Bloomberg: Chuỗi cung ứng dịch chuyển đến khu vực trước đây "bị bỏ lại" tại Việt Nam

Bloomberg: Chuỗi cung ứng dịch chuyển đến khu vực trước đây "bị bỏ lại" tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Bloomberg, tỉnh Bắc Giang đã chuyển mình từ một trong những vùng nghèo nhất của Việt Nam trở thành nơi thu hút nhiều nhà máy sản xuất lớn khi chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu chuyển hướng.

Sự phát triển mạnh mẽ của Bắc Giang cho thấy sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng của thế giới đang ảnh hưởng đến các khu vực trước đây bị bỏ lại như thế nào.

Khả năng thu hút các ngành sản xuất phức tạp hơn của Việt Nam đang tăng nhanh trong bối cảnh chi phí lao động Trung Quốc tăng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các lỗ hổng hậu cần trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo Bloomberg, các nhà sản xuất lớn của thế giới đang "gõ cửa" các tỉnh phía Bắc của Việt Nam và cam kết hàng tỷ USD để thiết lập hoạt động, bao gồm Samsung Electronics đang sản xuất khoảng một nửa số điện thoại thông minh của mình tại đây.

Một nhà sản xuất lớn khác là Pegatron Corp, đối tác lắp ráp của Apple cũng có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Hải Phòng, theo truyền thông địa phương đưa tin.

Apple gần đây cũng đã đăng tuyển dụng tại Việt Nam, bao gồm cả kỹ sư chất lượng cơ khí và các nhà quản lý hoạt động chuỗi cung ứng và quan hệ chính phủ.

Theo Bloomberg, hiện tại, các khoản đầu tư từ các nhà cung cấp thiết bị điện tử tiếp tục đổ vào Việt Nam, trong khi các lĩnh vực khác đang gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch.

Trong đó, doanh thu du lịch sụt giảm khoảng 50%, trong khi các nhà máy sản xuất hàng may mặc và các nhà máy khác đang sa thải hàng chục nghìn công nhân khi xuất khẩu bị đình trệ.

Tác động của Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam chậm lại, dự báo ở mức 2 - 3%, nhưng vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khác tăng trưởng âm.

Gene Tyndall, chuyên gia về chuỗi cung ứng của Công ty Tư vấn eMATE có trụ sở tại Atlanta (Mỹ) cho biết, với chi phí thấp, sự ổn định chính trị, chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và những nỗ lực được Nhà nước hỗ trợ để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất lớn.

Ở trung tâm Bắc Giang, nơi đàn bò vẫn nhởn nhơ ngoài đường, gần 20 khu công nghiệp cho các nhà máy được đề xuất như các công ty đóng cọc và cần cẩu rải rác xung quanh.

Trở lại với câu chuyện của Bắc Giang, từ một địa phương nằm trong top nghèo của cả nước với hình ảnh biết tới là cây lúa nước và vải thiều, giờ đây Bắc Giang đã vươn lên trở thành một địa phát triển với công nghiệp là mũi nhọn.

Kinh tế Bắc Giang đã tăng trưởng 10,9% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với một năm trước đó so với mức tăng 2,12% của cả nước trong cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó chủ tịch UBND huyện Việt Yên, huyện có 4 trong 5 khu công nghiệp đang hoạt động của tỉnh cho biết: “Chúng ta đang sống với sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tốc độ các nhà sản xuất chuyển đến Bắc Giang đã tăng mạnh kể từ năm 2016 khi các công ty rót 3,8 tỷ USD vào tỉnh, tăng gấp 4 lần so với 4 năm trước”.

Ông Lượng cho biết, Chính phủ đang xây dựng một cảng sông để vận chuyển các bộ phận và theo yêu cầu của Apple, cung cấp đất làm nhà ở cho công nhân gần khu phức hợp rộng 16 ha của Luxshare Precision Industry, nhà sản xuất AirPods lớn nhất thế giới.

Tin bài liên quan