Vốn cho vay bất động sản chủ yếu là trung, dài hạn nên cần kiểm soát rủi ro

Vốn cho vay bất động sản chủ yếu là trung, dài hạn nên cần kiểm soát rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với hơn 94% dư nợ bất động sản trung và dài hạn nên khó có thể tránh được rủi ro, nhất là khi nguồn vốn huy động của ngân hàng thương mại Việt Nam chủ yếu ngắn hạn.

Giảm dần vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản" mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Đào Minh Tú cho rằng, trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng vẫn phải dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, trong bối cảnh thị trường vốn, thị trường trái phiếu chưa phát triển mạnh.

Tuy nhiên, việc làm này sẽ không thể kéo dài mãi, vì nếu thị trường tiền tệ tiếp tục "gánh" cho thị trường vốn trung, dài hạn thì thị trường vốn trung, dài hạn sẽ chậm phát triển, nhưng nếu rút ngay sẽ rất khó cho các doanh nghiệp, nhất là bất động sản. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã có lộ trình giảm dần vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

“Lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong 2 năm qua đã bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Lộ trình được đưa ra trước đó là đến tháng 10/2022 sẽ giảm vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 30% theo lộ trình của Thông tư 22”, Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.

Trên thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2009 - 2011 tăng trưởng "nóng" để lại hậu quả cho ngành ngân hàng là xử lý nợ xấu trong hơn 10 năm qua chưa hết, đồng thời để lại bài học vĩ mô, bài học cho quản lý nhà nước.

Mặc dù tín dụng ngân hàng cũng chỉ là một kênh để phát triển thị trường bất động sản, nhưng theo lãnh đạo NHNN cũng phải xem xét trách nhiệm để kiểm soát rủi ro. Vì thế, chính sách của NHNN từ cuộc khủng hoảng trước đến nay là nhất quán trong việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao.

Chủ trương của NHNN là kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn cho các TCTD, không để các TCTD rơi vào tình trạng rủi ro, mất kiểm soát, yếu kém, vì một khi đỗ vỡ sẽ kéo theo hệ lụy rất nhiều.

"Có hai nguyên tắc trong điều hành của NHNN. Một là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền; hai là phải đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng", ông Tú nói thêm.

Kiểm soát rủi ro, chứ không "siết" tín dụng bất động sản

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, chính sách kiểm soát rủi ro của một số TCTD khi đầu tư vào lĩnh vực rủi ro cao phải trên nền tảng đặt mục tiêu an toàn của NHTM và mục tiêu an toàn tài chính quốc gia.

NHNN chỉ quản lý rủi ro của các NHTM khi cho vay vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là vào những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro như bất động sản kinh doanh, đầu cơ có rủi ro cao, chứ không phải kiểm soát thị trường bất động sản.

Trên thực tế, tất cả các dự án bất động sản dù lớn hay nhỏ nếu đáp ứng được điều kiện tín dụng thì ngân hàng sẽ cho vay. NHNN không khống chế các dự án lớn mà chỉ kiểm soát rủi ro của NHTM trong cho vay bất động sản đó là qua các tỷ lệ, hạn mức, quy định...

“Tôi cũng rất khuyến khích các ngân hàng thương mại xem xét để cho vay vào các dự án hiệu quả, chứ không phải là siết hay thắt, nhưng phải đảm bảo được rủi ro”, ông Tú cho biết thêm.

Phó Thống đốc Tú cũng nhấn mạnh, các chuyên gia dùng từ siết tín dụng bất động sản là chưa chuẩn. NHNN chưa có văn bản nào nói "siết", hay "thắt" với lĩnh vực này.

NHNN khuyến khích tín dụng vào nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... Ngoài ra, chương trình hỗ trợ 2% lãi suất dành cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ... do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất danh mục.

Ông Tú khẳng định, NHNN từ trước đến nay là kiểm soát chặt rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn. Bất động sản là đối tượng cần kiểm soát chặt chẽ, tín dụng vào kinh doanh các dự án thuộc phân khúc khu nghỉ dưỡng, dự án có tính đầu cơ, lũng đoạn giá.

Tính đến giữa tháng 4/2022 tín dụng bất động sản đạt hơn 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, tăng nhanh hơn so với cùng kỳ.

Tổng dư nợ bất động sản chiếm 19,16% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, trong đó dư nợ tín dụng vào phân khúc cần kiểm soát chặt chiếm 1/3, đạt 785.000 tỷ đồng, còn lại các ngân hàng thương mại vẫn tạo điều kiện, khuyến khích cho vay bình thường có tổng mức dư nợ hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương với 2/3 tổng dư nợ tín dụng bất động sản.

Thực tế, trong 100 đồng tín dụng của ngân hàng có đến 20 đồng là dư nợ bất động sản nên theo ông Tú: "Làm sao NHNN không quan tâm được".

Tin bài liên quan