Grab chuẩn bị niêm yết tại Mỹ với vốn hoá gần 40 tỷ USD

Grab chuẩn bị niêm yết tại Mỹ với vốn hoá gần 40 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Grab - công ty khởi nghiệp giá trị nhất Đông Nam Á sắp niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua thương vụ sáp nhập lớn nhất từ ​​trước đến nay với một công ty mua lại có hình thức đặc biệt (SPAC).

Các công ty cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (13/3) rằng, Grab sẽ có giá trị thị trường khoảng 39,6 tỷ USD sau khi sáp nhập với Altimeter Growth - công ty mua lại có mục đích đặc biệt của Altimeter Capital Management.

Grab đang huy động được hơn 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư bao gồm BlackRock, Fidelity International và T. Rowe Price Group như một phần của đợt chào bán cổ phần lớn nhất tại Mỹ của một công ty Đông Nam Á.

Thương vụ này sẽ biến công ty gọi xe và giao đồ ăn khổng lồ trở thành kỳ lân công nghệ Đông Nam Á đầu tiên ra mắt công chúng thông qua SPAC và cấp vốn cho Grab mở rộng. Grab đang cố gắng tận dụng sự bùng nổ niêm yết SPAC do Mỹ dẫn đầu mặc dù công ty cũng đang có dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh các cơ quan quản lý tăng cường giám sát.

“Đây chắc chắn là một trong những công ty internet tốt nhất. Câu chuyện phía trước còn rất dài và rất rộng cho Grab nếu họ tiếp tục thực hiện”, Brad Gerstner, CEO Altimeter Capital Management cho biết.

Altimeter Capital trước đó đã tổ chức đợt IPO vào tháng 9/2020 và đang đầu tư 750 triệu USD, khoảng 1/5 số tiền mới huy động được vào Grab và hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.

“Từ các quỹ tài sản quốc gia đến quỹ tương hỗ, các nhà đầu tư đẳng cấp thế giới đang đầu tư vào chúng tôi. Thế giới đang nhìn thấy tiềm năng của Đông Nam Á và khu vực này thú vị như thế nào”, Anthony Tan, CEO Grab cho biết.

Thương vụ này đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý của Grab. Dưới áp lực từ SoftBank Group và các nhà đầu tư khác, Grab đã đàm phán về việc có thể sáp nhập với Gojek của Indonesia trong năm 2020. Nhưng các cuộc đàm phán cuối cùng đã sụp đổ vào tháng 12/2020 và Gojek bắt đầu đàm phán với Tokopedia, một gã khổng lồ internet ở Indonesia.

Grab dự đoán lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) sẽ dương vào năm 2023 và đạt 500 triệu USD. Công ty đang dự báo mức tăng trưởng doanh số trung bình hàng năm là 42% trong ba năm tới, với doanh thu đã điều chỉnh đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2023.

Grab cho biết mảng kinh doanh dịch vụ di động của họ đã kiếm được tiền ở tất cả các thị trường, trong khi dịch vụ giao đồ ăn lại không có lợi ở 5/6 thị trường.

Grab cho biết họ có khoảng 72% thị phần gọi xe tại Đông Nam Á, 50% thị phần dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến và 23% thị phần thanh toán qua ví kỹ thuật số vào năm ngoái. Grab trước đây được định giá khoảng 16 tỷ USD, theo một người am hiểu về vấn đề này cho biết.

Hình thức niêm yết thông qua SPAC đang phổ biến ở Mỹ

Thương vụ sáp nhập SPAC đã trở nên phổ biến trong năm 2020 vì điều này cho phép các công ty niêm yết cổ phiếu nhanh hơn so với việc sử dụng quy trình IPO thông thường.

Khi SPAC có được một mục tiêu, công ty được mua sẽ thay thế vị trí của SPAC trên sàn chứng khoán và thường nhận được một mã cổ phiếu mới. Sau khi thỏa thuận với Grab kết thúc, công ty kết hợp dự kiến ​​sẽ giao dịch trên sàn Nasdaq với mã "GRAB".

Một đợt IPO truyền thống yêu cầu một công ty phải thông qua một ngân hàng đầu tư, đưa ra hàng tá tài liệu để các nhà đầu tư xem xét kỹ lưỡng và cuối cùng nói chuyện với các nhà đầu tư tiềm năng trong các buổi roadshow trước khi họ có thể ra niêm yết.

Theo SPACInsider, SPAC đã huy động được hơn 99 tỷ USD trong vòng chưa đầy 4 tháng vào năm 2020. Con số này cao hơn so với tổng số 83,3 tỷ USD của năm 2020 và cao hơn so với tổng số 13,6 tỷ USD của năm 2019.

Sự cuồng nhiệt bùng nổ đối với SPAC là một trong những dấu hiệu nguy hiểm mà giới phân tích cho rằng bong bóng đang hình thành trên thị trường chứng khoán toàn cầu, khi lãi suất thấp và nhu cầu điên cuồng của một số nhà đầu tư đẩy giá lên cao hơn.

Tin bài liên quan