Ban Kinh tế Trung ương sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm 2023

Ban Kinh tế Trung ương sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 7/7, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.

Thông tin tại Hội nghị cho biết, năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp và tiềm ẩn nhiều thách thức đến phát triển kinh tế các nước. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế cũng bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn.

Tuy nhiên, dưới dự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện tốt, kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2023 về cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Bên cạnh đó, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng CPI có xu hướng giảm. Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện hiệu quả...

Trong bối cảnh chung, với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, trong 6 tháng đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành, trình Bộ Chính trị 2 đề án lớn.

Đó là: Đề án “Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; và Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”.

Ban Kinh tế Trung ương đã tích cực triển khai công tác tổ chức quán triệt, cụ thể hóa để đưa nội dung các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Đại hội XIII vào cuộc sống.

Điển hình như: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của BCH Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Bộ Chính trị đã đưa ra 4 nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng.

Bao gồm: Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045";

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài tập trung triển khai xây dựng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tổ chức nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội phục vụ công tác tham mưu, đề xuất; chủ động triển khai nghiên cứu để tổ chức thẩm định, tham gia ý kiến đối với các nội dung, báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng theo yêu cầu của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan.

Công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng về kinh tế tiếp tục được Ban quan tâm tổ chức thực hiện.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức một số diễn đàn, hội thảo, tọa đàm phục vụ công tác chuyên môn của Ban.

Nổi bật là: Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”…

Một số ý kiến của đại biểu, đại diện lãnh đạo của các vụ, đơn vị

Tại Hội nghị, các ý kiến của đại biểu tham dự, đại diện lãnh đạo của các vụ, đơn vị đều nhất trí cao về Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để góp phần triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đánh giá cao kết quả công tác của Ban Kinh tế Trung ương trong 6 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh đất nước chịu nhiều khó khăn tác động.

Ông Trường cho rằng, Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai bài bản, đầy đủ nhiều nội dung trong chương trình công tác cả về công tác chuyên môn và công tác Đảng.

Đồng tình với nội dung sơ kết của Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Nguyễn Quang Trường bày tỏ tin tưởng, tập thể Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, đoàn kết để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đã nỗ lực hết mình, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những chủ trương, chính sách phục vụ việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Ban đã tích cực triển khai công tác tổ chức quán triệt, cụ thể hóa để đưa nội dung các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Đại hội XIII vào cuộc sống; xây dựng các đề án, báo cáo tham mưu về phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp Trung ương trong thời gian tới.

"Ban Kinh tế Trung ương còn tập trung triển khai theo dõi, giám sát tình hình thực hiện một số nghị quyết của Đảng về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức một số diễn đàn, hội thảo, tọa đàm phục vụ công tác chuyên môn của Ban cùng một số công việc quan trọng khác. Các hoạt động công tác đảng, đoàn thể cũng được tổ chức tốt", ông Trần Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế cũng như thách thức cần được nhìn nhận để khắc phục, đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng triển khai công việc của Ban trong thời gian tới...

Theo đó, với sự quyết tâm, thống nhất của tập thể Lãnh đạo Ban, sự đồng lòng, nhất trí, đoàn kết của tập thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong Ban, Ban Kinh tế Trung ương sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao trong 6 tháng cuối năm 2023.

Tin bài liên quan