Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa báo cáo lợi nhuận quý III của Mỹ đang diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Báo cáo lợi nhuận quý III

Mùa báo cáo lợi nhuận quý III đang diễn ra với các công ty báo cáo kết quả kinh doanh trong bối cảnh môi trường đầy thách thức do đồng đô la mạnh hơn và lạm phát cao liên tục.

Reuters báo cáo rằng lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 dự kiến ​​sẽ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, đây sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý IV/2020.

Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào cách các nhà điều hành doanh nghiệp dự phóng lợi nhuận trong thời gian tới như thế nào và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường. Theo Refinitiv IBES, các nhà phân tích đồng thuận ước tính lợi nhuận sẽ tăng gần 8% trong năm tới, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ về dự báo đó vì rủi ro suy thoái vẫn còn.

Dữ liệu kinh tế Mỹ

Trong bối cảnh dữ liệu lạm phát Mỹ tháng 9 của Mỹ nóng hơn dự kiến​​, trọng tâm thị trường sẽ chuyển sang thị trường nhà ở với các báo cáo về giấy phép xây dựng, khởi công nhà ở và doanh số bán nhà hiện có.

Giá nhà lần đầu tiên giảm trong hơn 10 năm vào tháng 7 do lãi suất tăng tác động đến nhu cầu nhà ở, trong khi các đơn vay thế chấp cũng giảm.

Vào thứ Bảy (15/10), Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, James Bullard cho biết số liệu CPI của tuần trước cho thấy lạm phát đã trở nên "nguy hiểm" và để ngỏ khả năng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại các cuộc họp sắp tới của Fed vào tháng 11 và tháng 12 nhưng nói thêm rằng còn quá sớm để đưa ra xác định về mức tăng lãi suất đó.

Anh cố gắng khôi phục sự ổn định của thị trường tài chính

Trái phiếu chính phủ Anh sẽ tiếp tục giao dịch vào thứ Hai (17/10) mà không có sự hỗ trợ của chương trình mua trái phiếu khẩn cấp của Ngân hàng Trung ương Anh vì chương trình đã kết thúc vào thứ Sáu (14/10).

Jeremy Hunt, Bộ trưởng tài chính mới của Anh cho biết ông sẽ sửa chữa hệ thống tài chính công của đất nước sau khi kế hoạch kinh tế ban đầu do Thủ tướng Liz Truss và cựu Bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng đưa ra đã làm chao đảo thị trường tài chính.

Các báo cáo cho thấy chính phủ đang chuẩn bị thực hiện một động thái thay đổi lớn đối với chính sách cắt giảm thuế theo kế hoạch nhằm giúp giảm bớt lo ngại về tài chính công, nhưng điều này sẽ cần phải hiện thực hóa thành các kế hoạch cụ thể để tránh tình trạng bán tháo diễn ra trên thị trường trái phiếu một lần nữa.

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu GDP quý III vào thứ Ba (18/10) và trong khi tăng trưởng dự kiến ​​sẽ phục hồi so với quý trước, nền kinh tế vẫn đang trên đà đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm chậm nhất trong gần 50 năm.

Tốc độ tăng trưởng quý III dự kiến ​​sẽ đạt 3,4% trong so với mức tăng trưởng chỉ 0,4% trong quý II.

Chính sách kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine cộng với tăng trưởng toàn cầu chậm lại do chi phí đi vay để kiềm chế lạm phát tăng mạnh đã đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà phân tích kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%.

Bên cạnh đó, Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu diễn ra vào Chủ Nhật (16/10) và sẽ kéo dài một tuần.

Động thái can thiệp đồng yên

Các nhà giao dịch ngoại hối sẽ theo dõi chặt chẽ đồng yên trong bối cảnh có suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể thực hiện các động thái mới để củng cố đồng tiền này sau khi đã thực hiện can thiệp vào thị trường vào tháng trước lần đầu tiên kể từ năm 1998.

Hôm thứ Bảy (15/10), Phó Thống đốc BOJ Masazumi Wakatabe cho biết rằng những biến động gần đây của đồng yên "rõ ràng là quá nhanh và quá phiến diện", ông cũng chỉ ra mối lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế từ sự sụt giảm của đồng tiền này xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đồng đô la.

Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối vào tháng 9 để ngăn chặn đà giảm mạnh của đồng yên, nguyên nhân chủ yếu là do sự phân kỳ chính sách giữa các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của BOJ nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Nhật Bản là quốc gia ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương toàn cầu vì vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, trong khi nhiều ngân hàng trung ương khác đã tăng lãi suất để chống lại lạm phát nóng vì Nhật Bản đang tập trung vào việc hỗ trợ một sự phục hồi kinh tế mong manh.

Tin bài liên quan