GS.TS Trần Ngọc Thơ.

GS.TS Trần Ngọc Thơ.

Chống suy thoái kinh tế, đâu chỉ cần đến tiền!

(ĐTCK) Khác với vốn tài chính (Financial Capital) mà chúng ta đang bàn đến hiện nay (6 tỷ USD tương đương khoảng 110.000 tỷ đồng) phục vụ các chương trình kích cầu, còn một nguồn vốn quan trọng nữa ít thấy ai bàn đến là vốn xã hội (Social Capital).

Vốn xã hội, theo nghĩa rộng nhất, bao hàm (1) niềm tin (trust), (2) các quy tắc (norms), (3) sự trừng phạt (sanctions), và (4) thông tin (information). Thậm chí đến mức người ta còn phát hiện ra mức độ tin cậy trong một quốc gia tăng lên có tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Khái niệm vốn xã hội vì vậy đã làm giảm đi những bất đồng quan điểm giữa các nhà hoạch định chính sách trong việc tìm ra giải pháp phi kinh tế để giải quyết các vấn đề kinh tế ít tốn kém nhất.

Phần dưới đây xin bàn đến 4 yếu tố của vốn xã hội trong việc giải quyết những bất cập của nền kinh tế nước nhà.

Niềm tin

Nói thì phải làm chứ đừng có kiểu lời nói gió bay, lâu rồi nguy hiểm vô cùng khi mà trong xã hội dần dần mọi người có thói quen mất đi niềm tin lẫn nhau - một dạng kết tinh của vốn xã hội - đối với các vấn đề thuộc về chủ trương, đường lối.

Đứng ở góc độ phát triển kinh tế, việc mất đi niềm tin cũng tương tự như việc nền kinh tế không có khả năng tạo ra yếu tố "có thể dự báo được". Khi nền kinh tế không có "khả năng dự báo", các doanh nghiệp không thể nào lập ra được các kế hoạch dài hạn. Xa hơn nữa, cũng chẳng ai dám bỏ vốn liếng ra để làm ăn.

Chính phủ hiện đang cố tìm giải pháp huy động toàn bộ nguồn lực của xã hội để chống suy thoái kinh tế, vậy thì nên nhớ điều phải làm đầu tiên là hướng đến việc tạo ra niềm tin cho toàn xã hội.

Chúng ta thấy ngay là những giải pháp chống lạm phát của Chính phủ trong những tháng giữa năm 2008 đã thành công như thế nào do nhận được niềm tin của toàn xã hội. Chỉ có niềm tin vào những giải pháp chống lạm phát quyết liệt của Chính phủ thì mọi người mới an tâm hướng đến những công việc mà mình đang theo đuổi để không tạo ra thêm những rối ren cho xã hội. Cơn sốt tỷ giá vào giữa năm 2008 dịu đi là như thế. Chẳng còn ai lo chuyện đầu cơ tiền tệ khi mà niềm tin vào chính sách và vào đồng tiền Việt Nam ngày càng tăng lên.

Thông tin

Nhưng niềm tin không bỗng nhiên mà có. Nó phải đến từ đâu chứ. Trong phạm vi bài viết, xin bàn đến yếu tố thứ hai của vốn xã hội, đó chính là thông tin.

Nhờ thông tin kịp thời về dự trữ ngoại hối quốc gia - điều mà bấy lâu ta cứ cho là bí mật quốc gia - đã giải tỏa đáng kể tâm trạng nghi hoặc của doanh nghiệp và nhà đầu tư về tiềm lực can thiệp vào thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thì ra, sau khi tính toán kỹ, thấy rằng, với lượng dự trữ ngoại hối quốc gia hơn 20 tỷ USD, với nhập siêu như thế, với chính sách quản lý ngoại hối như thế, thì sẽ khó có một cuộc tấn công tiền tệ. Tình hình lập tức dịu ngay. Nếu không thông tin kịp thời, thì dù NHNN có tung bao nhiêu tỷ USD để can thiệp vào thị trường ngoại hối cũng sẽ không thể nào giải quyết được tình hình một cách nhẹ nhàng đến thế.

Nói đến thông tin, xin bàn đến câu chuyện thị trường chứng khoán. Bây giờ người ta đầu tư không dựa vào thông tin, theo đúng với nghĩa của từ này, mà là theo tin đồn. Đồn gì mua nấy, xúi gì bán đó. Chẳng có một trật tự nào ở đây cả. Các công ty niêm yết thì thông tin còn quá nhiều bất cập, thử hỏi lấy gì làm điểm tựa cho các nhà đầu tư? Còn ở tầm vĩ mô cũng không khá hơn: Thông tin luồng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán, thông tin về việc các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư ngoài ngành nghề chính yếu là bao nhiêu? Tất cả cho đến giờ vẫn là thông tin nhiễu loạn, mỗi bộ, ngành đều có con số riêng của mình.

Thử hỏi, chỉ tính riêng những chuyện thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng, trong tầm tay của các cơ quan chức năng mà cho đến giờ vẫn chưa giải quyết được, nói gì đến những yếu tố khách quan làm cho thị trường chứng khoán rơi vào tình cảnh như hiện tại.

Quy tắc

Nguyên nhân của những bất cập về thông tin như thế còn là do chúng ta hiện đang thiếu nghiêm trọng các quy tắc, theo nghĩa rộng nhất của những gì mà chúng ta gọi là luật lệ, thể chế.

Mô hình tập đoàn đã có từ lâu mà cho đến giờ vẫn còn tranh cãi về khung pháp lý của tập đoàn. Cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát trong khi lúng túng trước việc xác định tiêu chí cắt giảm đầu tư công. Rồi gói kích cầu 6 tỷ USD chưa xác định được rõ những chi tiết kỹ thuật của nó, trong khi những thành viên soạn thảo ra gói cứu nguy kinh tế của Mỹ, trong thời gian chưa đầy một tuần, đã phải viết đến hàng trăm trang giấy mà vẫn chưa thuyết phục được các nhà lập pháp.

Một số viện dẫn như thế để cho thấy, câu chuyện nóng nhất trong năm mới là quản lý và phân bổ gói kích cầu như thế nào. Điều mà cho đến giờ còn làm cho các nhà kinh tế băn khoăn nhiều nhất vẫn là hiệu quả của gói kích cầu.

Cái lo lắng bao trùm của toàn bộ những điều minh họa ở phần trên là do chúng ta thiếu đi những quy tắc nền để từ đó có thể ứng xử nhanh chóng mỗi khi gặp phải khủng hoảng. Mỗi bộ, ngành có những quy định riêng của mình. Thế là cứ hội họp liên miên liên bộ này, liên ngành nọ để giải quyết tình hình. Riết rồi mệt mỏi lấy đâu ra hơi sức và sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành? Vì vậy, thông tin về việc một lãnh đạo bộ "khoe" trước Quốc hội là dạo này ngành mình hội họp liên miên để tìm cách giải quyết tình hình e ra lại càng làm mọi người lo nhiều hơn là phấn khởi. Đó là chưa nói đến yếu tố thời gian đã tước đi biết bao nhiêu cơ hội.

Sự trừng phạt

Những bất cập mà chúng ta bàn đến ở trên, rất ngộ nghĩnh là cho đến giờ vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Nói cách khác, chúng ta hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cái gọi là sự trừng phạt. Chúng ta vẫn còn thấy quá nhiều công ty công bố thông tin không trung thực mà vẫn chưa bị pháp luật trừng phạt, từ các công ty niêm yết công bố thông tin cho thị trường chứng khoán đến những gì mà Vedan che giấu hàng chục năm trời.

Rồi đây đến gói kích cầu của Chính phủ thì sao? Ai cũng đòi bơm tiền, trong khi chế tài thì không được nói đến. Vấn đề đặt ra là nếu như sau khi anh nhận tiền mà không hoàn thành đúng những yêu cầu như trong thỏa ước thì anh sẽ bị trừng phạt ra sao? Chúng ta phải học tập cách Mỹ ứng xử với 3 đại gia ô tô của họ mới thấy họ sử dụng gói kích thích kinh tế kèm theo sự trừng phạt là như thế nào: Đại gia nào nhận tiền từ Chính phủ mà nếu đến cuối tháng 3/2009 vẫn không đưa ra được chương trình tái cấu trúc thích hợp thì cứ việc vận dụng Điều luật thứ 11 về phá sản mà xử lý.

Lời kết

Thường khi bàn đến việc làm thế nào để chống suy thoái, ta hay nghĩ đến cần phải có bao nhiêu tiền để kích cầu vào những khu vực nào đó của nền kinh tế.

Nhưng lạm dụng quá mức đến tư duy vật chất để tìm lối thoát cho khủng hoảng, e rằng chỉ mới giải quyết vấn đề được một phần (ngọn) của nó mà thôi.

Các vấn đề thuộc về vốn xã hội nếu giải quyết được, thiết nghĩ có trị giá còn nhiều hơn cả gói kích cầu 6 tỷ USD mà Chính phủ đang hướng đến.