Dự án địa ốc tái khởi động, doanh nghiệp sơn mừng thầm

Dự án địa ốc tái khởi động, doanh nghiệp sơn mừng thầm

(ĐTCK) Tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát, nền kinh tế, thị trường xây dựng, địa ốc hoạt động bình thường trở lại, là những tín hiệu vui cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và ngành sơn nói riêng.

Nhiều tin vui

Sau giãn cách xã hội, sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất sơn mừng thầm. Các doanh nghiệp sơn trong và ngoài nước bước vào cuộc chạy đua với các sản phẩm ngày càng đa dạng về chủng loại, tính năng, màu sắc để thu hút khách hậu Covid-19.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dù chưa đẩy mạnh  sản xuất như trước thời điểm có dịch, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất sơn đã có động thái “nhá hàng” hoặc “bung thông tin” về các sản phẩm mới để thăm dò thị trường. Trong đó, một số doanh nghiệp có sản phẩm khá đặc sắc, kỳ vọng sức mua sẽ đột phá ở giai đoạn mà cả nguồn cung lẫn sức mua bị “nén” khá lâu trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam, trong giai đoạn giãn cách xã hội, thị trường bất động sản gần như đứng im. Tuy nhiên, ngay khi Thủ Tướng ban hành chỉ đạo gỡ bỏ giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đã từng bước quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Có thể nói, đến giữa tháng 5/2020, mọi hoạt động gần như đã trở lại như trước Tết Nguyên đán, trong đó nổi bật là hoạt động của thị trường bất động sản TP.HCM.

Còn theo đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, sơn là thị trường ăn theo thị trường xây dựng, thị trường bất động sản. Do đó, khi 2 thị trường này khởi động trở lại, cũng là lúc ngành sơn chuẩn bị các kế hoạch, phương án kinh doanh của mình.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại sơn của nhiều hãng khác nhau với mức giá rất đa dạng, từ 200.000 đồng đến hơn 6 triệu đồng/thùng tùy chất lượng, thể tích.

Chẳng hạn, Hãng sơn Jotun đưa ra sản phẩm sơn chống phai màu (Jotashield) có mức giá từ gần 400.000 đồng đến hơn 6 triệu đồng/hộp thùy theo trọng lượng. Với sơn phủ nội thất của hãng Mykolor ở các màu và chất lượng khác nhau cũng có giá từ 500.000 đến hơn 3 triệu đồng/hộp tùy trọng lượng. Sơn phủ ngoài Kova với hai loại trọng lượng 4 kg và 20 kg có giá từ gần 600.000 đền đến hơn 2 triệu đồng/hộp tùy trọng lượng…

Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Quang Thái, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Thương mại Vivatex Việt Nam, chuyên kinh doanh các loại sơn cho biết, mặc dù hơi muộn so với mọi năm, nhưng lúc này thị trường sơn đã vào mùa trở lại với nhiều lợi thế. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường địa ốc có dấu hiệu phát triển trở lại, thời tiết cũng vào mùa nắng, nền kinh tế hoạt động trở lại, là cơ hội để thị trường sơn lấy lại những gì đã mất. Hiện tại, lượng tiêu thụ của thị trưởng đạt khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiết lộ với phóng viên, đại diện hãng sơn 4Oranges cũng cho biết, sau khi giãn cách xã hội kết thúc, thị trường bất động sản, thị trường xây dựng đã phát triển trở lại. Riêng phân khúc xây dựng nhà dân có đặc thù là do người dân chọn năm xây dựng theo tuổi, đã chuẩn bị về tài chính, vật tư và dự định qua Tết Âm lịch sẽ có một đợt khởi công, nhưng do dịch bệnh nên phải hoãn lại. Nay dịch bệnh được khống chế, nhiều người bắt đầu khởi động việc xây nhà, nên lượng tiêu thụ sơn tại phân khúc thị trường này tốt hơn các dự án bất động sản.

Với lượng xây dựng nhà dân hiện nay đạt khoảng 85% so với cùng kỳ năm trước, lượng tiêu thụ chung của thị trường sơn cũng đạt khoảng 65 - 70%.

Cuộc cạnh tranh nội - ngoại

Tại Việt Nam có khoảng hơn 600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sơn. Đặc biệt, hầu hết các hãng sơn lớn của thế giới đều đã xuất hiện tại Việt Nam, khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường ngày càng sôi động.

Theo đại diện Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, thị trường sơn Việt Nam được chia làm 4 phân khúc. Phân khúc cao cấp bao gồm những công ty đến từ nước ngoài như Nhật, Mỹ hoặc Anh, chiếm 35% thị trường. Nhóm thứ 2 là các thương hiệu trung bình khá đến từ châu Á, chiếm 25% thị trường. Nhóm trung bình thấp chiếm 15% thị trường với các thương hiệu nhỏ. Nhóm còn lại là các cơ sở sản xuất nội địa, phục vụ cho các khách hàng thu nhập thấp, chiếm 25% thị trường.

Dự án địa ốc tái khởi động, doanh nghiệp sơn mừng thầm ảnh 1

Nhiều hãng sơn đã tiến hành các chiến dịch kinh doanh để đón đầu mùa kinh doanh hậu Covid-19

Nếu xét về tiềm năng, thì ngành sơn còn nhiều cơ hội và cơ hội rất lớn để phát triển. Song với số lượng khoảng 600 doanh nghiệp, sự cạnh tranh trên thị trường là rất gay gắt và ưu thế nghiêng về các doanh nghiệp ngoại. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong nước đã phải rời cuộc chơi vì không cạnh tranh nổi với những tên tuổi lớn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự chuyển mình mạnh mẽ của các hãng sơn nội địa như Vivatex Việt Nam, S’Hà Nội, Kova, Galaxy, Đại Bàng…, đang dần lấy lại thế cân bằng cho các doanh nghiệp nội.

“Chỉ tiêu doanh số năm nay đặt 100% như kế hoạch ban đầu sẽ rất khó cho các doanh nghiệp, nhưng với những tín hiệu vui từ việc khống chế dịch bệnh thành công, nền kinh tế và thị trường bất động sản khởi sắc, các doanh nghiệp sẽ đạt 90 - 95% kế hoạch năm. Vivatex Việt Nam cũng vậy, với doanh số 150 tỷ đồng trong năm nay, chúng tôi tin chắc sẽ hoàn thành trên 90% kế hoạch này”, ông Thái cho biết.

Trong khi đó, tiết lộ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện hãng sơn 4Oranges cho biết, với mức đầu tư, tiềm lực của Công ty, cộng với tín hiệu tốt từ nền kinh tế, thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, Hãng sẽ đạt 100% kế hoạch kinh doanh của năm.

Ông Trần Tiến Bảy, CEO Công ty cổ phần Hóa chất Sơn Hà Nội cho biết: “Thị trường sơn ngày càng cạnh tranh khốc liệt, điều này đòi hỏi chúng tôi liên tục đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm để phục vụ tốt nhất nhu cầu của thị trường. Bằng chiến lược phát triển bền vững, sự thấu hiểu nền khí hậu Việt Nam, cùng mong muốn mang đến những điều tốt nhất dành cho người tiêu dùng Việt, Công ty đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất số 1 thế giới để cho ra đời các dòng sản phẩm mới chất lượng cao cấp, đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc”.

Theo ông Thái, các doanh nghiệp ngoại có lợi thế về thương hiệu và chiến dịch truyền thông. Hơn nữa, sơn ngoại lại có thể bao phủ đủ chủng loại, nhưng không vì thế mà sơn nội bị lép vế hoàn toàn. Với ưu thế về giá thành cạnh tranh, khả năng thấu hiểu sự đặc thù của khí hậu, các doanh nghiệp nội có nhiều cơ hội để gia tăng sự đa dạng của sản phẩm, tăng sản lượng và doanh số.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường còn rất nhiều tiềm năng, con số doanh nghiệp nội tham gia vào thị trường tăng lên đang góp phần củng cố cho khối nội đón đầu tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng không ngừng đầu tư, mở rộng thị trường và không ít doanh nghiệp đã sớm “gặt trái ngọt”.

“Hiện tại, các doanh nghiệp sơn bắt đầu chiến dịch quảng cáo, chạy chương trình, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Với Vivatex Việt Nam, chúng tôi đang tiến hành mở rộng phạm vi các nhà phân phối, chạy các chuyên trình cam kết, các gói khuyến mại. Với các nhà phân phối cam kết bán hàng theo các mức đạt tược từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ có các phần thưởng tương ứng là một chiếc ô tô tương đương với doanh số bán hàng cam kết. Phần thưởng cao nhất là ô tô trên 1 tỷ đồng”, ông Thái cho hay.

Bên cạnh nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, việc bảo vệ sức khỏe người dùng cũng được các doanh nghiệp sơn chú trọng thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu cho ra các sản phẩm mới thân thiện với môi trường, thiết lập tái định vị hệ thống nhận diện thương hiệu, công nghệ bao bì và quản lý nguồn gốc sản phẩm hiện đại…. Điều này hứa hẹn đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thị trường sơn nói chung.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan