Fed thay đổi quan điểm về lạm phát, chu kỳ tăng của thị trường đã chấm dứt?

Fed thay đổi quan điểm về lạm phát, chu kỳ tăng của thị trường đã chấm dứt?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu đã biến động tiêu cực vào thứ Hai (21/6) khi nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với các quan điểm mới về lạm phát và của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Bất chấp phố Wall đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch đầu tuần mới (21/6), nhưng những lo ngại vẫn chưa thể qua với nhà đầu tư sau tuần giao dịch tồi tệ trước đó.

Tuần trước, phố Wall đã có tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020 sau những phát biểu của các quan chức Fed liên quan đến chính sách lãi suất và quan điểm về lạm phát.

Cụ thể, trong cuộc họp báo sau cuộc họp kéo dài 2 ngày hôm thứ Tư (16/6), Chủ tịch Fed Jerome Powell báo hiệu rằng, Fed có thể tăng lãi suất để chế ngự lạm phát sớm hơn các nhà đầu tư dự kiến.

Tiếp đó, hôm thứ Sáu (18/6), Chủ tịch Cục Fed bang St. Louis James Bullard cũng cho biết, ông kỳ vọng lãi suất sẽ được nâng lên vào cuối năm 2022, sớm hơn dự báo của Fed.

Sự thay đổi lập trường của Fed đã khiến các nhà đầu tư đồng loạt bán ra cổ phiếu, nhất là các cổ phiếu gắn với tăng trưởng kinh tế như vật liệu xây dựng và ngân hàng.

Các chiến lược gia tại Credit Suisse cho biết, sự thay đổi quan điểm theo hướng diều hâu của Fed đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Nhận xét về thị trường chứng khoán Mỹ hiện tại, Morgan Stanley cho biết, năm 2021 bắt đầu khá giống với năm 2004. Đây là một năm có thể cung cấp manh mối cho các nhà đầu tư về những gì sẽ xảy ra trong những tháng tới.

Andrew Sheets, chiến lược gia tài sản của Morgan Stanley cho biết, sau khi suy thoái kinh tế Mỹ kết thúc vào năm 2001, "tình trạng bất ổn sâu sắc" kéo dài cho đến năm 2003 khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến đỉnh điểm và thị trường chứng khoán đi xuống. Sau đó thị trường bước vào đợt phục hồi và đợt phục hồi này là “giai đoạn đầu chu kỳ cổ điển”, với hiệu suất mạnh mẽ ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cổ phiếu chu kỳ, hàng hóa trong khi mức lạm phát bình quân cao.

Ông cho biết, có những điểm tương đồng giữa việc định giá vào thời điểm đó và ngày nay, nhưng hiện nay có nhiều điểm bất thường hơn.

Cụ thể, tỷ lệ P/E dự phóng của cổ phiếu toàn cầu ở thời điểm năm 2004 là 17 lần, trong khi hiện nay là 20 lần. Tỷ lệ lạm phát bình quân 10 năm của Mỹ ở thời điểm 2004 là 2,30%, còn hiện là 2,26%, trong khi chỉ số đo lường nỗi sợ hãi VIX ở mức 15 vào đầu năm 2004 so với 18 tại thời điểm hiện tại. Chỉ số USD ở mức 87 vào ngày 1/1/2004, còn hiện tại đang ở mức 92.

Theo đó, tăng trưởng và lạm phát trong năm 2004 đều tăng cao hơn và thị trường đều thay đổi khi nền kinh tế phục hồi. Cổ phiếu nhóm năng lượng, tiện ích, công nghiệp và ngành thiết yếu là những lĩnh vực hoạt động tốt nhất trên toàn cầu, trong khi cổ phiếu nhóm dịch vụ truyền thông, chăm sóc sức khỏe, vật liệu và công nghệ có hiệu suất kém nhất. Tóm lại, năm 2004 đại diện cho một thị trường ở giữa chu kỳ hơn là sau một đợt phục hồi mạnh mẽ ở đầu chu kỳ. Điều này tương tự về mặt định giá so với thị trường hiện nay.

"Những gì xảy ra tiếp theo tương tự như một số dự báo chính của chúng tôi, rằng đà tăng giá của thị trường đã dừng. Dù tỷ lệ vỡ nợ thấp hơn, nhưng chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ rộng hơn. Các nhà đầu tư có thể nhìn vào năm 2004 để dự báo về cách làm tốt hơn ở thị trường ngày nay", Andrew Sheets đánh giá.

Tuy nhiên, có sự khác biệt vì Fed đã tăng lãi suất vào năm 2004, trong khi hiện tại chỉ báo hiệu rằng việc tăng lãi suất sẽ đến vào năm 2023. Năm 2004 cũng là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi chính sách của Fed và tính thanh khoản của thị trường hiện nay đã khác trước rất nhiều. Vì vậy, việc so sánh không hoàn toàn chính xác.

Mặc dù vậy, chiến lược gia này nhấn mạnh rằng, quan điểm của Fed có thể thay đổi nhanh chóng, giống như vào ngày 1/1/2004, Fed đã nhấn mạnh sự kiên nhẫn, nhưng đến tháng 6/2004 họ đã bắt đầu các đợt tăng lãi suất nhằm nâng mục tiêu lên 4,25% trong vòng 2 năm sau đó.

Tin bài liên quan