Đây thực sự là một "cú hích" làm minh bạch hóa thị trường tín dụng và khơi thông dòng lưu chuyển tiền tệ, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
Giờ đây, thị trường tín dụng Việt Nam mang "màu sắc" của thị trường hơn. Người gửi tiền có cơ hội chọn cho mình ngân hàng có lãi suất huy động cao, dịch vụ tốt. Doanh nghiệp cũng có cơ hội thỏa thuận được lãi suất vay hợp lý. Cơ chế "xin - cho" và các loại phí để lách trần lãi suất sẽ không còn "đất sống" trong một thị trường tín dụng cạnh tranh.
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực đó, các ngân hàng Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức mới trong vấn đề duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng và thay đổi cơ chế quản trị để trở nên cạnh tranh hơn, nâng cao khả năng hoạt động, hợp lý hóa quy trình, tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát chi phí đầu vào, tối ưu hóa lợi nhuận.
Thực tế, với quy mô hơn 40 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, không kể các ngân hàng nước ngoài, với quy mô dân số trên 80 triệu người đã chứng tỏ sự canh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng.
Đã xa rồi thời cổ phiếu ngân hàng là blue-chip, là cổ phiếu "vua" trên thị trường. Điều đó phản ánh thách thức và khó khăn mà các ngân hàng phải đối mặt trong thời gian tới.
Malaysia trước cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997 cũng có quy mô khoảng hơn 40 ngân hàng, nhưng sau khủng hoảng và tính đến thời điểm này chỉ còn khoảng 10 ngân hàng hoạt động.
Đây có thể là bài học cho chúng ta. Bởi lẽ, hiện tại chỉ có một số ít ngân hàng Việt Nam tận dụng tốt cơ hội của khủng hoảng năm 2008 và có chiến lược phát triển rõ ràng, có cơ chế quản trị linh hoạt, đáp ứng được sự thay đổi của thị trường.
Vì vậy, với một thị trường đã trở nên cạnh tranh hơn, các ngân hàng cần tập trung vào hai vấn đề chính, đó là: duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng; hợp lý hóa quy trình hoạt động và kiểm soát chi phí đầu vào. Các khu vực cần tập trung cải tiến bao gồm:
- Quy trình hoạt động: quy trình giao dịch, kiểm soát chi phí, chất lượng của hoạt động.
- Các hệ thống quản lý kiểm soát: tập trung vào việc kiểm soát và tính minh bạch của hệ thống, tối ưu hóa lợi nhuận, tiết kiệm chi phí và tái cấu trúc hệ thống.
- Dịch vụ khách hàng: tập trung vào tính hiệu quả của trung tâm chăm sóc khách hàng, xây dựng các chiến lược quan hệ khách hàng (khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng lớn).
- Duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng: tập trung vào năng suất và hiệu quả của bộ phận tín dụng, phát triển các sản phẩm mới mang lại lợi nhuận mới cho ngân hàng.
Cuối cùng, các ngân hàng cần thay đổi thói quen hành vi trong kinh doanh (behavior change) từ thụ động sang chủ động, luôn luôn có cách nghĩ mới, cách làm mới, tập trung vào năng suất, hiệu quả thực hiện với khách hàng.
Trên hết, các ngân hàng phải xây dựng cho mình chiến lược trong ngắn hạn và dài hạn, xác định các mục tiêu kinh doanh chủ yếu, các yếu tố để thành công và xây dựng các thước đo đo lường hiệu quả của hoạt động, lập kế hoạch thực hiện và thực hiện nó để tạo thay đổi trong tổ chức. Thay đổi đó phải được duy trì, tạo thành văn hóa thay đổi trong tổ chức.