Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến vào năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
Đây là một nội dung nằm trong 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt ra để tạo sự đột phá về phát triển khoa học công nghệ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến vào năm 2030

Hưởng ứng Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang quyết liệt hành động, đặt mục tiêu đưa khoa học công nghệ của ngành vươn tầm thế giới.

TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Bộ đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về Kế hoạch đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, dựa trên 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Chuyển đối số từ người lãnh đạo

Nhóm 1 về nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Trong đó, phấn đấu 25% lãnh đạo Bộ và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Để có cơ sở đánh giá, Vụ Khoa học và Công nghệ cũng đang chủ trì xây dựng bộ tiêu chí để định kỳ hàng năm xếp hạng chuyển đổi số trong từng đơn vị và toàn ngành.

Nhóm 2 về hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thời gian qua, toàn ngành Nông nghiệp và Môi trường có 17 Luật chuyên ngành; 5 Luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn và 2 Luật khác của Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, Lãnh đạo Bộ đang yêu cầu tất cả các đơn vị trong Bộ rà soát toàn diện để sửa đổi, bổ sung, đảm bảo sự thống nhất, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn.

Tính đến hết tháng 4/ 2025, Bộ quản lý 1.832 tiêu chuẩn quốc gia và 175 quy chuẩn quốc gia. Trong những năm qua, Bộ đã cắt giảm 149 quy chuẩn quốc gia nhằm tinh giản hóa hệ thống và giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp. Trong năm 2025, các đơn vị trực thuộc tiếp tục rà soát và dự kiến cắt giảm thêm 59 quy chuẩn quốc gia cùng nhiều tiêu chuẩn khác.

“Nếu Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì cần quan tâm đến tiêu chuẩn, quy chuẩn cho hàng sản xuất trong nước, xem có phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hay không“, Vụ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Nhóm 3 về tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang có 21 tổ chức khoa học và công nghệ, 34 trường đào tạo cùng lực lượng 11.467 nhà khoa học, trong đó có 44 giáo sư.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nhiều nơi đã cũ kỹ. Nhiều trang thiết bị công nghệ cũ kỹ, lạc hậu.

Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc rà soát đánh giá thực trạng, đồng thời đưa ra nội dung đầu tư trọng tâm để có cơ sở nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ không chỉ ở tầm khu vực mà phải vươn ra thế giới.

Nhóm 4 về phát triển, trọng dụng nhân tài. Bộ sẽ nghiên cứu để có các cơ chế trọng dụng nhân tài, phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ cho ngành, bao gồm cơ chế chính sách thu hút cả các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng đề án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Đinh Tùng.

Ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Đinh Tùng.

Phấn đấu 100% dịch vụ công toàn trình vào năm 2030

Nhóm 5 về đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Việc chuyển đổi số 100% là yêu cầu cấp bách, bắt buộc phải thực hiện.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu xử lý toàn bộ dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trên không gian mạng (toàn trình) trong năm 2030. Trước mắt năm 2025, tối thiểu các thủ tục trực tuyến phải đạt 85% và tăng dần trong 5 năm tới. Tất cả quy trình sẽ được rà soát, cắt giảm để phục vụ công tác chuyển đổi số của Bộ.

Nhóm 6 về thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Ông Long cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp trong ngành Nông nghiệp và Môi trường đã mạnh dạn, tiên phong có những ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả.

Trong nhóm nhiệm vụ này, Bộ và các đơn vị thuộc Bộ sẽ hỗ trợ tối đa doanh nghiệp để chuyển đổi số, ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhóm 7 về tăng cường hợp tác quốc tế. Từ năm 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Hiện có rất nhiều chương trình khoa học công nghệ được triển khai đi đôi với việc ứng dụng mạnh mẽ nhiều thành quả khoa học công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Ngành cũng chủ động hội nhập quốc tế về cơ chế, chính sách. Mục tiêu là làm sao tận dụng tối đa quy trình công nghệ, chuyên gia, nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển ngành và chủ động hội nhập quốc tế.

Tin bài liên quan