Chủ tịch ECB: Triển vọng nền kinh tế Eurozone sẽ khả quan hơn

0:00 / 0:00
0:00
Thái độ lạc quan thận trọng trên có được là nhờ giá năng lượng bắt đầu giảm sau khi luôn ở những mức cao trong năm ngoái vì tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.
Khách hàng chọn mua đồ tại siêu thị ở Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khách hàng chọn mua đồ tại siêu thị ở Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 19/1 dự báo nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay sẽ “tốt hơn nhiều” so với lo ngại ban đầu, với ngày càng nhiều hy vọng các nước có thể tránh khỏi một đợt suy thoái sâu.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), bà Lagarde khẳng định: “Các tin tức kinh tế đã tích cực hơn trong vài tuần qua.”

Mọi chuyện đã chuyển từ nguy cơ suy thoái trong Khu vực đồng tiền chung gồm 20 quốc gia sang “sự suy giảm nhẹ,” trong đó một số nền kinh tế lớn như Đức có thể tránh được cả nguy cơ suy thoái và suy giảm kinh tế.

Theo dự báo mới nhất của ECB, Eurozone sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023. Bà Lagarde thừa nhận: “Đây không phải là một năm tươi sáng nhưng dự báo này đã tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta lo ngại.”

Thái độ lạc quan thận trọng trên có được là nhờ giá năng lượng bắt đầu giảm sau khi luôn ở những mức cao trong năm ngoái vì tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

Mùa Đông năm nay không lạnh cũng giúp giảm những lo ngại về thiếu nhiên liệu. Chi phí năng lượng thấp hơn đã góp phần giảm lạm phát tại Eurozone, vốn đã đạt đỉnh là 10,6% trong tháng 10/2022.

Tăng trưởng giá tiêu dùng đã chậm lại trong tháng 12/2022, còn 9,2%. Đây là dấu hiệu để hy vọng rằng lạm phát cuối cùng đã đạt đỉnh và đang đi xuống.

Tuy nhiên, bà Lagarde cảnh báo lạm phát hiện vẫn “quá cao.”

ECB đã tăng lãi suất mạnh tay để kiềm chế lạm phát, từ tháng 7/2022 đã tăng tổng cộng 2,5 điểm phần trăm. Bà Lagarde tái khẳng định lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhằm đưa lạm phát về mục tiêu 2% của ECB.

Tin bài liên quan