Có hay không việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng vào bất động sản

Có hay không việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng vào bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước buộc phải cân nhắc việc nới room tín dụng để không ảnh hưởng lớn đến tình hình lạm phát.

Tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT RB Group cho biết, dòng vốn đang vô cùng nhức nhối với doanh nghiệp bất động sản.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực này thiếu vốn đầu vào để phát triển dự án khi kênh tín dụng khó khăn, kênh trái phiếu đang bị kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, sản phẩm bán ra trên thị trường thanh khoản cũng giảm do khách hàng không vay được được vốn ngân hàng .

“Từ tháng 4 cho đến nay, một số ngân hàng hết room tín dụng, một số dự án bán chậm hẳn, đặc biệt đối với phân khúc cần sử dụng đòn bẩy ngân hàng”, ông Ngọc nói.

Dẫu vậy, ông Ngọc cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần thích ứng với tình hình bằng cách tập trung phát triển quỹ đất có dự án ở được, có giá trị sử dụng và nhà đầu tư có thể ít sử dụng vốn vay ngân hàng. Thay vì phát triển nhiều dự án cũng một lúc nên tập trung phát triển một vài dự án đang dở dang.

Điểm đáng chú ý, bên cạnh không ít doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nên phải bán dự án để tái cấu trúc doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp có tài chính mạnh nên tranh thủ thời điểm này M&A.

“Hai năm qua thị trường bất động sản tăng mạnh. Bất động sản nhiều nơi tăng gấp đôi ba thậm chí gấp 5 - 6 lần khiến thị trường dấy lên làn sóng “sốt và nóng”. Nhưng khi thị trường có thông tin tiêu cực như siết tín dụng siết phân lô…, nhà đầu tư sẽ trở lại trạng thái dò xét, kể cả những nhà đầu tư có tiền mặt cũng sẽ chờ đợi xem thị trường biến động thế nào. Dòng vốn bất động sản tắc thì thị trường bất động sản vẫn khó khởi sắc. Thị trường 6 tháng cuối năm sẽ vẫn khó khăn cho đến khi room tín dụng được nới rộng”, ông Ngọc nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Toạ đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương siết chặt tín dụng bất động sản mà cơ quan này cảm thấy lo ngại về dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã tăng quá cao.

Tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt tới 9,35% so với đầu năm và tương đương với mức tăng 16,7% so với cùng kỳ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải cân nhắc nới room tín dụng, lựa chọn thời điểm này hay đến hết quý III, định mức nới room với tỷ lệ tín dụng chỉ khoảng 16% và không ảnh hưởng lớn đến lạm phát...

“Từ trước đến nay, có nhiều ý kiến nói Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản nhưng theo tôi là không đúng bởi ngoài việc tăng chỉ số tính tài sản rủi ro cho bất động sản lên 250% ra thì không có bất kỳ động thái ghê gớm nào. Lý do bởi, Ngân hàng Nhà nước biết rằng, thị trường bất động sản gắn bó rất mật thiết với hệ thống ngân hàng”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Nghĩa, thời điểm này, khó khăn trên thị trường bất động sản không phải là đến từ phía cầu mà từ phía cung, khi số lượng dự án ít đi và trái phiếu dành cho dự án cũng bị suy giảm đợt vừa rồi. Trong khi đó, thị trường bất động sản về nguyên tắc là "đảo nợ trái phiếu để làm dự án".

TS. Nghĩa nói: “Tín dụng trung dài hạn dành cho khu vực bất động sản thấp hơn là trái phiếu dành cho bất động sản, bên cạnh đó, ưu thế của trái phiếu bất động sản là linh hoạt hơn khi có thể tái cơ cấu, đảo nợ… Do đó, không thể nói Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng dành cho bất động sản tạo nên những lo ngại trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước hiểu rất vững chắc, thị trường bất động sản không được phép sụp đổ vì bất kỳ lý do gì, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, trong đó có hệ thống ngân hàng”.

Tin bài liên quan