Kinh tế Mỹ có thể bị kéo vào suy thoái vì đóng cửa Chính phủ. Ảnh: Bloomberg.

Kinh tế Mỹ có thể bị kéo vào suy thoái vì đóng cửa Chính phủ. Ảnh: Bloomberg.

Chính phủ đóng cửa đe dọa đà phục hồi kinh tế Mỹ

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng cuộc chiến ngân sách kéo dài sẽ kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng, khiến bản thân họ phải giảm nhân công, thắt chặt đầu tư. Hậu quả có thể thể đẩy nước Mỹ vào suy thoái.

>> Chính phủ Mỹ đóng cửa

800.000 công chức Mỹ đã phải nghỉ việc từ hôm qua sau khi Quốc hội đàm phán thất bại về ngân sách tài khóa 2014. Tâm điểm của cuộc tranh cãi là áp dụng hay trì hoãn chương trình chăm sóc y tế của Tổng thống Obama (Obamacare). Đến hôm nay, nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện vẫn bất đồng về vấn đề này.

 

Ken Hicks - CEO hãng giày Foot Locker cho rằng, Chính phủ không nên đóng cửa chỉ vì tranh cãi chuyện này. Nó có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế mong manh trong thời kỳ đầy thách thức hiện tại. "Tôi chẳng vui vẻ gì khi thấy chi phí tăng vọt vì Obamacare. Nhưng nó cũng không đáng để đóng cửa Chính phủ", Hicks cho biết trên Bloomberg.

 

Theo Guy LeBas - chiến lược gia trưởng các công cụ sinh lời cố định tại Janney Montgomery Scott, Chính phủ đóng cửa có thể khiến tăng trưởng của Mỹ giảm tới 1,4% quý IV năm nay. Cuộc chiến ngân sách kéo dài còn làm giảm niềm tin của người tiêu dùng, hạ nhiệt thị trường ôtô, kìm hãm doanh số bán hàng xa xỉ và gây trở ngại cho du lịch.

 

Dave Barger - CEO JetBlue thì nhận xét: "Nếu kéo dài, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi kinh tế. Nếu các doanh nghiệp bi quan, người dân giảm chi tiêu cho du lịch và nhiều khoản khác, đây sẽ là hậu quả thực sự nghiêm trọng".

 

Cùng chung quan điểm, David Cote – CEO Tập đoàn đa ngành Honeywell cho biết tình hình này có thể kéo nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. "Mọi người đều thận trọng hơn, giảm thuê nhân công và đầu tư", Cote giải thích.

 

Chính phủ ngừng hoạt động cũng buộc hãng sản xuất máy bay Sikorsky Aircraft thuộc Tập đoàn United Technologies giảm sản xuất trực thăng Black Hawk. Năm ngoái, Sikorsky đã giành được hợp đồng 8,5 tỷ USD trong 5 năm để cung cấp Black Hawk cho quân đội Mỹ. Nhưng vì các điều tra viên Bộ Quốc phòng nghỉ việc quá nhiều, họ đã phải làm chậm lại quá trình sản xuất. Paul Jackson – người phát ngôn của Sikorsky cho biết: "Sikorsky chỉ có thể cầm cự nếu việc này kéo dài trong ngắn hạn mà thôi".

 

Tuy vậy, kể cả khi giải quyết được vấn đề ngân sách, các nhà làm luật cũng sẽ ngay lập tức phải lao vào cuộc chiến thứ hai về trần nợ công. Mỹ đã chạm trần nợ 16.700 tỷ USD từ tháng 5 và sẽ gần như hết sạch tiền vào giữa tháng này.