Quy hoạch Điện VIII: Bổ sung và chờ đợi

0:00 / 0:00
0:00
Đề án Quy hoạch Điện VIII lại tiếp tục được Bộ Công thương nghiên cứu, bổ sung, trong khi Thanh tra Chính phủ bắt đầu tiến hành thanh tra các quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.
Theo phương án mới nhất của Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, điện gió trên bờ và gần bờ tăng thêm 5.000 MW. Ảnh: Đ.T.

Theo phương án mới nhất của Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, điện gió trên bờ và gần bờ tăng thêm 5.000 MW. Ảnh: Đ.T.

Tăng điện gió ngoài khơi

Mặc dù cơ bản thống nhất với Dự thảo Quy hoạch Điện VIII do Bộ Công thương báo cáo ngày 21/2/2022, trong đó đề xuất tổng công suất nguồn đặt tới năm 2030 khoảng 146.000 MW, đến năm 2045 trên 352.000 MW, nhưng Phó thủ tướng Lê Văn Thành vẫn yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục giảm quy hoạch điện mặt trời trong giai đoạn 2031-2045, tăng nguồn điện gió ngoài khơi cho phù hợp.

Trước đó, khi báo cáo tình hình hoàn thiện Đề án Quy hoạch Điện VIII phương án tháng 2/2022, Bộ Công thương cho hay, theo chỉ đạo của Chính phủ, để góp phần đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Phương án tháng 2/2022 đã tính toán hiệu chỉnh Phương án điều hành tháng 12/2021 theo hướng giảm các nhà máy nhiệt điện.

Theo hướng này, các nhà máy nhiệt điện than gồm Bảo Đài, Phả Lại 3, Quảng Trạch 2 với tổng công suất 2.020 MW đã được đưa ra khởi Dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Một số nhà máy điện khí LNG cũng được rút khỏi quy hoạch, gồm Hải Phòng 1 và 2, Long An 2, với tổng công suất 7.500 MW. Để thay thế các nhà máy điện loại ra này sẽ là các nguồn điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời.

Theo kết quả tính toán lại của Bộ Công thương, tới năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện tăng lên khoảng 25.000 MW. Trong đó, điện gió trên bờ và gần bờ tăng thêm 5.000 MW, điện gió ngoài khơi tăng thêm 3.000 MW, điện mặt trời quy mô lớn tăng thêm 13.600 MW, nguồn nhiệt điện linh hoạt chạy khí hydro tăng thêm 4.300 MW, thủy điện tích năng và pin lưu trữ tăng thêm 5.400 MW, điện mặt trời mái nhà tăng thêm 3.400 MW.

So với Phương án tháng 12/2021, Phương án tháng 2/2022 sẽ giúp giảm phát thải 5 triệu tấn CO2 vào năm 2030 và 38 triệu tấn CO2 năm 2045.

Việc nghiên về các nguồn điện sạch hơn cũng khiến chi phí tăng thêm. Theo đó, tổng chi phí hệ thống điện trong giai đoạn 2021 - 2045 của Phương án tháng 2/2022 cao hơn Phương án tháng 12/2021 là 36,9 tỷ USD (khoảng 2,8%); giá thành sản xuất điện năm 2045 của Phương án tháng 2/2022 cao hơn Phương án tháng 12/2021 là 0,31 UScent/kWh (khoảng 4,3%).

Như vậy, dù đã có khoảng 20 cuộc làm việc giữa Phó thủ tướng với Bộ Công thương trong năm 2021 để rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nhưng tới nay vẫn chưa có bản dự thảo cuối cùng của Đề án Quy hoạch Điện VIII.

Với quan điểm đây là quy hoạch đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Công thương được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Thường trực Chính phủ trước khi tổ chức hội nghị với các địa phương, nhằm sớm hoàn thành các thủ tục phê duyệt theo đúng quy định.

Được biết, Bộ Công thương đang tiến hành chỉnh sửa, bổ sung Dự thảo để có thể trình Đề án Quy hoạch Điện VIII lên Chính phủ ngay trong những ngày đầu tháng 3 này.

Thanh tra các quy hoạch điện trước

Tổng thanh tra Chính phủ vừa có quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Theo đó, sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VII) và điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VII điều chỉnh).

Thời kỳ thanh tra từ năm 2011 đến hết năm 2021, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Các đơn vị liên quan đến quyết định thanh tra này là Bộ Công thương, các tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và 6 địa phương có nhiều dự án năng lượng tái tạo là Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bạc Liêu.

Nói về mối liên quan của việc thanh tra các quy hoạch điện cũ với tiến trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII, nhiều chuyên gia ngành điện cho rằng, mặc dù công tác chuẩn bị và xây dựng Quy hoạch Điện VIII đang ở giai đoạn gần cuối, nhưng với việc bắt đầu tiến hành thanh tra chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện giai đoạn 2011-2020, thì việc hoàn tất Quy hoạch Điện VIII sẽ có những tác động nhất định.

Trong bản thuyết minh kèm theo Báo cáo của Bộ Công thương khi xây dựng Đề án Quy hoạch Điện VIII trình hồi tháng 3/2021 có cho biết, tại Quyết định 428/QĐ-TTg về Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (ký ngày 18/3/2016,) có 98 dự án với tổng công suất 57.535 MW được ghi danh.

Ở giai đoạn sau đó, tới hết năm 2020, Bộ Công thương đã thống kê có thêm 384 dự án hoàn toàn mới với tổng công suất 51.552 MW được bổ sung vào quy hoạch điện. Trong số 384 dự án mới này, có 190 dự án điện gió với tổng công suất 11.860 MW và 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.450 MW.

Đó là chưa kể 105.000 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 7.755 MW và được hưởng giá mua điện theo các Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và 13/2020/QĐ-TTg, nhưng chưa hề được lên kế hoạch trong quy hoạch điện hiện hành.

Việc các dự án điện mặt trời mái nhà tập trung ở miền Trung và miền Nam với 7.220 MW cũng đã phá vỡ cân bằng vùng miền, góp phần gây hiện tượng thừa nguồn tại khu vực này, đặc biệt trong các giờ buổi trưa, khi nguồn điện mặt trời phát cao.

Báo cáo vận hành hệ thống năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao, nên công tác vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, xuất hiện tình trạng quá tải lưới điện truyền tải liên kết các miền và quá tải cục bộ tại một số khu vực.

Cũng đã xuất hiện tình trạng thừa nguồn, đặc biệt vào các ngày lễ và cuối tuần ở khu vực miền Nam, nhưng lại thiếu điện cục bộ ở một số khu vực tại miền Bắc vào một số thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè.

Năm 2020, nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 16.941 MW trong tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống là 69.342 MW, chiếm tỷ trọng 24%.

Đến cuối năm 2021, các nguồn điện gió, điện mặt trời là 20.670 MW trong tổng công suất 76.620 MW, chiếm tỷ trọng tới 27,0%.

Mặc dù có tổng công suất nguồn là 76.620 MW, nhưng lúc cao điểm nhất trong năm 2021, hệ thống mới đạt công suất phụ tải là 43.518 MW.

Đáng nói là, vẫn có những thời điểm hệ thống thiếu điện do không có nguồn đáp ứng được nhu cầu ở miền Bắc.

Tin bài liên quan