Giao dịch chứng khoán phiên sáng 9/12: Dòng tiền dè dặt, VN-Index tiếp tục tăng điểm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 9/12: Dòng tiền dè dặt, VN-Index tiếp tục tăng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lượng hàng bắt đáy phiên đầu tuần về tài khoản khiến tâm lý thận trọng trên thị trường dâng cao. Tuy nhiên, VN-Index vẫn duy trì được đà tăng. 

Trong phiên hôm qua, sự vững vàng của nhóm ngân hàng từ sớm, cùng sự ủng hộ tích cực từ nhóm chứng khoán, VN-Index đã bật trở lại và có mức tăng khá tốt.

Đà tăng được nới lên sau giờ nghỉ trưa. Tuy nhiên, khi chỉ số vừa tiến sát ngưỡng 1.460 điểm, lực cung đã gia tăng mạnh khiến thị trường đổ đèo về gần tham chiếu, trước khi nảy nhẹ lên khi đóng cửa.

Bước sang phiên sáng nay 9/12, giao dịch đã tương đối thận trọng ngay từ sớm, khi VN-Index mở cửa trong sắc đỏ với sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng và chỉ đảo chiều nhẹ lên trên tham chiếu nhờ động lực từ một số bluechip và gần như bò ngang sau hơn hơn 1 giờ giao dịch với thanh khoản chậm lại đáng kể.

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng khá dễ hiểu, khi phiên hôm nay lượng hàng T+ ở phiên đầu tuần về tài khoản.

Tâm điểm gần như chỉ dành cho POW và cặp đôi HAG và HNG, khi đang có khối lượng khớp lệnh cao nhất sàn, và mức tăng của HAG-HNG mạnh mẽ nhất khi có thời điểm chạm mức giá trần. Trong khi POW chững lại và chỉ nhích hơn 1,5%.

Ở chiều ngược lại, nhóm IDI, SJF, MCG tiếp tục nằm sàn, khối lượng dư bán sàn vẫn chất đống với IDI và SJF có trên dưới 13 triệu đơn vị.

Tâm lý thận trọng tiếp tục bám lấy thị trường khiến giao dịch khá ảm đạm, thanh khoản sụt giảm mạnh, biến động giá cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành cũng chỉ ở mức thấp. VN-Index tăng điểm nhẹ chủ yếu nhờ một số mã lớn nhích lên, trong khi các mã giảm cũng không mất điểm quá đáng kể.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 216 mã tăng và 194 mã giảm, VN-Index tăng 5,31 điểm (+0,37%), lên 1.458,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 365,5 triệu đơn vị, giá trị 10.241,5 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15 triệu đơn vị, giá trị 678 tỷ đồng.

Nhóm bluechip chỉ còn hai cái tên giao dịch khởi sắc là KDH +3,3% lên 47.300 đồng, khớp hơn 1,3 triệu đơn vị, POW +2,6% lên 15.500 đồng, khớp hơn 18,2 triệu đơn vị.

Còn lại, nhích hơn 1% chỉ có CTG +1,8% lên 33.600 đồng, PNJ +1,4% lên 97.300 đồng, các cổ phiếu GVR, FPT, VRE, MSN, PLX, GAS tăng từ 0,4% đến 0,8%.

Ở chiều ngược lại, không mã nào giảm đến 1%, với ACB, VJC, MBB, HPG, VCB, TPB, VPB chỉ mất từ 0,3% đến 0,7%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực mua cũng chỉ tập trung ở không nhiều, với cặp đôi HAG-HNG vẫn là tâm điểm chính, với thanh khoản HAG cao nhất HOSE với 30,2 triệu đơn vị, HNG theo ngay sau với 18,4 triệu đơn vị.

Kết phiên, HAG tăng 5,4% lên 10.400 đồng, dù có thời điểm chạm giá trần. còn HNG giữ sắc tím +7% lên 9.810 đồng.

Tăng tốt khác còn các cổ phiếu FRT, BCM, DQC khi cũng đã tăng hết biên độ, trong đó, BCM đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 1 điểm tích cực.

Giao dịch tương đối sôi động với thanh khoản cao và tăng tốt có CTD +6,7% lên 87.000 đồng, TCH +6,5% lên 22.200 đồng, GEX +4,2% lên 38.550 đồng, DLG +3,7% lên 7.250 đồng, DXG +3,2% lên 32.150 đồng, VIX +3,2% lên 30.950 đồng, PAN +3,2% lên 38.550 đồng, BCG +3% lên 25.600 đồng…

Nhích hơn 2% có HBC, LCG, CII, VOS, HHS, OGC, APH, FCN, KHG, HAI, SAM, ASM, SVT…

Ở chiều ngược lại, SJF, IDI, MCG vẫn chưa thoát giá sàn, với SJF dư bán sàn 12,75 triệu đơn vị, IDI dư bán sàn 13,8 triệu đơn vị, MCG dư bán sàn 1,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu TNI tái gia nhập nhóm cổ phiếu giảm sàn -7% xuống 8.290 đồng, nhưng thanh khoản tương đối cao với hơn 3,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các sắc đỏ khác tại ITA, TSC, KDC, NLG, ORS, VCI, HCM, CKG, QBS, nhưng mức giảm đa số cũng chỉ dưới 1%, với ITA khớp lệnh cao nhất với hơn 12 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chớm đỏ khi mở cửa, sau đó bật lên trên tham chiếu và giằng co nhẹ quanh tham chiếu cho đến khi kết phiên. Giao dịch cũng thận trọng với thanh khoản sụt giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 104 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index tăng 1 điểm (+0,22%), lên 450,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,5 triệu đơn vị, giá trị 1.384,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,87 triệu đơn vị, giá trị 32,1 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu đáng chú ý như NDN, đã hồi phục khá tốt sau phiên giảm gần 9% hôm qua. Kết phiên NDN +3,7% lên 19.700 đồng, khớp hơn 1,34 triệu đơn vị.

Tương tự, APS sau phiên lao dốc, giảm 8,4% hôm qua cũng đã bật lên +3,9% lên 39.500 đồng, khớp hơn 1,98 triệu đơn vị.

Cổ phiếu CMS biến động mạnh, khi có thời điểm đã tăng vọt lên mức giá trần, nhưng sau đó bị bán ồ ạt và giảm về mức giá sàn -9,9% xuống 33.800 đồng, khớp hơn 1,09 triệu đơn vị.

Ở những nơi khác, SHS, ART, PVC MBG, TIG, TNG, VGS, IDJ kết phiên trong sắc xanh, còn IDC, PVL, HUT, CEO, VIG giảm.

Trong khi đó, hai cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn là KLF và PVS đứng giá tham chiếu, khớp lần lượt 6,26 triệu và 3,71 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu, kết phiên giảm nhẹ, với bảng điện tử phân hóa.

Theo đó, ở nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao, các cổ phiếu VGT, EVF, NED, BVB, ABB, QTP còn tăng và PBC đột biến khi tăng kịch trần +15% lên 16.100 đồng.

Phần còn lại đa số giảm như HHV, BSR, SBS, PAS, CDO, OIL, DDV, TCI, CEN…

Trong đó, HHV khớp lệnh cao nhất UpCoM với 3,63 triệu đơn vị, giảm nhẹ 0,8% xuống 24.700 đồng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,09%), xuống 111,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,4 triệu đơn vị, giá trị 635,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9,48 triệu đơn vị, giá trị 252,2 tỷ đồng, với phần lớn là hơn 6,38 triệu cổ phiếu KLB, giá trị hơn 166 tỷ đồng.

Tin bài liên quan