Cao tốc xuyên miền Trung thắp sáng từ các dự án hầm đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
Những công trình hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân đang chứng minh hiệu quả và vai trò chiến lược cho sự phát triển hạ tầng đường bộ Việt Nam.
Đường dẫn phía Bắc (địa phận Thừa Thiên Huế) đi kèm hạng mục cầu qua đầm Lập An thuộc Dự án Mở rộng ống hầm Hải Vân 2 đang hiện thực hóa nhiều quy hoạch đô thị, du lịch.

Đường dẫn phía Bắc (địa phận Thừa Thiên Huế) đi kèm hạng mục cầu qua đầm Lập An thuộc Dự án Mở rộng ống hầm Hải Vân 2 đang hiện thực hóa nhiều quy hoạch đô thị, du lịch.

Đặc biệt, đường cao tốc Bắc - Nam xuyên qua miền Trung được đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Những đường hầm hướng đến cao tốc

Chúng tôi đã có dịp về miền Tây, ngược lên vùng Tây Bắc của đất nước, quan sát và cảm nhận được vai trò to lớn và tác động lan tỏa từ những tuyến cao tốc. Những trục “xương sống” gắn kết các “xương cá” tạo ra sự kết nối chặt chẽ, liên hoàn giữa các địa phương nơi có dự án đi qua và cho cả khu vực.

Nếu phía Bắc có tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tạo kết nối qua 5 nút giao với các quốc lộ 1, 279, 37, 31 và tỉnh lộ 242…, thì ở miền Tây, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ được hoàn thành sẽ kết nối vùng Đông Nam bộ trù phú, năng động với các tỉnh miền Tây dồi dào sản vật và thông thoáng về giao thông thủy…

Ở miền Trung, không kể lợi thế về thời gian di chuyển so với Quốc lộ 1 hiện hữu, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã và đang tạo động lực phát triển kinh tế cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Với 140 km, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã liên kết Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp của Đà Nẵng, tạo điều kiện trao đổi hàng hóa, đón tiếp nhà đầu tư và hiện thực hóa chuỗi logistics hàng không - đường biển - đường bộ.

Tương lai không xa, tuyến cao tốc La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) được khánh thành, đưa vào sử dụng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế thực hiện tầm nhìn quy hoạch đối với các dự án công nghiệp, đô thị và cảng biển.

Cao tốc xuyên miền Trung thắp sáng từ các dự án hầm đường bộ ảnh 1

Công trình hầm đường bộ Đèo Cả đang phát huy sức mạnh liên kết của miền Trung.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ từng chia sẻ: “Ở mỗi công trình hạ tầng giao thông được đầu tư là tầm nhìn dài hạn về việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, văn hóa được nâng cao, liên kết chặt chẽ, gắn kết các vùng miền trong phạm vi quốc gia và tính toán đến liên kết quốc tế”.

Từ những dự báo này, đối chiếu thực tiễn các công trình hầm đường bộ đã thi công tại Việt Nam, trong đó có các dự án hầm đường bộ do Tập đoàn Đèo Cả đầu tư như hầm đường bộ Đèo Cả nối Phú Yên - Khánh Hòa, hầm Cù Mông kết nối Bình Định - Phú Yên và hầm Hải Vân liên kết Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, sẽ thấy được hiệu quả lan tỏa và những cái “bắt tay”, cộng hưởng sức mạnh từ các địa phương nơi dự án hiện diện, tạo lực đẩy cho nhau cùng phát triển.

Không chỉ liên kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tháo điểm nghẽn trên tuyến huyết mạch quốc gia, những dự án hầm đường bộ là mô hình tiêu biểu cho chủ trương kêu gọi tư nhân đầu tư hạ tầng theo hình thức xã hội hóa. GS-TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng kiểm toán Nhà nước cho rằng: “Hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào hạ tầng, dịch vụ công, từ đó thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển”.

Theo ông Tiên, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đầu tư theo phương thức PPP đã và đang trở thành một trong những mô hình hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. Vốn huy động từ khu vực tư nhân đã góp phần cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng của đất nước, nâng cao chất lượng sống của người dân, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương.

Hữu xạ tự nhiên hương”

Đánh giá đúng thực chất và triển khai đúng chủ trương về huy động nguồn lực xã hội hóa vào các công trình hạ tầng lớn, nhất là tuyến cao tốc, cuối tháng 6/2020, tại Trung tâm Điều hành giao thông hầm đường bộ qua Đèo Cả (tỉnh Phú Yên), lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Hoàng Xuân Ánh cho biết, địa phương đang đi tìm một nhà đầu tư hiệu quả cho Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ông Ánh thấy được năng lực của Đèo Cả từ các công trình mà tập đoàn này đã đầu tư, thi công và hoàn thiện. “Đây là động lực tinh thần lớn lao để Cao Bằng thêm quyết tâm thực hiện cho được dự án đường cao tốc nối từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh”, ông Ánh chia sẻ.

Không chỉ Cao Bằng quan tâm đến Tập đoàn Đèo Cả. Mới đây, bên cạnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi - Quy Nhơn trong giai đoạn 2020 - 2025, Bình Định cũng “tranh thủ” đề xuất phương án thực hiện đầu tư xây dựng dự án này theo hình thức PPP có sự tham gia của phần vốn nhà nước. Theo UBND tỉnh Bình Định, nếu giao địa phương làm chủ đầu tư dự án này sẽ có những lợi thế nhất định, vì vừa thực hiện chủ trương xã hội hóa hiệu quả, vừa tận dụng được hạ tầng sẵn có là hầm đường bộ Cù Mông để đồng bộ với tuyến cao tốc.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, các dự án công trình hầm theo tiêu chuẩn đường cao tốc đã khẳng định sự sáng tạo trong thiết kế, năng lực thi công, chủ động về tài chính, khoa học trong quản trị và tính dự báo chính xác, góp phần làm tiền đề đầu tư các đoạn tuyến cao tốc tiếp theo như Quảng Ngãi - Quy Nhơn khớp nối với hầm Cù Mông.

Theo thiết kế, đoạn cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định có chiều dài khoảng 170 km (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 110 km), điểm đầu nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019), điểm cuối dự kiến nối vào hầm Cù Mông (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019), được định hướng đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025.

Ông Bùi Văn Rạng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, để có cơ sở triển khai Dự án và hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn trên tuyến Bắc - Nam, Ban đã phối hợp cùng Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Định và UBND các huyện có Dự án đi qua tổ chức đi thực tế hiện trường toàn tuyến. Sau khi xem xét, địa phương có ý kiến: đoạn qua các huyện Phù Cát, Tây Sơn, thị xã An Nhơn đề nghị điều chỉnh hướng tuyến và điểm cuối.

Theo đó, hướng đi sát và cùng hành lang tuyến với tuyến đường sắt tốc độ cao (đã được UBND tỉnh Bình Định thỏa thuận cùng dự án đường sắt tốc độ cao) hướng tuyến đi qua địa phận huyện Tuy Phước, TP. Quy Nhơn và kết thúc tại hầm Cù Mông nhằm kết nối đồng bộ các tuyến đường từ trung tâm TP. Quy Nhơn vào đường cao tốc để phát huy hiệu quả khai thác.

Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân với tổng mức đầu tư 26,154 tỷ đồng.

Trong đó, hầm đường bộ Đèo Cả có tổng chiều dài gần 13,2 km nối tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên (tuyến hầm Đèo Cả dài 4,125 km, tuyến hầm Cổ Mã dài 500 m), tốc độ thiết kế 80 km/giờ; hầm đèo Cù Mông nối Phú Yên - Bình Định có chiều dài toàn tuyến 6,62 km, chiều dài hầm 2,6 km, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng; Dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có đường hầm dài hơn 6,2 km, rộng 9,75 m và tĩnh không hầm 5 m, tổng mức đầu tư dự kiến trên 7.296 tỷ đồng, được khởi công vào đầu năm 2016, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác tháng 9/2020.

Tin bài liên quan