Gấp rút ban hành chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
Sự đảm bảo về pháp lý, hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chính là Nhà nước đồng hành cùng tư nhân trên hành trình phát triển, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân

Bước tiến rất dài

Được chuẩn bị hết sức khẩn trương với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Chính phủ (cơ quan được giao chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính) với các cơ quan của Quốc hội (chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế và Tài chính), Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (Dự thảo) đã có bước tiến rất dài.

Đó là nhận xét của Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi điều hành phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo, chiều muộn ngày 14/5. Trước đó, ông Thanh cũng tham dự phiên thẩm tra Dự thảo kéo dài đến gần 18h30 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, ghi nhận nhiều ý kiến hoàn thiện Dự thảo quan trọng này.

Phiên bản Dự thảo chính thức trình Quốc hội ngày 15/5 vẫn gồm 7 chương và 17 điều, với các cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể.

Nhưng, quá trình chuẩn bị và sau phiên thẩm tra, Dự thảo đã có những điều chỉnh. Chẳng hạn, về hỗ trợ thuế, lệ phí, Dự thảo quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo (đề xuất ban đầu là miễn 3 năm và giảm 50% trong 2 năm) đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Hay, miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo (ban đầu là miễn thuế 3 năm và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo) đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Một chính sách mà theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, được nhiều doanh nghiệp đánh giá rất cao là gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá trị không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, chính sách được nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra quan tâm là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Để bảo đảm chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, cơ quan thẩm tra lưu ý, cần bảo đảm quy định rõ ràng về tiêu chí xác định đối tượng cho vay, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại thực hiện nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm khi triển khai thực hiện chính sách.

Với vấn đề được các doanh nghiệp rất quan tâm là thanh tra, kiểm tra, Dự thảo quy định, thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng.

Tương tự, số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bao gồm cả kiểm tra liên ngành cũng không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Dự thảo cũng quy định nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh theo hướng phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo xem xét, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện để có giải pháp chấn chỉnh, kiểm soát quyền lực, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng nội dung này sau khi Nghị quyết được ban hành.

Kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi

Tham dự cả phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn các cơ quan của Quốc hội đã tham gia với Chính phủ ngay từ khi chuẩn bị Dự thảo.

Theo Phó thủ tướng, khó nhất là phân loại và bóc tách nội dung gì thể chế hóa ở Dự thảo, nội dung nào đưa vào các luật đang sửa và nội dung nào sẽ tiếp tục sửa, để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Ông cũng nêu rõ cách tiếp cận của Chính phủ là Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật có trong Chương trình Xây dựng pháp luật kỳ này.

Đối với các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW cần được thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số luật có trong Chương trình Xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ chín, Chính phủ giao các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật này khẩn trương rà soát, nghiên cứu, thể chế hóa ngay tại các dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Còn với các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW mang tính định hướng, chưa cấp bách, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua ở những kỳ họp tiếp theo. Đồng thời, quy định một số nguyên tắc tại Dự thảo Nghị quyết làm định hướng để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật sắp tới.

Hồi âm những băn khoăn về một số nội dung trong Dự thảo chưa đủ cụ thể để đảm bảo triển khai ngay khi ban hành, Phó thủ tướng cho rằng, dù chưa cụ thể hóa hết ngay được những quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hay là các quy định về phá sản, song đó là thông điệp của Quốc hội về triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW và sẽ có tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, thông điệp từ Nghị quyết cũng định hướng cho việc sửa đổi các luật trong thời gian tới.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát thật kỹ lưỡng và tiếp tục hoàn thiện Dự thảo để đảm bảo tính khả thi, triển khai được ngay sau khi ban hành. “Đây là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm, Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động với nhiều nội dung cụ thể hơn nữa”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cho rằng thời gian gấp gáp, chưa có điều kiện nghiên cứu nhiều, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói, sau khi ban hành nghị quyết của Quốc hội, thì có thể trong năm 2026 sẽ xây dựng luật về phát triển kinh tế tư nhân và khi đó, chính sách sẽ toàn diện hơn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, Tổng Bí thư đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần là tư duy điều hành cần chuyển từ quản lý, kiểm soát sang kiến tạo, phục vụ. Nhà nước không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không can thiệp quá sâu vào vận hành của doanh nghiệp. Sự đảm bảo về pháp lý, hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chính là Nhà nước đồng hành cùng tư nhân trên hành trình phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc rà soát các đối tượng đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách để đảm bảo khả thi.

“Rút kinh nghiệm từ một số chính sách đã ban hành như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống Ngân hàng Ngoại thương theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội - PV) đạt kết quả rất thấp”, ông Mẫn lưu ý.

Nhiều chính sách thuận lợi hơn cho doanh nghiệp

Theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, nhiều nội dung tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân đề ra nguyên tắc, chính sách theo hướng thuận lợi hơn, áp dụng trình tự, thủ tục đơn giản hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Dự thảo bảo đảm các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính.

Ủy ban cũng nêu quan điểm của Chính phủ là các chính sách liên quan đến hỗ trợ được thiết kế trên cơ sở “nuôi dưỡng nguồn thu”. Theo đó, các chính sách hỗ trợ này có thể làm giảm nguồn thu trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, doanh nghiệp sẽ có cơ hội, điều kiện để mở rộng sản xuất - kinh doanh, qua đó đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tin bài liên quan