Chuyên gia đề xuất thành lập tập đoàn phát triển hệ thống metro tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều chuyên gia đề xuất, TP.HCM nên thành lập một tập đoàn phát triển hệ thống đường sắt đô thị thì mới có khả năng xây dựng được 200 km đường sắt đô thị tại trong vòng 12 năm tới.
TP.HCM đang vận hành thử tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để khai thác chính thức vào tháng 7 năm nay - Ảnh: Lê Toàn

TP.HCM đang vận hành thử tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để khai thác chính thức vào tháng 7 năm nay - Ảnh: Lê Toàn

Ngày 16/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp thứ 4 của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 và tổ chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) tại TP.HCM.

Tại phiên họp, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu xây dựng 200 km đường sắt đô thị tại TP.HCM trong vòng 12 năm (đến 2035) là mục tiêu bất khả thi, rất khó thực hiện nếu không có cách làm mới.

Kiến trúc sư, Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, muốn làm 200 km trong 12 năm tới thì cần phải có sự đột phá về tư duy và cách làm khác so với cách làm hiện nay. Ông dẫn chứng với cách làm như hiện nay chưa mang lại hiệu quả như mong muốn nên gần 20 năm qua, Thành phố chỉ xây dựng được một tuyến tuyến metro duy nhất là Bến Thành - Suối Tiên chiều dài gần 20 km.

Từ đó, ông Sơn đề xuất TP.HCM xem xét thành lập một tập đoàn đường sắt đô thị và kết hợp mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng (TOD) là chủ đạo. Về mô hình tập đoàn này giống như một công ty cổ phần, tiếp cận theo hướng đa ngành, với những cổ đông đầu tiên sẽ là các sở, ban, ngành của Thành phố.

"TP.HCM nên thành lập một ban thực hiện dự án TOD vì Nghị quyết 98 đã trao quyền và Trung ương cũng ủng hộ Thành phố thực hiện cách làm này" ông Sơn đề xuất.

Đồng tình với phương án đổi mới cách làm, Tiến sĩ Vũ Minh Khương cũng đề xuất TP.HCM nên thành lập “liên minh hành động” với thành phần là các bộ, ngành, doanh nghiệp lớn cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện các tuyến đường sắt đô thị.

"Liên minh hành động sẽ tập hợp toàn bộ lực lượng tinh nhuệ về lĩnh vực đường sắt đô thị của cả nước để cùng đề xuất các giải pháp phù hợp phát triển đường sắt đô thị tại các đô thị lớn", ông Khương kiến nghị.

Phản hồi ý kiến đề xuất của các chuyên gia về thành lập tập đoàn phát triển đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố sẽ nghiên cứu thêm vấn đề này. Việc khi nào thành lập tập đoàn, Thành phố sẽ nghiên cứu và tham vấn các bên liên quan để có sự đồng thuận.

Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM với chiều dài hơn 200 km vào năm 2035.

Để thực hiện mục tiêu này, TP.HCM đã thành lập Tổ tư vấn và nghiên cứu Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM. Dự kiến trong quý I/2024, Thành phố sẽ hoàn thiện Đề án trình Trung ương xem xét thông qua.

Ngoài ra, Nghị quyết 98, cũng cho phép TP.HCM được phép thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) ở các nhà ga metro, nút giao Vành đai 3. Khi triển khai mô hình này sẽ là đòn bẩy thúc đẩy việc đầu tư 200 km metro trong vòng 12 năm tới.

Tin bài liên quan