CEO Nguyễn Văn Cường: Càng qua giông bão, doanh nghiệp Việt sẽ càng rắn rỏi, vững vàng

0:00 / 0:00
0:00
Bốn đợt tấn công của đại dịch đã khiến phần lớn những doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội và TP.HCM buộc phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Ngay cả những “ông lớn” trong ngành, vốn được ví như những “thành trì thép” cũng phải chao đảo, cắt giảm tối đa nhân sự, hoạt động sản xuất, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản.

Bốn đợt tấn công của đại dịch đã khiến phần lớn những doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội và TP.HCM buộc phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Ngay cả những “ông lớn” trong ngành, vốn được ví như những “thành trì thép” cũng phải chao đảo, cắt giảm tối đa nhân sự, hoạt động sản xuất, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản.

Điều bất ngờ là, NAVYTEX- doanh nghiệp dệt may non trẻ với chỉ vỏn vẹn 3 năm hoạt động, những tưởng khó có thể trụ vững trước “cơn đại hồng thủy” Covid-19, không những vẫn duy trì hoạt động, mà còn đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, cải tổ bộ máy toàn diện để sẵn sàng bứt phá ngay sau dịch.

Ông Nguyễn Văn Cường, CEO NAVYTEX, người từng không ngần ngại từ bỏ vị trí Phó Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn để thành lập Công ty CP Quốc tế NAVYTEX chia sẻ: “Khi đứng trước lựa chọn thay đổi hay là chết, tôi đã chọn thay đổi. Nếu không kịp ứng biến, chuyển mình để thích ứng với tình hình mới mà đại dịch Covid-19 đã tạo ra, nghĩa là chúng ta đã trao quyền quyết định số phận cho Covid-19. Tôi không rõ NAVYTEX sẽ trụ được bao lâu trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Song có một điều chắc chắn rằng, tôi sẽ không chịu thua một cách dễ dàng. Giả sử nếu có gục ngã, NAVYTEX cũng sẽ tiếp tục khởi nghiệp. Tôi tin rằng, khi đại dịch Covid-19 qua đi, lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tăng lên đột biến”.

Điều gì khiến ông đưa ra quyết định táo bạo cách đây 3 năm: từ bỏ chức Phó Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn với mức lương hậu hĩnh để khởi nghiệp ở lĩnh vực dệt may?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở làng nghề Vân Từ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Làng nghề quê tôi có lịch sử phát triển hàng trăm năm, nổi tiếng là nơi sản xuất complet thủ công lớn nhất cả nước.

Có những giai đoạn, nghề may complet phát triển bùng nổ, nhu cầu tăng cao, cả xã Vân Từ trở thành nguồn cung cấp chính cho khu chợ đầu mối complet Khâm Thiên (Hà Nội) để phân phối khắp cả nước. Nghề may complet đã giúp quê hương Vân Từ “thay da đổi thịt”, đời sống người dân khấm khá hơn rất nhiều.

Nhờ nghề may complet của gia đình, tôi không chỉ có cuộc sống đủ đầy hơn so với các bạn cùng trang lứa, mà còn có ký ức tuổi thơ vô cùng đẹp. Tôi luôn dành hàng giờ để xem các cụ già cao niên trong làng may complet bằng phương pháp thủ công.

Với những công cụ thô sơ như cái máy may hiệu con bướm, hay chiếc bàn là con gà được làm nóng bằng than củi bỏ vào bên trong…, tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay, tỉ mỉ, khéo léo.

Tết năm nào, bố cũng may cho tôi ít nhất một bộ complet mới. Tôi thực sự thích và luôn giữ ký ức đẹp về những bộ complet đầu tiên đó. Có lẽ, chính những khoảng thời gian thời thơ ấu đó không chỉ để lại những kỷ niệm rất đẹp mà còn nhen nhóm khát khao đưa nghề may complet vươn xa trong tôi.

Sau này, theo học ngành ngân hàng và có hơn 10 năm trải qua các vị trí lớn nhỏ trong các ngân hàng, tuy nhiên tôi luôn đau đáu một giấc mơ về một ngày được tự tay tạo nên những bộ complet thật đẹp và đem những bộ complet ấy đi khắp thế giới.

Động lực lớn nhất khiến tôi hành động để theo đuổi giấc mơ chính là khi tôi nhận thấy nghề may complet Vân Từ dần dần bị suy thoái, chạy theo thương mại hóa, những giá trị tinh hoa của nghề dần bị mài mòn…

Những điều đó khiến tôi xót xa và quyết định từ bỏ công việc ngân hàng cách đây 3 năm để thành lập NAVYTEX với khát khao giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của cha ông.

Tôi tin rằng, với những kinh nghiệm quản lý và mối quan hệ mà mình gây dựng được trong quá trình làm việc, tôi sẽ dần dần hiện thực hóa giấc mơ xuất ngoại nghề may complet Vân Từ.

Ngoài mặt hàng complet, NAVYTEX có phát triển thêm các loại thời trang khác không, thưa ông?

Khi thành lập, NAVYTEX được định hướng chuyên sản xuất và phân phối complet, nhưng trong quá trình hoạt động trong lĩnh vực may mặc, tôi đã có thêm nhiều cơ hội để phát triển thêm những mảng khác như: đồng phục công sở, đồng phục bệnh viện, trang phục bảo hộ lao động cho các doanh nghiệp ở khu công nghiệp…

Dù phát triển và thành công với nhiều ngạch sản phẩm, song tất cả những mặt hàng đó đều là phụ trợ và tạo nền tảng để NAVYTEX đẩy mạnh phát triển cho thương hiệu sản phẩm chủ lực complet Vân Từ.

Chủ trương của NAVYTEX là không làm hàng đại trà đối với complet. Chúng tôi đặt luôn đặt hàng những người thợ thuộc vào bậc tinh hoa của nghề may complet Vân Từ để sản phẩm đạt đến độ tinh xảo, lịch lãm và chuẩn mực nhất, đáp ứng được yêu cầu của những người có gu thẩm mỹ cao như giới doanh nhân thành đạt, giới nghệ sĩ và tất cả những người yêu complet. NAVYTEX muốn chinh phục thị trường nội địa trước khi xuất khẩu sản phẩm này ra thế giới.

May mắn là sau 3 năm khởi nghiệp, sản phẩm complet của NAVYTEX đã phần nào khẳng định được vị trí riêng trên thị trường nhờ chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, đặc biệt không ít khách hàng đã yêu thích sản phẩm và trở thành “mối ruột” của NAVYTEX.

Bên cạnh đó, NAVYTEX cũng gặt hái những dấu ấn thành công đầu tiên trong lĩnh vực dệt may với những đơn hàng thời trang nữ xuất sang thị trường Trung Đông hay vinh dự trở thành một trong những thương hiệu được chọn trưng bày sản phẩm tại Đại sứ quán Ả rập Xê Út.

Hoạt động chưa đầy 3 năm thì “cơn cuồng phong” Covid-19 ập đến, càn quét các nền kinh tế. May mặc vốn không được coi là hàng thiết yếu trong đại dịch, hàng loạt công ty đóng cửa, thậm chí phá sản, chắc hẳn, hoạt động của NAVYTEX cũng bị ảnh hưởng, thưa ông?

Đại dịch Covid-19 có sức tàn phá nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Sẽ phải mất nhiều năm để Việt Nam có thể khôi phục lại sức tăng trưởng kinh tế như trước khi xuất hiện Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tiêu cực, đại dịch cũng giúp chúng ta nhận ra nhiều bài học giá trị. Dịch Covid-19 khiến chúng ta nhận ra rằng thế giới sẽ biến đổi không ngừng, và đi cùng với nó là cấu trúc nền kinh tế, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng của khách hàng… sẽ thay đổi. Trong bối cảnh Covid-19, phần lớn doanh nghiệp buộc phải đứng trước thách thức “thay đổi hay là chết”.

Với NAVYTEX, cũng giống như phần lớn doanh nghiệp dệt may khác, chúng tôi đối mặt với khó khăn lớn chưa từng có: phải ngưng hoạt động, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, dòng tiền gặp khó… Tuy nhiên, chúng tôi đã chọn “thay đổi” để tồn tại.

Chúng tôi tranh thủ thời gian ngưng hoạt động để tái cấu trúc toàn diện, mở rộng kinh doanh, tăng cường tìm kiếm đối tác, chuẩn bị cho thương hiệu mới, sản phẩm mới…

Hiện nay, công ty cũng chuyển đến địa chỉ mới tại số 56 Trung Yên 9, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) để tiện làm showroom và trụ sở văn phòng công ty. Nếu tình hình dịch tại Hà Nội ổn định, chúng tôi sẽ khai trương showroom trong tháng 10 để giới thiệu những mặt hàng mới tới khách hàng.

Tôi không rõ NAVYTEX sẽ trụ được bao lâu trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Song có một điều chắc chắn rằng, tôi sẽ không chịu thua một cách dễ dàng. Giả sử nếu có gục ngã, NAVYTEX vẫn sẽ tiếp tục khởi nghiệp. Giấc mơ “xuất ngoại” complet Việt Nam của tôi chưa bao giờ nguôi ngoai.

Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp mà dệt may bị phá sản hoặc thua lỗ rất nặng nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thì NAVYTEX vẫn mở rộng quy mô và sản phẩm, dường như, anh đang đưa “con thuyền” NAVYTEX “đi ngược chiều gió”?

- (Cười) Câu hỏi của nhà báo rất thú vị! Đúng là đại dịch Covid-19 giống như “sóng thần” không gì ngăn cản nổi, nó nhấn chìm hàng loạt con thuyền ngành may mặc, từ nhỏ đến lớn.

Sau 4 đợt đại dịch “làm mưa làm gió”, phần lớn những doanh nghiệp ngành dệt may ở Hà Nội và TP.HCM đã đóng cửa. Ngay cả những “ông lớn” trong ngành, vốn được ví như những “thành trì thép” cũng phải chao đảo, thậm chí tuyên bố phá sản hoặc cắt giảm gần hết nhân sự, cửa hàng.

Là một doanh nghiệp còn khá mới, chúng tôi cũng ảnh hưởng nặng nề, đôi khi có lúc tưởng không thể trụ vững được. Tuy nhiên, điều may mắn là chúng tôi đã sớm có sự chuẩn bị về nguồn ngân sách dự phòng cho tình huống biến động của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn nhanh chóng thay đổi để thích ứng, có tệp khách hàng phân khúc trung, cao cấp, ít nhạy cảm bởi thu nhập trong dịch bệnh, các đơn hàng xuất khẩu vẫn được tiến hành khi dịch bệnh được kiểm soát nên vẫn có doanh thu.

Mặt khác, khi quyết định mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, NAVYTEX đã điều chỉnh cơ cấu sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường.

Khi hàng loạt tên tuổi lớn phá sản do không thể chịu nổi áp lực bởi chi phí hàng tháng với các khoản tiền lương nhân viên, chi phí thuê mặt bằng, đọng vốn… khổng lồ thì tôi nghĩ, khi Covid-19 lần thứ 4 được kiểm soát, thị trường dệt may sẽ có khoảng trống, sân chơi rất rộng mở.

Những doanh nghiệp mới, quy mô vừa, hoàn toàn có thể tạo tên tuổi, thậm chí lấp vào những khoảng trống đó, nếu có chiến lược phù hợp, quản trị tốt.

Khi trạng thái bình thường mới được thiết lập trở lại, chúng tôi sẽ tung ra những sản phẩm chiến lược và mở rộng quy mô doanh nghiệp với tham vọng có thể thay thế những nhà cung cấp đã rời khỏi thị trường.

Ông có thể bật mí thêm về những sản phẩm chiến lược NAVYTEX dự kiến tung ra thị trường khi Covid-19 lần 4 được kiểm soát?

- Thời gian qua, NAVYTEX đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là cải tổ bộ máy và xây dựng hai thương hiệu Century Suit và Chidoll Outfit.

Trong đó, Century Suit hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp với sản phẩm chủ đạo là những bộ comple được may đo chuẩn mực theo yêu cầu riêng còn Chidoll Outfit là sản phẩm may sẵn, dành cho tệp khách hàng thời trang trung cấp, độ tuổi trẻ hơn, năng động hơn, theo trend thị trường.

Cả hai dòng sản phẩm đều hướng đến đối tượng khách hàng công sở, muốn sở hữu những bộ trang phục lịch lãm, lịch sự và sang trọng.

Hiện tại, NAVYTEX cũng đã có chiến lược dài hơi cho việc mở rộng và nhân rộng mô hình. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dự kiến, trong năm 2021, chúng tôi sẽ mở thêm ít nhất 5 showroom khác tại Hà Nội và năm 2023 sẽ phát triển lên khoảng 15 đến 20 điểm bán trên cả nước.

Có thể nói, ngay trong “tâm bão”, NAVYTEX đang đổi mới doanh nghiệp một cách toàn diện, giống như tái khởi nghiệp. Vậy, dưới góc độ doanh nghiệp dệt may, xuất khẩu, theo anh, đâu sẽ là những chính sách hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp lúc này?

- Đúng vậy, có thể nói NAVYTEX đang cố gắng “biến nguy thành cơ”, tận dụng cơ hội nghỉ dịch để thay đổi toàn diện với những mục tiêu lớn hơn. Việc có nhiều cổ đông mới gia nhập công ty cũng giúp nguồn tài chính của NAVYTEX thêm vững mạnh để tiếp tục công cuộc cải tổ doanh nghiệp cũng như phát triển ở những giai đoạn tiếp theo.

Thực tế từ khi đại dịch bùng phát, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, NAVYTEX mới chỉ được hưởng chính sách giảm tiền điện, nhưng chi phí này hàng tháng của doanh nghiệp khá ít ỏi, không đáng kể.

Dệt may không được coi là mặt hàng thiết yếu trong dịch bệnh, vì thế, doanh nghiệp lập tức phải dừng toàn bộ hoạt động khi dịch bệnh bùng phát, thậm chí phá sản. Hai tháng giãn cách vừa qua, nhân viên của NAVYTEX cũng phải tạm nghỉ việc, mọi công việc, kế hoạch của công ty đều phải dừng lại, lỡ rất nhiều cơ hội kinh doanh.

Ở giai đoạn này, chúng tôi hiểu rằng Chính phủ đứng trước nhiều áp lực lớn để đáp ứng mục tiêu kép: vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì phát triển kinh tế, do vậy khó có thể đòi hỏi nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể hơn cho các doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là Chính phủ sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp linh hoạt và phù hợp để kiểm soát dịch bệnh tốt nhất, tránh đóng băng nền kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là tiếp tục triển khai tiêm vaccine trên diện rộng, để kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không bị lâm vào tình cảnh “mở ra rồi lại đóng vào” nữa.

Đặc biệt, nếu được, mong Chính phủ và các Bộ ngành tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vay tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để khôi phục lại hoạt động, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thưa ông, doanh nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế. Vậy, để Việt Nam thực sự trở thành quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ cần có những chính sách như thế nào?

- Phong trào “Quốc gia khởi nghiệp” đã được Chính phủ đẩy mạnh từ nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, nhiệm kỳ mới, dường như Chính phủ chưa có nhiều chính sách thúc đẩy phong trào này, có lẽ là do công tác phòng, chống dịch bệnh đặt ra vô cùng cấp bách.

Nếu nhiệm kỳ này, Chính phủ vẫn quyết tâm kế thừa và phát triển tinh thần “Quốc gia khởi nghiệp” thì thời gian tới phải có những hành động cụ thể hơn.

Bởi lẽ, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, hàng loạt doanh nghiệp phá sản hoặc buộc phải ngừng hoạt động, vô hình trung tạo ra không gian rộng lớn để những doanh nghiệp đủ khả năng trụ vững sau đại dịch tái cấu trúc và tiếp tục giai đoạn khởi nghiệp mới.

Những doanh nghiệp đã phá sản ở giai đoạn trước cũng có cơ hội để tái khởi nghiệp ở chính lĩnh vực đó hoặc lĩnh vực khác họ thấy tiềm năng. Và theo quy luật phát triển, chắc chắn trong thời gian tới, lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tăng lên đột biến. Những doanh nghiệp mới ra đời sẽ cần môi trường, chính sách thuận lợi để khởi nghiệp sáng tạo và vươn xa.

Tôi cho rằng, có 4 điểm Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ. Thứ nhất là cần phải có những kênh thông tin của Chính phủ giúp định hướng nghề nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ hai là Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác với các quốc gia khác để làm tiền đề, làm thị trường, định hướng thị trường cũng như mở rộng sân chơi cho các doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực, sản phẩm thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, dệt may…

Mặt khác, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, nhưng họ rất khó tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần vì quy định cho vay rất khắt khe. Vì thế, Chính phủ cần có những quỹ đầu tư cho những doanh nghiệp khởi nghiệp có dự án tiềm năng, khả thi theo Hội đồng chuyên môn của Quỹ đánh giá.

Thứ ba, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về thuế, phí trong thời gian 1 đến 2 năm đầu khởi nghiệp để họ có thể nhanh chóng tái đầu tư, mở rộng quy mô.

Thứ tư, những chính sách, quy định liên quan đến cấp phép của Việt Nam đã tốt hơn vài năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp cần giấy phép con ở những lĩnh vực đặc thù thì lại rất khó khăn, phức tạp và cũng chưa có một trung tâm hay là đơn vị nào hướng dẫn thủ tục cho các doanh nghiệp, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn cử, vừa qua, NAVYTEX muốn kinh doanh khẩu trang kháng khuẩn hoặc khẩu trang y tế thì phải có giấy phép con. Khi làm các thủ tục pháp lý, chúng tôi cảm thấy quá khó khăn nên không theo đuổi dự án này nữa.

Đặc biệt, ở góc độ doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, tôi nhận thấy đợt dịch lần thứ 4 khiến các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may ở Việt Nam bị các đối tác ở nước ngoài cắt, hủy hợp đồng rất nhiều do không trả đơn hàng đúng hạn vì phải dừng sản xuất nhiều tháng. Không ít doanh nghiệp Việt Nam bị phạt tiền.

Nhưng đó chỉ là thiệt hại về kinh tế, về lâu dài, đây còn là uy tín, thương hiệu quốc gia, khi các đối tác nước ngoài không còn tin tưởng vào sự chuyên nghiệp của các nhà cung cấp Việt Nam, họ có thể tìm đối tác ở các quốc gia khác có thể mạnh, sản phẩm tương đồng. Về lâu dài, chúng ta sẽ đánh mất nhiều thị trường quan trọng. Trong khi, để có một đối tác ở nước ngoài cần rất nhiều thời gian, chi phí.

Do vậy, sau khi dịch được khống chế, chúng tôi mong rằng Chính phủ sẽ có sự đánh giá tổng thể những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động doanh nghiệp ở giai đoạn dịch, rút ra những kinh nghiệm sâu sắc để tránh lặp lại ở giai đoạn sau.

Những chính sách thực tế, sát sườn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp được thỏa sức sáng tạo, vươn ra nhiều lĩnh vực, thị trường trong nước và thế giới… sẽ giúp Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Tin bài liên quan