Bất động sản nghỉ dưỡng: Điểm sáng trong bức tranh du lịch 2019

Bất động sản nghỉ dưỡng: Điểm sáng trong bức tranh du lịch 2019

(ĐTCK) Những sân gôn khai thác tối đa công suất, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tỷ lệ lấp phòng rất cao. Đây là minh chứng để có thể tiếp tục tin tưởng ngành du lịch khởi sắc năm 2019 và bất động sản nghỉ dưỡng là điểm sáng trong năm 2019.

Buổi gặp gỡ báo chí ra mắt Vietnam Golf Coast tại Đà Nẵng đầu tuần qua nhận được sự quan tâm của báo giới và nhiều câu hỏi vượt xa dự kiến của Ban tổ chức. Sức nóng trên sân gôn đã lan tỏa cả vào hội trường Sheraton Grand Đà Nẵng Resort và những con số được chia sẻ tại buổi gặp đã cho thấy sức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực này.

Du lịch gôn đóng góp gần 40% nguồn thu của du lịch Đà Nẵng, các sân gôn đều có số vòng chơi nhảy vọt, đơn cử tại BRG Đà Nẵng Golf Resort tăng 23%, trong đó có tới 70% là khách nước ngoài.

Điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam là sự liên kết yếu và "mạnh ai nấy chạy" như lâu nay giờ đã được nhận diện rõ và trở thành một mắt xích phải thay đổi sớm.

Đây chính là mục tiêu Vietnam Golf Coast được thành lập, bước đầu thu hút những sân gôn đẳng cấp, bao gồm BRG Đà Nẵng Golf Resort (Greg Norman và Jack Nicklaus thiết kế), Laguna Golf Lăng Cô (Nick Faldo thiết kế), Bà Nà Hills Golf Club (Luck Donald thiết kế), Montgomerie Links (Colin Montgomerie thiết kế), Vinpearl Golf Nam Hội An (IMG Design thiết kế) và sân gôn sắp ra mắt Hoiana Shores Golf Club (Robert Trent Jones Jr. thiết kế).

Sự kết hợp của đẳng cấp và sự độc đáo của từng sân gôn sẽ mang đến cho thị trường du lịch gôn miền Trung một bức tranh đầy màu sắc, mang đến sức hấp dẫn đặc biệt với các gôn thủ trong nước và quốc tế.

Ông Ben Styles, Chủ tịch Vietnam Golf Coast cho biết, gôn thủ là nhóm khách hàng chi tiêu rất mạnh tay. Họ thường ở khách sạn 5 sao, tiêu dùng lớn và không có thói quen chỉ trải nghiệm trên 1 sân gôn, mà muốn khám phá nhiều sân. Đây chính là yếu tố giúp ngành du lịch các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc bứt phá và có nguồn thu tăng mạnh mẽ.

“Việt Nam có rất nhiều sân gôn đẹp, tại sao lại không khai thác được hết tiềm năng?”, trăn trở của Ben Styles cũng là nỗi niềm của các nhà đầu tư Việt Nam khi bỏ nguồn lực rất lớn vào bất động sản nghỉ dưỡng.

Cuối tuần qua, Tập đoàn CEO đã khai trương khu nghỉ dưỡng 5 sao phong cách Mỹ đầu tiên tại Phú Quốc. Đây là dự án thứ ba nằm trong tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort của Tập đoàn đi vào đón khách và là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên của Tập đoàn Quản lý khách sạn Best Western tại Phú Quốc.

Best Western Premier Sonasea Phu Quoc có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, với 549 căn hộ nghỉ dưỡng và 16 biệt thự biển cao cấp với nhiều tiện ích.  

Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn CEO đang là đơn vị đầu tư lớn nhất ở Bãi Trường và là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Phú Quốc cả về tốc độ triển khai và chất lượng sản phẩm, dịch vụ với tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort. Trong đó, Novotel Phu Quoc Resort với quy mô 400 phòng và Novotel Villas với quy mô 96 biệt thự (tương đương 314 phòng đẳng cấp 5 sao) đã đi vào đón khách.

Việc Best Western Premier Sonasea Phu Quoc đi vào vận hành sẽ tiếp tục cung cấp cho thị trường Phú Quốc 715 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao. Gregory Cosyn, Giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng tự tin cho rằng, trong vòng 2 năm đầu đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của khu nghỉ dưỡng sẽ đạt 70%.

Mối quan hệ tương hỗ giữa khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp với các sân gôn, các hãng hàng không, các điểm vui chơi, mua sắm… là không thể thiếu và sẽ ngày càng mở rộng khi du lịch Việt Nam đứng trước cơ hội bứt phá. Điều này được minh chứng khá rõ ở sự tấp nập của Sheraton Grand Đà Nẵng, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất ngay bên cạnh BRG Đà Nẵng Golf Resort.

Trải nghiệm kỳ thú từ sân gôn, tiện nghi của khu resort với ẩm thực đa dạng, giải trí cao cấp, bể bơi vô cực, gắn với địa danh từng vinh dự phục vụ 21 nguyên thủ quốc gia cùng hàng nghìn quan khách cao cấp trong buổi Quốc yến dịp APEC 2017… đã khiến khu nghỉ dưỡng này gần như luôn kín phòng.

Trên bức tranh chung của thị trường bất động sản 2019 và các năm tiếp theo, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục được giới chuyên gia chấm điểm sáng bởi nhiều lý do.

Mục tiêu của ngành du lịch đến năm 2025 sẽ đạt tổng doanh thu 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.

Hồi đầu tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Một trong những nội dung được nhấn mạnh trong đề án này là vai trò của doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt thị trường sản phẩm, có thể khai thác tối đa lợi thế của sản phẩm, thị trường có lợi thế của riêng ngành du lịch Việt Nam và hình thành được hệ thống sản phẩm đa dạng, có thương hiệu và mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nếu không có sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, trong đó có các chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng, mục tiêu trên khó có thể trở thành hiện thực.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group nhấn mạnh: “Các sản phẩm nghỉ dưỡng mà nhiều tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam mang đến cho thị trường không chỉ giải tỏa nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho du khách trong và ngoài nước, mà còn nâng tầm chất lượng du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thị trường quốc tế”.

Thực vậy, 8 năm trước, Phú Quốc mới chỉ là viên ngọc thô khi mỗi ngày có vỏn vẹn 2 - 3 chuyến bay cất, hạ cánh, vài khách sạn 4 sao luôn kín phòng, đường sá đi lại khó khăn, bụi mịt mù, du khách đến đây ngoài biển xanh, cát trắng, nhanh chóng bị sự buồn chán bủa vây.

Nguyên nhân khiến du lịch Phú Quốc mãi chỉ là “người đẹp ngủ trong rừng” ở thời điểm đó nằm ở sự thiếu thốn trầm trọng của hệ thống lưu trú. Phần lớn các cơ sở lưu trú ở đây là các nhà nghỉ và khách sạn nhỏ lẻ, khách sạn 3 - 4 sao là của hiếm và đương nhiên khách sạn 5 sao tuyệt nhiên vắng bóng.

Đó cũng là lý do dù được mệnh danh là “hòn ngọc châu Á”, năm 2013, Phú Quốc chỉ thu hút vỏn vẹn 622.479 lượt khách, trong đó chiếm  tới  80% là khách nội địa.

Nhưng từ một điểm du lịch biển nghèo nàn về dịch vụ, thiếu thốn cơ sở lưu trú và hạ tầng giao thông, Phú Quốc đã “lội ngược dòng ngoạn mục” để vươn lên ngôi vị “hoa hậu” trên bản đồ du lịch. Đảo Ngọc giờ đã trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam với vài chục chuyến bay trong ngoài nước mỗi ngày, cảng quốc tế có thể đón tàu lớn 5.000 - 6.000 du khách.

Khu nghỉ dưỡng, khách sạn mọc khắp nơi, hội tụ đủ mặt anh tài thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Năm 2018,  Phú Quốc tăng trưởng 43% về lượng khách du lịch so với năm trước. Đóng góp cho sự thay da đổi thịt chóng mặt đó là những nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng uy tín như Vingroup, Sungroup, Bim Group, Ceo Group…

Còn nhiều vùng đất đầy tiềm năng như thế đang chờ bàn tay, khối óc của những nhà đầu tư tâm huyết đến đánh thức. Đáng chú ý là nhà đầu tư không cô đơn trên hành trình của mình. Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp không khói đã tạo ra sức hút lớn với các nguồn vốn đại chúng.

Bằng chứng là những sản phẩm đầu tư như căn hộ, biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng của các ông lớn chào hàng được hấp thụ hết veo,  mang giá trị sinh lời cao, với những cam kết hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư thứ cấp. Theo tiết lộ của ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc CEO Group,  70% sản phẩm Best Western Premier Sonasea Phu Quoc đã có khách mua.

Với riêng CEO Group, theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Bình,  trong 5 năm tới, Tập đoàn đặt mục tiêu cung ứng 1 triệu m2 sàn xây dựng (3500 sản phẩm), cung cấp ra thị trường 3.000 phòng nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn 5 sao hợp tác quản lý cùng các thương hiệu hàng đầu thế giới và làm tổng thầu xây dựng cho tất cả các dự án do Tập đoàn đầu tư.

Nuôi giấc mơ phát triển các thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, Chủ tịch CEO Group tin rằng, du lịch là lĩnh vực khả thi nhất, hiệu quả nhất, tiềm năng lâu dài mà người dân và doanh nghiệp Việt có thể làm chủ cuộc chơi để đủ sức cạnh tranh với các nước mạnh về ngành công nghiệp không khói hàng đầu ASEAN, châu Á và thế giới.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hoá, lịch sử và con người, Việt Nam hoàn toàn có thể sớm hướng đến mốc 35 triệu lượt khách quốc tế của Thái Lan hiện nay nếu có những giải pháp đột phá cho ngành kinh tế chiến lược cất cánh, đóng góp 10% GDP cho đất nước, tạo nhiều công ăn việc làm vì robot không thể thay thế nụ cười và trái tim trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nếu có hạ tầng tốt, miễn thị thực du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh quảng bá, phần còn lại như phát triển sản phẩm du lịch, tạo điểm đến và xây dựng cơ sở lưu trú là do người dân và doanh nghiệp làm, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc du lịch của thế giới, đóng góp cho GDP hàng trăm tỷ USD trong tương lai. Bất động sản nghỉ dưỡng do đó cũng là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng khai thác.                       

Tin bài liên quan