Nền tảng chiến lược trong kinh tế số
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cả nước từng có 200 triệu tài khoản ngân hàng, nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xác thực sinh trắc học thì số tài khoản “sống” giảm còn 113 triệu tài khoản cá nhân và hơn 711.000 tài khoản tổ chức. Đây là các tài khoản đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo số liệu của Cục Thống kê, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 69 triệu người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên), trong đó hơn 68 triệu người có tài khoản ngân hàng. Có thể thấy, việc thanh toán không tiền mặt đã rất phát triển.
![]() |
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thăm gian hàng của Agribank và chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Ngân hàng tại Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng 2025 |
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2025, ví điện tử sẽ được xem như phương tiện thanh toán, tương tự như tài khoản, thẻ, tiền mặt. Ví điện tử có thể thực hiện thanh toán ở mọi nơi, chuyển tiền giữa các ví, giữa ví và tài khoản, mà không nhất thiết phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Điều này mở ra dư địa lớn để ví điện tử mở rộng thị phần, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa.
“Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là một phương thức giao dịch, mà là nền tảng chiến lược kết nối mọi thành phần trong kinh tế số. Đây là yếu tố cốt lõi giúp hệ sinh thái số gắn kết chặt chẽ, vận hành trơn tru và ngày càng hoàn thiện, từ đó đưa Việt Nam tiến gần hơn đến một nền kinh tế hiện đại, minh bạch và toàn diện”, ông Tuấn nói.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong quý I/2025, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 35.665.760 món với giá trị 81.468.633 tỷ đồng (tăng 9,60% về số lượng và tăng 36,81% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2024); giao dịch qua Napas đạt 2.453.426.745 món với giá trị 14.972.645 tỷ đồng (tăng 13,53% về số lượng và 2,54% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024).
Giao dịch qua POS đạt 181.229.150 món với giá trị 292.241.653 triệu đồng (tăng 6,56% về số lượng và giảm 0,48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024); giao dịch qua ATM đạt 183.270.101 món với giá trị 662.835.196 triệu đồng (giảm 15,22% về số lượng và giảm 4,22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024).
Tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024 đạt 295,2 triệu tỷ đồng, gấp 26 lần GDP.
![]() |
Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống. |
Tính đến hết quý I/2025, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 44,43% về số lượng (kênh Internet tăng 40,41%, kênh điện thoại di động tăng 39,82%, phương thức QR code tăng 81,64%) so với cùng kỳ năm 2024. Đã có gần 10,4 triệu tài khoản Mobile-money, trong đó hơn 72% ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Thời điểm 31/3/2025, có 47 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử; 30,27 triệu ví đang hoạt động (chiếm 65,8% trong tổng số gần 46,01 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số dư hơn 2.800 tỷ đồng.
Các ngân hàng đang xây dựng một hệ sinh thái tích hợp đa dịch vụ, lấy người dùng làm trung tâm, kết nối với các ngành, lĩnh vực, hệ sinh thái ngoài ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ một cách liền mạch.
Ông Tuấn cho biết, việc sửa đổi Thông tư 40/2024/TT-NHNN dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/9/2025 sẽ tạo điều kiện để ví điện tử phát triển hơn nữa.
Tư duy số - Hành động số
Trong bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số của ngành ngân hàng, Agribank đã và đang thể hiện vai trò tiên phong với những nỗ lực và kết quả ấn tượng.
Theo đó, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Kế hoạch chuyển đổi số của Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Agribank đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, triển khai nhiều giải pháp phát triển hệ thống thanh toán hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
![]() |
Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc Agribank trình bày tham luận tại Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2025 |
Nổi bật là việc nâng cấp hệ thống thanh toán liên ngân hàng theo thời gian thực (RTGS); mở rộng hạ tầng API để kết nối giữa ngân hàng, Fintech và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ blockchain nhằm tăng tính bảo mật và minh bạch; xây dựng nền tảng thanh toán mở (Open Banking) để thúc đẩy sáng tạo dịch vụ.
Bên cạnh đó, phát triển các phương thức thanh toán sáng tạo như mở rộng dịch vụ “Buy Now, Pay Later” (BNPL) để tăng cường tiêu dùng; thúc đẩy thanh toán di động (Mobile Payment) như Apple Pay, Google Pay.
![]() |
Ngân hàng số của Agribank cung cấp đầy đủ các dịch vụ 24/7. |
Song song với phát triển sản phẩm, dịch vụ, Agribank luôn chú trọng giải pháp tăng cường bảo mật và đảm bảo an toàn giao dịch bằng công nghệ cao như: áp dụng xác thực mạnh (Strong Customer Authentication - SCA); sử dụng AI và Machine Learning để phát hiện gian lận trong giao dịch; nâng cao tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu theo PCI DSS và ISO 27001.
Hiểu rõ cả ưu thế lẫn hạn chế của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh hiện nay, với đặc thù là ngân hàng phục vụ chủ yếu khu vực nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ, Agribank đã và đang tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức và đào tạo người dùng.
Cụ thể như tổ chức chương trình giáo dục tài chính số cho người dân, hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ về lợi ích và cách sử dụng thanh toán số, triển khai các chiến dịch truyền thông khuyến khích sử dụng thanh toán điện tử…
Với hệ thống hạ tầng được đầu tư hiện đại và liên tục nâng cấp tính năng, toàn hệ thống Agribank đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống: khuyến khích khách hàng sử dụng QR Code, ví điện tử và thẻ không tiếp xúc (contactless); hỗ trợ khách hàng thanh toán điện tử cho các dịch vụ công (thuế, viện phí, học phí); triển khai hệ thống thanh toán số ở chợ truyền thống, phục vụ nhu cầu thiết thực của đối tượng khách hàng là hộ kinh doanh nhỏ.
Kết quả, năm 2024, Agribank ghi nhận 1.145.445.111 giao dịch thanh toán nội tệ qua các hệ thống (tăng 373,34%), bình quân 3.129.631 giao dịch/ngày (tăng 372,04% so với năm 2023); doanh số thanh toán là 29.495.008 tỷ đồng (tăng 44,63%); số lượng giao dịch thanh toán ngoại tệ là 5.292 giao dịch (tăng 13,17%), bình quân là 14 giao dịch/ngày (tăng 12,86%).
![]() |
Trong định hướng phát triển, Agribank dành nguồn lực phát triển các hệ thống thanh toán đồng bộ, hiện đại, xử lý xuyên suốt, liền mạch để cung cấp các dịch vụ thanh toán an toàn, tức thời với chi phí hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và sẵn sàng kết nối thanh toán xuyên biên giới.
Đồng thời, phát triển hệ sinh thái số bao gồm: thiết lập hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng tích hợp và kết nối các ngành, lĩnh vực; triển khai các dịch vụ thanh toán 24/7; hỗ trợ xử lý các phương thức thanh toán mới như QR, ví điện tử, tiền di động; đẩy mạnh thanh toán số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Xác định văn hóa học tập số là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số thành công, Agribank đã sớm ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2030. Học tập số không chỉ là việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo, mà là sự chuyển biến toàn diện về tư duy: chủ động học, học suốt đời, gắn học với thực hành và sáng tạo.
Từ năm 2022 đến quý I/2025, Agribank đã tổ chức hơn 385.000 lượt đào tạo, trong đó có tới 175.000 lượt học qua hệ thống E-learning. Năm 2023, Agribank đã tổ chức 5 chương trình đào tạo, trong đó có nội dung liên quan đến chuyển đổi số dành cho lãnh đạo đơn vị, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ.
![]() |
Năm 2024, số lượng chương trình tăng lên 6 và tiếp tục triển khai ngay từ những tháng đầu năm 2025. Agribank là một trong những ngân hàng đầu tiên đào tạo kiến thức, kỹ năng trong thời đại số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động ngân hàng, xây dựng, thiết kế bài giảng điện tử, phân tích và xử lý dữ liệu…
Bước tiến nổi bật trong chiến lược đào tạo số của Agribank là hợp tác chiến lược với nền tảng Udemy Business, mang đến hơn 30.000 khóa học quốc tế về tài chính - ngân hàng, kỹ năng số, kỹ năng mềm, công nghệ thông tin, AI, tư duy số, agile..., giúp cán bộ, người lao động có thể học mọi lúc, mọi nơi theo nhu cầu cá nhân.
Năm 2024, Ngân hàng đã tổ chức hơn 220 lớp học trong 43 chương trình đào tạo kết hợp; tổ chức 9 đợt thi trực tuyến với hơn 75.000 lượt cán bộ tham gia - tăng trưởng đột phá hơn 1.000% so với năm trước đó.
Tính đến quý I/2025, có 95% giao dịch được thực hiện qua kênh số, 40% doanh thu dịch vụ đến từ kênh số, 60% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số, 47% khách hàng sử dụng sản phẩm số của Agribank và 742 sáng kiến được công nhận trong hệ thống Agribank, trong đó 25% thuộc lĩnh vực chuyển đổi số... Những con số ấn tượng này minh chứng cho hiệu quả của đào tạo số trong việc nâng cao năng lực cán bộ, giúp họ làm chủ công nghệ và dẫn dắt cải tiến.
“Bình dân học vụ số”: Chủ động, quyết liệt, bài bản
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 77-KH/ĐU ngày 28/2/2025 của Đảng ủy Agribank và Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW ngày 21/3/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, Agribank là một trong những đơn vị đi đầu trong việc cụ thể hóa chủ trương này bằng các hành động thiết thực.
Cụ thể, xây dựng kế hoạch hành động riêng, gắn đào tạo số với chiến lược phát triển nhân sự và vận hành ngân hàng số. Phát động phong trào học tập số sâu rộng trong toàn hệ thống như chương trình về chuyển đổi số, bao gồm: nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, nâng cao kiến thức về xu hướng, công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi số; an toàn thông tin cho người dùng; phân tích, xử lý dữ liệu, ứng dụng AI trong thiết kế bài giảng điện tử; trang bị kiến thức, kỹ năng trong thời đại số và ứng dụng AI trong hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng nông thôn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa - nơi Agribank triển khai gần 3.300 máy ATM, 25.000 máy POS và 68 điểm giao dịch lưu động.
![]() |
Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là một phương thức giao dịch, mà là nền tảng chiến lược kết nối mọi thành phần trong kinh tế số. |
Phát động các phong trào thi đua, tổ chức hội thảo, truyền thông nội bộ để lan tỏa tinh thần học suốt đời, khơi dậy niềm tin vào sức mạnh của tri thức số. Phong trào không dừng ở nội bộ ngân hàng, mà đã và đang lan tỏa đến hàng triệu người dân, đúng với tinh thần “học để đổi đời số”, góp phần nâng cao dân trí số, thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Agribank tập trung hoàn thiện chiến lược đào tạo số, xây dựng đội ngũ “đại sứ số” và “hạt nhân số”, nâng cấp hạ tầng công nghệ, phát triển hệ thống đánh giá hiệu quả đào tạo và tăng cường hợp tác quốc tế.
Hành trình lan tỏa văn hóa học tập số tại Agribank là minh chứng cho tư duy chiến lược, bản lĩnh cải cách và tinh thần tiên phong, đồng thời góp phần nâng cao nội lực của ngân hàng, truyền cảm hứng, đưa tri thức số đến với cộng đồng.
Mục tiêu lớn nhất của phong trào là hình thành văn hóa “học suốt đời”, đưa mỗi cán bộ Agribank trở thành mắt xích lan tỏa tri thức số đến khách hàng, cộng đồng, đặc biệt tại khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Agribank tập trung hoàn thiện chiến lược đào tạo số, xây dựng đội ngũ "đại sứ số" và "hạt nhân số", nâng cấp hạ tầng công nghệ, phát triển hệ thống đánh giá hiệu quả đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế. |
Với sự quyết tâm từ Ban lãnh đạo Agribank, sự đồng lòng từ người lao động và sự chỉ đạo sát sao từ Ngân hàng Nhà nước, phong trào “Bình dân học vụ số” tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống Agribank.
Đáng chú ý, tính đến tháng 5/2025, Agribank đã triển khai 24 đề tài cấp hệ thống, nghiệm thu 21 đề tài, trong đó có nhiều đề tài được đánh giá xuất sắc, ứng dụng trong quản lý tín dụng, số hóa dịch vụ bán lẻ, xử lý nợ có vấn đề và cải tiến quy trình vận hành ngân hàng.
Riêng giai đoạn 2021 - 2024, giai đoạn chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, đã có 18 đề tài đăng ký, trong đó 8 đề tài được triển khai, 6 đề tài nghiệm thu với tổng kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống đã thẩm định và công nhận 2.038 sáng kiến, riêng trong 3 năm gần nhất đã ghi nhận 1.241 sáng kiến, nhiều sáng kiến tiêu biểu được đề xuất nhân rộng và khen thưởng.
Trong thời đại mà lợi thế cạnh tranh không còn nằm ở nguồn lực tài chính hay tài sản vật chất, mà nằm ở tốc độ học hỏi và khả năng đổi mới, thì việc đầu tư bài bản, chiến lược và dài hạn cho hoạt động chuyển đổi số chính là con đường đúng đắn và tất yếu để Agribank chuyển đổi thành công, vươn lên trở thành một tổ chức tài chính học tập, sáng tạo và tiên phong trong kỷ nguyên số.