Đại sứ Bùi Thế Giang: Ngoại giao cây tre đã gắn liền với Việt Nam hàng ngàn năm, nay được nâng lên thành lý luận - Chương 3:

0:00 / 0:00
0:00
Chia sẻ về ngoại giao cây tre, Đại sứ Bùi Thế Giang nghĩ rằng, chữ “tre”, “cây tre”, “lũy tre”… luôn luôn gắn với văn hóa Việt Nam, với lịch sử Việt Nam, với con người Việt Nam và trong đó có cả ngoại giao Việt Nam trong hàng ngàn năm nay. Khi nói đến ngoại giao cây tre là nói đến tính đoàn kết, tính cộng đồng của dân tộc Việt Nam nói chung và của những người làm đối ngoại và ngoại giao Việt Nam nói riêng.

Ngoại giao cây tre đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 năm 2016. Tuy nhiên, tại Hội nghị Đối ngoại lần thứ nhất vào năm 2021, cũng là năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát một cách rất đậm nét về trường phái Ngoại giao cây tre. Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao thứ 32 năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc đến trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam. Xin ông phân tích về ý nghĩa và tầm quan trọng của trường phái ngoại giao này đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Nói về trường phái ngoại giao cây tre, tôi muốn bắt đầu bằng việc trả lời tại sao lại chọn cây tre làm trường phái ngoại giao của Việt Nam? Tôi nghĩ ít nhất đến hai điều.

Một là, mặc dù thế giới, nhất là khu vực nhiệt đới, có cả tre, trúc, vầu, nhưng cây tre Việt Nam rất độc đáo, rất riêng. Tôi nghĩ, chữ “tre”, “cây tre”, “lũy tre”… luôn luôn gắn với văn hóa Việt Nam, với lịch sử Việt Nam, với con người Việt Nam và trong đó có cả ngoại giao Việt Nam trong hàng ngàn năm nay. Không phải chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta mới phát huy ngoại giao cây tre. Nếu đọc lại lịch sử, hẳn ai cũng sẽ thấy, ngày trước, khi đi sứ ở nước người, các cụ ngoại giao ngày xưa của chúng ta quá giỏi, và các cụ thực sự là điển hình của ngoại giao cây tre. Ấy là chưa kể đã là người Việt Nam, nhất là thế hệ của tôi, tôi tin rằng, không một ai không biết đến bài “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới. Và đặc biệt vừa rồi, khi Tổng Bí thư nêu ra trường phái ngoại giao cây tre, thì người ta càng tìm đọc bài này nhiều hơn.

Hai là, nói hàng ngàn năm như vậy, nhưng phải đến tận thời gian vừa rồi, hình bóng, tính chất, khí chất của cây tre mới được nâng tầm, nâng thành lý luận, nâng thành trường phái để đặt tên cho nền ngoại giao - đối ngoại của Việt Nam.

Tại sao ngoại giao cây tre lại dẫn đến thành công lớn hàng ngàn năm và trong thời gian vừa rồi rất xuất sắc, đặc biệt là trong 3 năm vừa qua, như tôi vừa nói về kết quả của đối ngoại và ngoại giao? Tôi nghĩ rằng, có được những thành công ấy chính là nhờ việc ngoại giao cây tre được xây dựng, được thực hiện trên cái nền của đường lối đối ngoại đúng đắn mà cái lõi như tôi vừa chia sẻ, chính là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia. Và nó phải đi cả một quá trình, cả một chuỗi rất dài mà Đại hội Đảng bằng ấy năm, bằng ấy kỳ, chúng ta mới đi được đến những kết luận như bây giờ. Để làm được những việc đó, chúng ta phải vừa kế thừa cái cũ, vừa nâng tầm cái mới, vừa giữ được cái lõi, cái nền của nó nhưng lại vừa nâng lên linh hoạt, điều chỉnh trong những diễn biến cụ thể.

Nói về trường phái ngoại giao cây tre, đúng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên nêu ra từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016. Đến Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm 2018, mặc dù Tổng Bí thư không nói trực tiếp, không đặt tên hay gọi chữ “cây tre”, nhưng bản chất của ngoại giao cây tre vẫn được Tổng Bí thư nhắc rất rõ ràng, đầy đủ ở Hội nghị Ngoại giao 30 đó với khẳng định: Ngành ngoại giao và đối ngoại phải tranh thủ và tận dụng tối đa cơ hội; phải kiểm soát và hóa giải các thách thức; phải ứng phó tốt với những chuyển biến với bên ngoài; và đặc biệt phải nhớ lời của Cụ Hồ là mọi việc thành công bởi chữ “đồng”.

Ngoài ra, Tổng Bí thư còn nói ở Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 câu: “Kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại”. Tổng Bí thư nhắc nhiều lần câu Cụ Hồ dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi lên đường đi Pháp dự Hội nghị Fontainebleau là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đây là câu dặn dò cực kỳ chuẩn. Và đặc biệt, cụ thể hóa nó, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Tổng Bí thư đã nói đến trái tim nóng và cái đầu lạnh. Tổng hợp lại, tôi thấy rõ ràng, đó là bản chất của trường phái ngoại giao cây tre.

Đến Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, được tổ chức ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên, nên Hội nghị này không nói gì nhiều hơn về lý luận, mà chỉ tập trung triển khai tinh thần của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc. Có như vậy là vì chính tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên cuối năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định về sự hình thành và sự phát triển của trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam, trong đó Tổng Bí thư dùng mấy cụm từ rất cô đọng, rất chắc chắn là: “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.

Tôi nghĩ rằng, đấy là những câu nói lên được sâu sắc nhất, đầy đủ nhất và cô đọng nhất về bản chất của ngoại giao cây tre Việt Nam. Và chính trên cái nền ấy, ở Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa rồi, Tổng Bí thư còn nói cụ thể hơn đến đặc trưng của ngoại giao cây tre là kiên định nguyên tắc, là uyển chuyển về sách lược, là mềm dẻo, là khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt.

Tổng Bí thư có nói rằng: “Linh hoạt, sáng tạo, nhưng bản lĩnh, vững vàng trong mọi thách thức, trong mọi khó khăn vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì đoàn kết nhân ái, nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”. Đấy là những cụm từ mà tôi quy lại trong bài phát biểu của Tổng Bí thư ở Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, để làm rõ hơn phương châm, đặc trưng của trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam.

Thưa ông, trong bối cảnh trong khu vực và trên thế giới đang chứng kiến cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, “Ngoại giao cây tre Việt Nam” đã và đang được sử dụng như thế nào để có thể bảo vệ tối đa lợi ích đất nước, trong lúc vẫn làm bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia?

Nếu đặt trong bối cảnh của tình hình thế giới phức tạp hiện nay, cá nhân tôi nghĩ đến một khía cạnh mà có thể ai ai cũng đều nghĩ là đương nhiên, nhưng tôi thì muốn nói hẳn ra thành một điểm khác biệt, điểm đặc sắc của ngoại giao cây tre, đó là tính tập thể, tính cộng đồng của cả bụi tre, cả luỹ tre, cả rặng tre. Bản thân cây tre dẻo dai, gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển rồi, nhưng khi nó là cả một bụi tre, cả một lũy tre, cả một rặng tre thì sức mạnh tổng hợp của nó là rất lớn. Và vì vậy, tôi nghĩ rằng, khi nói đến ngoại giao cây tre là nói đến tính đoàn kết, tính cộng đồng của dân tộc Việt Nam nói chung và của những người làm đối ngoại và ngoại giao Việt Nam nói riêng.

Thưa ông, hình tượng “cây tre Việt Nam” đã phản ánh sinh động, nhưng rất giản dị, dễ hiểu về những nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng ta. Ngoại giao cây tre đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong bối cảnh phức tạp và khó lường của thế giới. Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, quan điểm của Việt Nam là chưa rõ ràng. Nên nhìn nhận thế nào về luồng ý kiến này?

Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về sự rõ ràng của ngoại giao Việt Nam, của đối ngoại Việt Nam. Và nếu bây giờ gọi nó bằng đúng tên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là ngoại giao cây tre, tôi cũng chưa bao giờ nghi ngờ gì về sự rõ ràng của trường phái ngoại giao cây tre đó cả. Làm sao có thể bảo nó không rõ ràng, khi mà cái nền của nó rất rõ ràng, bất di bất dịch. Tôi xin nhắc lại lần nữa, cái nền đó là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia. Đấy là bất di bất dịch. Lợi ích quốc gia, dân tộc là bất di bất dịch. Tôn trọng nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi là bất di bất dịch.

Trong một thế giới đa cực, thế giới đơn cực hay lưỡng cực mà trong đó các nước lớn - các “cực” - tranh giành nhau, dường như nước nào cũng lôi kéo, dường như nước nào cũng gây sức ép, thậm chí có nước còn hù dọa những nước nhỏ hơn, yếu hơn, thì chúng ta đã “không chọn bên nào”. Chúng ta đã đứng vững được trên những nguyên tắc mà tôi vừa nêu, dám nghĩ một cách độc lập và làm điều mình nghĩ là đúng, chứ không phải chạy theo ai đó dọa dẫm, hoặc muốn lôi kéo, dám bảo đảm được chủ quyền, dám giữ vững được toàn vẹn lãnh thổ, dám giữ được thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc.

Ngoài ra, văn kiện Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã nêu rõ chúng ta không chọn con đường chỉ theo đuổi lợi ích quốc gia, dân tộc một chiều, cực đoan. Chúng ta vẫn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất, nhưng trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, trên cơ sở bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi.

Tôi hiểu rằng, trên thế giới này, không nước nào không vì lợi ích của mình. Trung Quốc không là ngoại lệ, Mỹ không là ngoại lệ, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu ai đó chỉ chạy theo lợi ích quốc gia, dân tộc của riêng mình mà làm ngơ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cậy tôi là mạnh, cậy tôi là giàu, cậy tôi là có sức ép lớn, cậy tôi là có khả năng lôi kéo nhiều mà áp đặt cho tất cả các quốc gia khác thì thế giới này sẽ là thế giới của ai?

Với cách tiếp cận ấy, chúng ta đã chọn một điều rất rõ ràng với thế giới là đặt quốc gia, dân tộc trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, chúng ta cũng xác định rõ ràng là thực hiện lợi ích quốc gia, dân tộc ấy theo tinh thần và trên nguyên tắc hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. “Hợp tác” nghĩa là phải hai chiều, phải có đi có lại. “Bình đẳng” nghĩa là phải đứng ngang nhau, tôn trọng nhau.

Như vậy, ngoại giao cây tre của Việt Nam, đường lối đối ngoại và ngoại giao của chúng ta cho tới nay và đặc biệt trong thời gian hiện nay là cực kỳ rõ ràng, không có gì là không rõ ràng cả. Nó rất cụ thể, rất có nguyên tắc và rất đúng phương châm mà chúng ta đã tuyên bố, rằng chúng ta là bạn, là đối tác tin cậy chứ không chỉ là đối tác bất kỳ, là thành viên có trách nhiệm, chứ không chỉ là một thành viên bất kỳ của cộng đồng quốc tế.

Tôi nghĩ rằng, đây là những điều chúng ta chưa bao giờ không rõ ràng và nó phản ánh một cách rất cụ thể và rõ ràng khẩu hiệu mà Cụ Hồ đã nói từ năm 1947, đến ngày hôm nay, tôi nghĩ vẫn rất thời sự là Việt Nam “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Tất cả những điều tôi vừa nêu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam chính là phản ánh, là cụ thể hóa điều này và hiện đại hóa nó trong bối cảnh của thế giới hiện nay.

Theo ông, năm 2024 và những năm tiếp theo, trường phái ngoại giao cây tre của Việt Nam sẽ tiếp tục được áp dụng và triển khai như thế nào trong thời gian tới?

Cái nền có rồi. Đường hướng mà Đại hội XIII có rồi. Đặc biệt, từ Đại hội XII, văn kiện Đảng đã bắt đầu dùng ba cụm từ này khi nhận định về tình hình thế giới và khu vực: Diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường.

Tôi là người rất có ý thức cẩn trọng, chặt chẽ khi sử dụng câu chữ, cho nên từ lúc đọc ba cụm từ này trong văn kiện Đại hội XII và Đại hội XIII khi nhận định về tình hình thế giới và khu vực, thì tôi chưa bao giờ vượt qua được qua ba cụm từ này. Nhìn tới năm 2024, tôi dự cảm đây cũng sẽ là năm đầy thách thức, đầy những “diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường” với cả thế giới, với cả khu vực và với cả chúng ta.

Ở cấp độ thế giới, trong những tháng vừa rồi, ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã bày tỏ rất lo lắng về mấy việc, trong đó nổi lên hai việc. Một là, ở tầm vĩ mô, tầm toàn cầu, ông ấy lo là 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc sẽ không được thực hiện đầy đủ. Hai là, về những điểm nóng hiện hữu và điểm nóng tiềm năng ở nhiều nơi.

Về điểm nóng hiện hữu, ví dụ cuộc chiến Nga-Ukraine chưa biết bao giờ mới kết thúc; và cuộc chiến Israel-Hamas có lẽ sẽ còn loang rộng ra hơn và kéo dài hơn. Còn điểm nóng tiềm năng thì ngay ở khu vực châu Á, khu vực Đông Á, tình hình biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên, rồi những diễn biến xung quanh Đài Loan đều đang diễn ra phức tạp. Nói đây là những điểm nóng tiềm năng, nhưng cảm nhận của tôi là những điểm này hiện nay thực tế đã nóng rồi. Chỉ cần nếu có ai đó hành xử vô trách nhiệm, chỉ cần nếu có ai đó tham vọng quá lớn, để tham vọng che mờ con mắt thì chắc chắn xung đột sẽ bùng nổ ở khu vực này, lôi kéo không chỉ hai bên nào đó tham gia.

Trong bối cảnh của năm 2024, nói loáng như vậy thôi, cũng đủ để thấy rằng ngoại giao cây tre của chúng ta, đối ngoại cây tre của chúng ta lại càng phải được quán triệt đầy đủ và được thực hiện một cách nghiêm túc bởi tất cả, không chỉ cán bộ đối ngoại, không chỉ cán bộ ngoại giao, mà một khi người người, nhà nhà, ngành ngành, nghề nghề và địa phương nào cũng làm đối ngoại, thì cá nhân tôi tin rằng mấy điều sau đây phải được quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ.

Một là, phải giữ vững nguyên tắc, giữ cho được cái nền của đối ngoại và ngoại giao Việt Nam như tôi đã đề cập hồi nãy.

Hai là, phải linh hoạt, phải uyển chuyển và nhằm mục tiêu cuối cùng mà - như tôi bình luận hồi nãy là văn kiện Đại hội XIII đã nêu một cách đầy đủ rõ ràng và chính xác nhất về câu chữ - là: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi”. Đấy phải là mục tiêu tối hậu của tất cả những suy nghĩ và hành động trong đối ngoại, không chỉ năm 2023 hay 3 năm vừa rồi, cũng không chỉ trong năm 2024 tới này. Chỉ có như thế thì Việt Nam mới có cơ sở để vững vàng và làm được hai việc mà văn kiện Đại hội Đảng đã yêu cầu và cũng là hai việc mà cả ngành đối ngoại, ngành ngoại giao và cả nước đã làm một cách thành công trong thời gian qua. Đó là giữ vững cho được môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước; và kiên quyết, kiên trì bảo vệ cho được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước.

Hòa bình là khát vọng chung của nhân loại, của mỗi dân tộc. Trong bối cảnh xung đột leo thang hiện nay, ông gửi gắm mong ước gì hòa bình, hữu nghị nhân Xuân Giáp Thìn 2024?

Tôi vừa nhắc đến những khó khăn, thách thức lớn trên thế giới và đặc biệt là sự lo lắng của ông Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres. Với tư cách là một người đã từng công tác ở Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tôi chia sẻ những băn khoăn, lo lắng đó của ông António Guterres.

Tôi mong rằng ước vọng của nhân loại về hòa bình và hữu nghị sẽ thắng thế ở những nơi đang có xung đột hoặc có nguy cơ tiềm năng xảy ra xung đột. Tôi cũng mong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) do toàn thể cộng đồng thế giới này, với đầy đủ toàn bộ 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam ta, chung tay xây dựng nên sẽ được sự quan tâm thật sự của lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, lãnh đạo của các tổ chức quốc tế và khu vực, để rồi 17 Mục tiêu đó sẽ được thực hiện một cách đầy đủ, đem lại lợi ích, đem lại phúc lợi cho nhân loại và đem lại hòa bình và hữu nghị cho thế giới này.

Đối với nước ta, ngày xưa khi năm hết Tết đến, bao giờ các cụ cũng làm lễ cầu “quốc thái, dân an”. Cá nhân tôi chỉ mong làm sao đất nước chúng ta luôn thái bình. Tôi cũng mong trong bối cảnh diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực như nhận định của Đại hội Đảng, các nhà lãnh đạo của chúng ta tiếp tục có bản lĩnh và trí tuệ để chèo lái, để đưa con tàu đất nước tiếp tục đi lên. Tôi cũng mong mọi người dân chúng ta đồng sức, đồng lòng, chung tay với nhau, đoàn kết với nhau, không để xảy ra bất kỳ một sự việc đáng tiếc nào trong trật tự, an ninh xã hội, để tất thảy mọi người, mọi ngành, mọi địa phương có thể dồn sức vào xây dựng đất nước.

Đối với cán bộ đối ngoại và ngoại giao, tôi mong tất cả những cá nhân, những cơ quan, những đơn vị làm đối ngoại và ngoại giao thật sự tận tâm, tận lực đóng góp vào nỗ lực chung của cả nước, để rồi chúng ta có thể thực hiện được mong ước của Cụ Hồ đã nói trong một bài thơ thời chiến tranh mà ai ai thuộc thế hệ tôi cũng đều biết và nhớ, đó là “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”, cứ năm sau tốt hơn năm trước.

Đại sứ Bùi Thế Giang trò chuyện với tác giả Hồ Hạ (Báo Đầu tư) tại tư gia. (Ảnh: Chí Cường)

Đại sứ Bùi Thế Giang trò chuyện với tác giả Hồ Hạ (Báo Đầu tư) tại tư gia. (Ảnh: Chí Cường)

(HẾT)

Tin bài liên quan