Sôi động M&A công ty chứng khoán

Sôi động M&A công ty chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vẫn có rất nhiều lời chào mua công ty chứng khoán trong giai đoạn này, nhưng tìm được bên bán không dễ. Vì tính khan hiếm, giá giấy phép cũng tăng đột biến.

Các môi giới chuyên nghiệp đang tích cực tìm kiếm bên bán công ty chứng khoán và sẵn sàng trả giá cao. Một nhà môi giới vừa “đóng deal” bán công ty chứng khoán cho bên mua là định chế tài chính trong nước chia sẻ, đơn vị nào muốn “bán mình” thì hầu như đã bán nên nguồn hàng hiện khá khan hiếm.

Nếu như đầu năm ngoái, giá bán “giấy phép” (không bao gồm tài sản ròng) của một công ty chứng khoán khoảng 1,5 - 2 triệu USD thì hiện nay các thương vụ mà nhà môi giới này kết nối đã lên tới 2,5 triệu USD.

Theo nhà môi giới này, bên mua công ty chứng khoán trong 2 năm gần đây vẫn là các tập đoàn đa ngành, bất động sản và ngân hàng ở trong nước và các tổ chức nước ngoài. Thậm chí, đối tượng săn mua từng là “người làm thuê chuyên nghiệp” cho công ty chứng khoán nay muốn mua lại cổ phần để trở thành ông chủ. Nhu cầu mua vẫn là “giấy phép” và công ty chứng khoán cần “sạch” (đã xử lý xong các vấn đề tồn đọng, nợ nần…), không quá quan trọng về quy mô vốn.

Mặt bằng chung là vậy, nhưng theo chia sẻ từ một nhà môi giới khác, cách đây vài tháng đã hoàn thành thương vụ môi giới bán công ty chứng khoán với giá gần chục triệu USD. Giá trị của công ty này chỉ nằm ở giấy phép hoạt động, bởi gần như không có hoạt động trong nhiều năm nay.

Không khó để điểm những thương vụ M&A công ty chứng khoán từ khoảng cuối 2021 tới nay, như HBC bán cổ phần tại Công ty Chứng khoán Sen Vàng (GLS) cho Thai Group, một doanh nghiệp có liên quan đến ông chủ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trước thương vụ này, TNG Holding Việt Nam đã trả hơn 50 tỷ đồng để mua lại 75% vốn GLS nhưng bất thành. Hay Công ty Chứng khoán Thủ Đô (CASC) về tay cổ đông lớn mới, gồm ông Nguyễn Đình Ngôn (nhân sự từng ở vị trí quản lý tại ORS) nắm hơn 34%, Bamboo Financial Corp (BFC) - thành viên của BCG – nắm 20%.

Trong năm 2022, thương vụ được chú ý là Công ty Dịch vụ di động trực tuyến (M Service) - đơn vị sở hữu và vận hành MoMo, một kỳ lân trong lĩnh vực fintech của Việt Nam - mua 49% cổ phần Công ty Chứng khoán CV. Ngay trước đó, Finhay cho biết đã chính thức mua và sở hữu Công ty cổ phần Chứng khoán Vina (Vina Securities).

Thương vụ Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín có chủ mới và đổi tên thành Công ty Chứng khoán SBS cũng gây chú ý trên thị trường. Chủ mới được đồn đoán là một tập đoàn bất động sản.

Ngay sau khi đổi tên, SBS đã hợp tác chiến lược toàn diện với một thành viên thuộc tập đoàn này, trong đó nội dung chính là cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính chứng khoán, các dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, tư vấn M&A tới các thành viên của hai bên và khách hàng cá nhân.

Mới đây, các nhà môi giới cho biết, thương vụ đổi chủ tại Công ty Chứng khoán Golbalmind Capital đã hoàn tất.

Hồi đầu năm, tại công ty này có nhiều nội dung quan trọng trình cổ đông về việc tăng vốn gấp 10 lần nhằm phân bổ phần lớn cho mảng margin và đầu tư trái phiếu chính phủ, tự doanh HTM, AFS. Đồng thời, công ty này có sự chuyển động lớn về cơ cấu cổ đông và sau đó là thay đổi lớn ở Hội đồng quản trị với nhiều tín hiệu cho thấy có sự tiếp quản của VIB.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như các nhà môi giới chuyên nghiệp, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, trong khi thị trường vốn có tỷ lệ thâm nhập còn thấp - là cơ hội to lớn cho các công ty chứng khoán. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm 85% giao dịch toàn thị trường - là mảng còn nhiều dư địa, thông qua số hóa và công nghệ có thể làm được rất nhiều thứ khác.

Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng đứng trước cơ hội lớn từ nâng hạng thị trường của MSCI, dự báo trong 2 - 3 năm tới. Đó là lý do giấy phép công ty chứng khoán tiếp tục được săn đón.

Tin bài liên quan