Bức tranh tươi sáng - Triển vọng đầy hứa hẹn của ngành điện năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Ngành điện Việt Nam năm 2025 dự báo tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu tiêu thụ điện bùng nổ, trong khi nguồn cung chưa theo kịp. Nhiều doanh nghiệp đầu ngành như GEG, PC1, REE, HDG đứng trước cơ hội bứt phá lợi nhuận.
Bức tranh tươi sáng - Triển vọng đầy hứa hẹn của ngành điện năm 2025

Triển vọng đầy hứa hẹn của ngành điện năm 2025

Năm 2025, ngành điện Việt Nam được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, trong khi nguồn cung chưa theo kịp, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp đầu ngành mở rộng thị phần và cải thiện hiệu quả kinh doanh, trong bối cảnh chính sách đang dần ủng hộ các nguồn năng lượng sạch và thị trường điện cạnh tranh.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, sản lượng điện tiêu thụ năm 2025 có thể tăng từ 10,5% đến 14,3% so với năm trước, tùy theo từng kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản cơ sở đặt mục tiêu đạt 342,3 tỷ kWh, còn kịch bản tăng trưởng cao có thể lên đến 354 tỷ kWh. Động lực chính đến từ mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và kỳ vọng tăng tốc mạnh mẽ trong giai đoạn 2026–2030. Với hệ số đàn hồi điện/GDP ước tính khoảng 1,5 ngành điện nhiều khả năng sẽ tiếp tục đón đầu xu hướng phục hồi và mở rộng sản xuất – kinh doanh trên cả nước.

Tuy nhiên, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, nguồn cung điện dự báo chỉ tăng khoảng 7,8% so với năm 2024, đạt công suất lắp đặt khoảng 94,2 GW. Sự mất cân đối giữa cung và cầu có thể khiến hệ thống điện, đặc biệt là khu vực miền Bắc, chịu áp lực lớn trong các tháng cao điểm mùa khô. Phụ tải đỉnh tại miền Bắc có thể lên đến 28,2 GW, trong khi công suất khả dụng chỉ khoảng 29 GW, khiến tỷ lệ dự phòng duy trì ở mức rất thấp, chỉ 3–4%. Ở chiều ngược lại, miền Nam có khả năng vận hành ổn định hơn nhờ công suất khả dụng đạt 24,5 GW, so với phụ tải đỉnh 23,6 GW.

Nhiệt điện than tiếp tục đóng vai trò chủ lực

Trong bức tranh cung ứng hiện tại, nhiệt điện than tiếp tục đóng vai trò chủ lực, đặc biệt tại khu vực phía Bắc. Sản lượng điện từ than trong năm 2024 tăng 18%, chiếm gần 50% tổng sản lượng toàn hệ thống. Việc đưa vào vận hành các dự án lớn như Vũng Áng 2, Quảng Trạch 1 sẽ nâng công suất lắp đặt thêm 10%, góp phần củng cố an ninh năng lượng trong ngắn hạn. Đồng thời, giá than nhập khẩu đang ở mức thấp nhất trong 4 năm qua do nhu cầu giảm tại các thị trường lớn như châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, tạo điều kiện thuận lợi để giảm chi phí đầu vào cho các nhà máy.

Trong khi đó, điện khí đang đứng trước cơ hội phục hồi khi hai nhà máy sử dụng khí LNG nhập khẩu do POW đầu tư dự kiến đi vào hoạt động trong Quý III/2025. Điều này không chỉ giúp nâng công suất điện khí toàn ngành thêm 20%, mà còn mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trước đó, sản lượng điện khí năm 2024 đã giảm 17% do nguồn khí trong nước sụt giảm và giá khí tự nhiên tăng cao, khiến tỷ trọng đóng góp của điện khí giảm mạnh từ 13% xuống còn 7%.

Thủy điện vẫn là một phần không thể thiếu trong cơ cấu sản lượng điện, tuy nhiên đang chịu ảnh hưởng từ cả yếu tố chính sách và thời tiết. Dù sản lượng tăng 10% trong năm 2024 nhờ lượng mưa thuận lợi, các doanh nghiệp thủy điện phải đối mặt với quy định khống chế giá bán mới từ Chính phủ, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Dự báo La Nina có thể quay trở lại trong nửa đầu năm 2025, mang lại hy vọng về nguồn nước dồi dào, song cần theo dõi sát diễn biến thực tế để đánh giá tác động dài hạn.

Điểm sáng từ năng lượng tái tạo

Ở chiều ngược lại, năng lượng tái tạo đang dần trở thành động lực chiến lược trong trung và dài hạn. Với tổng công suất điện gió và điện mặt trời dự kiến tăng thêm 1.177 MW trong năm 2025, cùng với 4.598 MW từ các dự án chuyển tiếp đã đàm phán xong giá điện, triển vọng tăng trưởng của nhóm ngành này rất đáng kỳ vọng. Chính phủ cũng đang thúc đẩy triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và hoàn thiện khung giá mới cho điện gió, mở đường cho các nhà đầu tư tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển dịch năng lượng.

Cơ hội mở ra cho những doanh nghiệp nào?

Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) nhiều doanh nghiệp ngành điện đang đứng trước cơ hội tăng trưởng nổi bật trong năm 2025. CTCP Điện Gia Lai (GEG) đặt mục tiêu doanh thu gần 3.400 tỷ đồng, tăng 43%, lợi nhuận trước thuế đạt 777 tỷ đồng – gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước – nhờ đóng góp từ các dự án điện gió, điện mặt trời và việc thu hồi công nợ từ Tân Phú Đông 1.

CTCP Tập Đoàn PC1 (PC1) dự kiến ghi nhận doanh thu 11.889 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 771 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 67,4% so với năm 2024, nhờ vào đóng góp từ thủy điện mới, mở rộng điện gió và lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) cũng đặt kế hoạch tăng trưởng hơn 20% cả doanh thu và lợi nhuận, với mảng năng lượng chiếm hơn 43% tổng doanh thu, đồng thời tiếp tục mở rộng công suất thêm 100 MW và đầu tư vào điện gió ngoài khơi.

Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2024, nhờ các dự án điện tái tạo và bất động sản đang vào giai đoạn thu hoạch.

Tổng thể, chuyên gia VPS cho biết, năm 2025 được kỳ vọng là năm bứt phá đối với ngành điện, nơi các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư bài bản, cơ cấu sản phẩm hợp lý và năng lực vận hành hiệu quả sẽ tận dụng tốt đà tăng trưởng, đồng thời đón đầu làn sóng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. (*)

(*) Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Quan điểm, dự báo và những ước tính trong báo cáo này chỉ thể hiện ý kiến của tác giả tại thời điểm phát hành và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Bài viết không mang tính chất mời chào hay bán bất kỳ chứng khoán nào, nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong bài viết này.

Tin bài liên quan