Hai phương án đầu tư cầu Cần Thơ 2

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 vượt sông Hậu không chỉ kết nối tỉnh Vĩnh Long và TP. Cần Thơ, mà còn là mảnh ghép cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Sơ đồ 2 phương án kết nối đầu tuyến Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Sơ đồ 2 phương án kết nối đầu tuyến Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Nhiệm vụ “kép”

Sau tròn 2 năm được giao nhiệm vụ, giữa tuần trước, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có Tờ trình số 2109/PMUMT-KHTH đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu chính là mảnh ghép cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT.01) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Việc đầu tư xây dựng mới cầu Cần Thơ 2 còn góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông (cảng hàng không, cảng sông, cảng biển...) trên địa bàn các tỉnh, thành phố Vĩnh Long, Cần Thơ và Cà Mau.

Bên cạnh đó, cầu Cần Thơ 2 rất có thể đảm nhận nhiệm vụ “kép”, vừa là cầu đường bộ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vừa là cầu đường sắt quan trọng của tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Đây là những lý do khiến việc triển khai nghiên cứu sớm đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 là rất cấp thiết, nhằm đồng bộ và thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau (tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ đã thông xe cuối năm 2023 và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang thi công, dự kiến thông xe vào cuối năm 2025).

Theo kết quả nghiên cứu của Liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (Tedi) và Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (Tedis), Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu có điểm đầu kết nối với nút giao Chà Và là điểm cuối Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ phía tỉnh Vĩnh Long (khoảng Km129+177 - CT01); điểm cuối kết nối với nút giao IC2 (giao với đường nối Quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu) và cũng là điểm đầu của Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau (khoảng Km146+377 - CT01).

Tổng chiều dài nghiên cứu Dự án khoảng 17,2 km, trong đó phần đường dẫn và cầu dẫn phía Vĩnh Long dài 11,9 km (thuộc địa phận các phường Bình Minh, Cái Vồn và Đông Thành); phần cầu chính dài khoảng 1,1 km; phần cầu dẫn và cầu cạn phía Cần Thơ dài 4,2 km (thuộc địa phận phường Hưng Phú).

“Điểm nhấn quan trọng nhất tại Dự án là cầu Cần Thơ 2 vượt luồng chính sông Hậu. Cầu có quy mô 6 làn xe, dự kiến nhịp chính dài 450 m, có kết cấu cầu dây văng”, ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.

Hai phương án đầu tư

Trong bước nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu, Liên danh tư vấn Tedi - Tedis nghiên cứu phương án xây dựng cầu chính Cần Thơ độc lập và phương án xây dựng cầu chính Cần Thơ kết hợp cầu đường bộ và cầu đường sắt.

Đối với phương án I - xây dựng cầu đường bộ và đường sắt đi độc lập, đơn vị tư vấn đề xuất, sau khi vượt qua phạm vi nút giao Chà Và, tuyến sẽ rẽ trái vào vị trí cầu Cần Thơ 2 để vượt sông Hậu (cầu Cần Thơ 2 nằm ở hạ lưu, cách cầu Cần Thơ hiện hữu khoảng 4,5 km). Cầu đi song song về phía bên trái cách tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ quy hoạch tại trục đường 1A khoảng 280 m.

Sau khi vượt sông Hậu vào địa phận phường Hưng Phú, TP. Cần Thơ, tuyến tiếp tục bám theo tim quy hoạch song song với các đường trục 3A đi trên cao để vượt qua khu vực quy hoạch công nghiệp Hưng Phú và đô thị Nam Cần Thơ. Điểm cuối tuyến sẽ kết nối với nút giao IC2 điểm đầu Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau.

Với phương án II - cầu đường bộ kết hợp đường sắt, hướng tuyến cầu dẫn phía Vĩnh Long tương tự phương án I, nhưng cầu đường bộ sẽ đi trùng tim với đường sắt TP.HCM - Cần Thơ quy hoạch (đường bộ trên tầng 2, đường sắt tại tầng 1).

Sau khi vượt sông Hậu vào địa phận phường Hưng Phú (TP. Cần Thơ), tuyến bám theo tim quy hoạch các trục đường 1A đi trên cao để vượt qua khu vực quy hoạch công nghiệp Hưng Phú và đô thị Nam Cần Thơ.

Ước tính, tổng kinh phí xây dựng phương án cầu đường bộ cao tốc và đường sắt đi độc lập là 33.989 tỷ đồng (trong đó riêng cầu đường sắt cần tới 9.724 tỷ đồng), lớn hơn so với phương án cầu đường bộ kết hợp với đường sắt là 6.339 tỷ đồng.

“Nếu được cấp có thẩm quyền cho phép, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với thời gian khởi công dự kiến là năm 2026, hoàn thành cơ bản công trình vào năm 2030”, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất.

Tin bài liên quan