năm, tại kỳ Festival Huế 2002, đường Bạch Đằng dự kiến sẽ trở thành một phố ẩm thực với các món ăn đặc trưng Huế. Các hộ đăng ký kinh doanh ở đây được ưu đãi không đóng thuế kinh doanh mặt bằng trong một năm. Hộ gia đình nào có nhu cầu sửa chữa nhà cửa để phục vụ du lịch sẽ được cho vay vốn ưu đãi... Trước kỳ Festival Huế này, chính quyền cũng đã bỏ tiền để nâng cấp và bảo tồn khu phố cổ Gia Hội, với tham vọng tạo nên “một Hội An của Huế”, một địa chỉ du lịch và là khuôn mẫu cho mô hình “bảo tồn phố cổ trong lòng đô thị hiện đại”.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc cho phố cổ Gia Hội, dự án nói trên không đạt được tính khả thi như mong muốn. Trong khi đó, đối với phố cổ Bao Vinh và làng cổ Phước Tích, nơi xa trung tâm TP. Huế, công tác bảo tồn lại phát huy hiệu quả hơn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan