Sửa Luật Dầu khí: Kỳ vọng giúp thu thêm 1,2 tỷ USD vào ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
Nếu Luật Dầu khí được sửa đổi theo dự thảo hiện nay thì sẽ triển khai thêm được 5 dự án khai thác mới, gia tăng sản lượng 80-90 triệu thùng, đóng góp thêm cho ngân sách 1,2 tỷ USD.

Nhà đầu tư hờ hững

Theo ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, Luật Dầu khí được ban hành lần đầu là năm 1993 và đã có 2 lần sửa đổi vào năm 2000 và 2008, nhưng không lớn, chủ yếu là tích hợp với các luật hiện hành khi đó về thuế và đầu tư. Tuy nhiên, khi có Nghị định 95/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí sửa đổi năm 2008, thì thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí kém hẳn.

“Số hợp đồng ký mới đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, dù nhìn thấy thực tế suy giảm trong khai thác dầu, nhưng ngành dầu khí cũng không có cách nào đưa các mỏ mới, mỏ nhỏ vào khai thác để gia tăng sản lượng”, ông Thập nói.

Đơn cử, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) trong giai đoạn 2010-2015 ký được 27 hợp đồng dầu khí, nhưng từ năm 2016 tới nay chỉ có 2 hợp đồng dầu khí.

Đáng nói là, trong thời gian đầu tư nước ngoài vào ngành dầu khí của Việt Nam giảm hẳn, thì một số nước trong khu vực vẫn đều đặn thu hút được dòng vốn nước ngoài vào lĩnh vực này.

Dẫn chứng Indonesia hàng năm đều đấu thầu và ký được 4-6 hợp đồng dầu khí, ông Thập thẳng thắn nhận xét, nếu chỉ thuần túy xét về tài chính, kinh tế, thì Dự thảo Luật Dầu khí ở thời điểm hiện tại đã có những tiến bộ, nhưng nếu xét về môi trường đầu tư nói chung, thì còn phải nỗ lực hơn khi Indonesia hay Malaysia vẫn triển khai được các hợp đồng dầu khí, dù vùng hoạt động cũng có sự phức tạp nhất định.

Nguồn: Petrovietnam; Đơn vị: triệu tấn quy dầu. Đồ họa: Thanh Huyền

Nguồn: Petrovietnam; Đơn vị: triệu tấn quy dầu. Đồ họa: Thanh Huyền

Là doanh nghiệp khai thác dầu khí có 100% vốn nhà nước, đang vận hành 35 hợp đồng dầu khí ở trong và ngoài nước, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó tổng giám đốc PVEP cho hay, đang có sự chồng chéo trong các quy định của luật pháp đối với hoạt động dầu khí.

“Hoạt động trong lĩnh vực dầu khí trước tiên phải tuân thủ Luật Dầu khí. Nhưng thực tế, Luật Dầu khí không bao phủ được hết, nên phải tuân thủ theo một số luật khác. Tuy nhiên, giữa Luật Dầu khí và các luật khác lại có những điểm chưa đồng nhất, dẫn đến làm khó doanh nghiệp. Hoặc như Luật Dầu khí chỉ áp dụng cho các công trình dầu khí dưới biển, còn phần công trình trên bờ phải áp dụng theo các luật khác.

Vẫn theo ông Trung, muốn khai thác được 1 triệu tấn dầu thô/năm, phải tìm kiếm được trữ lượng 1-1,5 triệu tấn mới có thể phát triển ổn định, bền vững. Nhưng để thực hiện được, phải có hoạt động tìm kiếm, thăm dò và đối mặt với rủi ro.

“Phải có cơ chế tài chính để giải quyết các rủi ro trong quá trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở tổng thể, thay vì chỉ nhìn từng dự án một”, ông Trung nhận xét.

Ông Trung cho hay, theo thống kê của ngành dầu khí thế giới, trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò có tới 80% là rủi ro, nghĩa là làm 10 dự án thì có thể 8 dự án không tìm thấy dầu, nhưng 2 dự án còn lại đủ sức bù đắp chi phí cho cả 8 dự án kia. Như vậy, nếu không có cơ chế thu hồi cho những dự án không thành công từ các dự án tốt, thì không ai dám làm.

“Hy vọng các vấn đề này được xử lý trong Luật Dầu khí 2022 để tạo sức bật mới cho thăm dò và khai thác dầu khí”, ông Trung nói.

Một vấn đề được các doanh nghiệp dầu khí kiến nghị là hợp đồng dầu khí phải thực hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh, thay cho Dự thảo là chỉ có tiếng Việt như hiện nay.

Theo các chuyên gia, thực tế, nhiều hợp đồng mà PVEP ký với Petrovietnam mang tính dẫn dắt để sau đó sẽ thu hút dòng đầu tư nước ngoài. Vì thế, nếu có tiếng Anh ngay từ đầu, nhà đầu tư nước ngoài đỡ nghi ngại về độ chính xác của bản dịch mà PVEP đưa ra sau đó để mời chào nhà đầu tư nước ngoài.

“Việt Nam đã mở cửa hội nhập sâu, nên phải có tiếng Anh, nhất là khi hoạt động dầu khí phải có sự tham gia của nước ngoài mới đi xa được. Vì vậy, quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng là tiếng Việt không phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực hoạt động dầu khí mang tính quốc tế cao. Việc sử dụng tiếng nước ngoài (thường là tiếng Anh) ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt có sự chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong quá trình thực hiện hợp đồng”, ông Phan Giang Long, Phó trưởng ban Tìm kiếm thăm dò của Petrovietnam nhận xét.

Luật mới, sóng đầu tư mới

Năm 2021 là năm thứ 6 liên tiếp, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác ở mức báo động, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Petrovietnam trong những năm tới.

PVEP hiện có 3 nhóm hợp đồng và đang rất hy vọng, khi Luật Dầu khí 2022 với dự thảo hiện nay được thông qua sẽ có thêm các dự án mới, hoặc các dự án đã có, nhưng quy mô vừa phải và đang “ngủ” do tiêu chí hiện nay không phù hợp sẽ hút được dầu lên.

“Chúng tôi đã nhìn thấy được 5 dự án mới có thể khai thác được luôn nếu Luật Dầu khí được sửa đổi theo hướng như hiện nay, giúp gia tăng trữ lượng thêm 80-90 triệu thùng và mang lại thêm 1,2 tỷ USD nguồn thu cho ngân sách”, ông Trung cho hay.

Kỳ vọng Luật Dầu khí mới sẽ tạo ra làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài vào dầu khí như đã từng diễn ra trong quá khứ, các chuyên gia cũng đồng thời cho rằng, phải ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhanh nhất có thể, tránh việc chuẩn bị không đồng bộ, gây mất thời gian chờ đợi.

Trên thực tế, nhiều dự án khai thác dầu khí chỉ còn thời gian 3-5 năm là hết hợp đồng. Dẫu không còn tiềm năng như xưa, nhưng vẫn mang lại nguồn thu từ khai thác dầu, nhất là khi giá dầu ở mức cao như hiện này.

“Rất cần sớm có các quy định cụ thể để các bên quyết định sớm, bởi nếu không có động thái gì, nhà đầu tư không biết tương lai ra sao, không có động cơ đầu tư tiếp, thì sẽ có tâm lý khai thác nhanh để tận thu cao nhất. Điều này sẽ khiến mỏ bị sụt vỉa hay tràn nước và khó khôi phục lại sau đó”, doanh nghiệp dầu khí Việt Nam nhận xét.

Trên thực tế, đã có trường hợp lô dầu khí ở bể Nam Côn Sơn khi hết hợp đồng, không ký tiếp hợp tác, nên sau nhiều năm khai thác không có đầu tư lớn đã khiến sản lượng khai thác giảm nhanh chóng. Nếu 5 năm trước khi PVEP tiếp nhận còn khai thác được 13.000 - 14.000 thùng dầu/ngày, thì hiện nay chỉ còn 5.000-6.000 thùng/ngày.

Ngay cả trường hợp Công ty liên doanh Điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC), trong vòng khoảng 20 năm (từ năm 2003 đến hết năm 2022) đầu tư cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí khoảng 7,754 tỷ USD, nhưng đã nộp ngân sách nhà nước 11,9 tỷ USD trong tổng doanh thu 27,3 tỷ USD, cũng sẽ hết hạn hợp đồng vào năm 2025. Như vậy, nếu không có phương án nhanh chuẩn bị, thì việc giữ sản lượng ở mức cao như hiện nay là rất khó.

Điểm đặc biệt khác ở các dự án khai thác dầu khí chính là quy mô. Nếu các dự án thông thường khác chỉ có quy mô 500 - 1.000 tỷ đồng, thì dự án dầu khí đang hoạt động hiện nay có quy mô đầu tư lên tới nhiều tỷ USD. Bởi vậy, từ thực tế hoạt động của ngành dầu khí, các chuyên gia cho rằng, dù Luật đã có quy định, nhưng nên có room để Chính phủ xử lý được nhanh, gấp các trường hợp đặc biệt và khẩn cấp để hoạt động khai thác được thông suốt, đóng góp ổn định cho thu ngân sách.

Tin bài liên quan