Cải cách thuế và nỗi lo giảm thu ngân sách

Cải cách thuế và nỗi lo giảm thu ngân sách

(ĐTCK) Bình luận ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP. HCM) cho rằng, “đây là một bước lùi trong việc cải cách thuế”.

Cải cách thuế và nỗi lo giảm thu ngân sách ảnh 1

Số giảm thu NSNN 6 tháng cuối năm 2013 ước khoảng 5.200 tỷ đồng; năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng nếu Dự thảo Luật thuế TNCN được thông qua

Giống thuế thu nhập cao!

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, có 4 cái được qua 3 năm thực hiện Luật Thuế TNCN: thứ nhất, bao quát và mở rộng được đối tượng nộp thuế; thứ hai, đảm bảo động viên hợp lý thu nhập của dân cư, góp phần đảm bảo công bằng xã hội; thứ ba, góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN); thứ tư, từng bước góp phần thực hiện kiểm soát thu nhập của dân cư.

Tuy nhiên, với dự thảo Luật Thuế TNCN sửa đổi, ông Lịch nhìn nhận, Việt Nam sẽ không thành công trong lộ trình cải cách thuế. Khi Quốc hội khóa XII thông qua Luật Thuế TNCN là nằm trong lộ trình cải cách thuế theo hướng chuyển từ thuế gián thu sang thuế trực thu, tiến tới dùng thuế TNCN để điều tiết thu nhập và tạo thói quen cho người dân là nếu có thu nhập thì phải đóng thuế. Với những nội dung sửa đổi lần này, thành quả nêu trên sẽ bị xóa bỏ.

Cụ thể, ông Lịch cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật, điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng, nếu được thông qua, thì đối tượng nộp thuế sẽ bị thu hẹp đáng kể. Kèm theo đó là NSNN bị giảm thu hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, nếu điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 9 triệu đồng/tháng, nâng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng/tháng, giữ nguyên biểu thuế hiện hành và Luật có hiệu lực từ 1/7/2013, thì dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng, giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.

Ông Lịch cho hay, theo kinh nghiệm của các nước đi trước, muốn áp dụng thành công đạo luật này phải có đủ 3 điều kiện: thứ nhất là thu nhập của người dân phải tương đối cao và ổn định; thứ hai là nền kinh tế phải không dùng tiền mặt để kiểm soát được thu nhập; thứ ba là những khoản đầu tư của Nhà nước vào phúc lợi công cộng như y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông, văn hóa... phải đủ lớn và miễn phí để người dân không phải chi những khoản tiền từ thu nhập của họ.

“Ba vấn đề trên chúng ta không tiến hành đồng bộ, nên không thể thành công được trong lộ trình cải cách thuế. Hiện giờ, mặc dù chúng ta vẫn giữ tên luật như vậy, nhưng thực chất đây là Luật Thuế thu nhập cao”, ông Lịch nói và nêu ví dụ: tại TP. HCM, nếu đã trừ các khoản thuế phải đóng rồi chia thu nhập bình quân đầu người, thì một năm mỗi người dân thành phố chỉ có thu nhập 18 - 19 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật, tính khấu trừ cả năm cho một cá nhân lên tới 108 triệu đồng là quá cao.

Đồng tình với ý kiến “đây là Luật Thuế thu nhập cao”, ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội nhận xét, mục đích của dự thảo Luật là hướng đến số đông, nhưng những quy định lại khoanh vùng một số đối tượng có thu nhập cao trong xã hội. Điều này sẽ làm thay đổi mục tiêu ban đầu của Luật Thuế TNCN đã được Quốc hội khóa XII thông qua là “số người nộp thuế từng bước được tăng lên, ngày càng nhiều người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội có cơ hội làm quen dần với sắc thuế này và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước, góp phần ổn định nguồn thu NSNN”.

 

Kỳ vọng kinh tế phát triển

Ông Nhã cho hay, theo tờ trình của Chính phủ, cả nước hiện có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN, chiếm 4,4% dân số cả nước. Nay sửa đổi Luật theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh như trong dự thảo thì dẫn đến thu hẹp đối tượng phải nộp thuế, chỉ còn khoảng 1 triệu người. Tương tự như vậy, số lượng hộ kinh doanh cá thể thuộc diện nộp thuế TNCN cũng giảm khá lớn, không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi Luật thời gian qua.

Theo ông Nhã, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu NSNN và sẽ làm giảm nguồn lực để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách. “Nếu dự thảo Luật được thông qua, thì số lượng người phải đóng thuế sẽ giảm, nhưng tôi hy vọng, khi kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, thì số lượng người nộp thuế sẽ tăng theo”, ông Nhã nói và cho rằng, nếu tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 6 - 7%, thì đến năm 2015, số lượng người đóng thuế tăng có thể bù đắp được những khoản thiếu hụt ngân sách hiện nay.

Có một nội dung mới được đa số đại biểu tán thành là quy định: “Trường hợp giá thị trường biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả”.