Giao đầu mối thẩm định điều chỉnh Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

0:00 / 0:00
0:00
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 vừa được Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó tổng mức đầu tư dự kiến tăng lên 7.822 tỷ đồng.
Thi công Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

Thi công Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 7809/VPCP – CN gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, GTVT; UBND các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, hoàn thành trước ngày 25/10/2023.

Vào đầu tháng 10/2023, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 11223/TTr- BGTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

Theo Tờ trình số 11223, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 là 7.822 tỷ đồng tăng 1.936 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được phê duyệt tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng 1.034 tỷ đồng chủ yếu do thay đổi về đơn giá bồi thường đất, cây trồng, vật kiến trúc và chính sách hỗ trợ so với thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư.

Chi phí xây dựng, thiết bị tăng 828 tỷ đồng do bổ sung đường gom dân sinh, hiệu chỉnh giải pháp chi tiết về xử lý đất yếu cho phù hợp với kết quả khảo sát địa chất công trình và thiết kế, tối ưu hơn các hạng mục công trình.

Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng 73 tỷ đồng tương ứng theo tỷ lệ tăng của chi phí xây dựng, thiết bị và giữ nguyên tỷ lệ % ước tính như đã được phê duyệt (khoảng 8%) để bảo đảm tránh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhiều lần; bổ sung một số khoản chi phí tư vấn đã thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư trước đây.

Chi phí dự phòng sẽ cơ bản giữ nguyên như đã được phê duyệt, trong đó, Dự án thành phần 1 giảm khoảng 138 tỷ đồng do sử dụng để bố trí cho phần tăng chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng; Dự án thành phần 2 tăng khoảng 139 tỷ đồng tương ứng theo tỷ lệ của các chi phí.

Nguồn vốn thực hiện Dự án tuy vẫn được huy động từ ngân sách nhà nước, nhưng đã có một số thay đổi về quy mô và cơ cấu đối với từng dự án thành phần.

Đối với Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần được bố trí 2.155,8 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương hỗ trợ 1.410,8 tỷ đồng; vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là 745 tỷ đồng. Vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 cho Dự án là khoảng 1.635,2 tỷ đồng.

Đối với Dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản, trong giai đoạn 2021 - 2025, cần được bố trí 2.941 tỷ đồng, trong đó số vốn đã xác định được nguồn vốn là 1.331 tỷ đồng; số vốn đang đề xuất bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 là 1.610 tỷ đồng. Vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 cho Dự án khoảng 1.090 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 769/QĐ-TTg, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài khoảng 27,43km; điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Giai đoạn 1, tuyến cao tốc này được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Tổng mức đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 là khoảng 5.886 tỉ đồng từ vốn ngân sách trung ương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến hết năm 2027. Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được chia thành 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 dài khoảng 16km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỉ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản thực hiện; Dự án thành phần 2 dài khoảng 11,43km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.246 tỉ đồng, do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản thực hiện.

Tin bài liên quan