2 tháng qua, giá cổ phiếu BCI có xu hướng tăng, từ 21.000 đồng/CP lên 24.000 đồng/CP

2 tháng qua, giá cổ phiếu BCI có xu hướng tăng, từ 21.000 đồng/CP lên 24.000 đồng/CP

Khang Điền đã hoàn tất việc thâu tóm BCI?

(ĐTCK) CTCP Đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) đã nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI)  lên 57,31% hay chưa, có tham gia mua cổ phần BCI trong đợt phát hành riêng lẻ sắp tới hay không là những câu hỏi mà nhiều cổ đông của 2 công ty này quan tâm.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, những người ngoài cuộc chỉ có thể đưa ra các phỏng đoán theo các kịch bản khác nhau.

ĐHCĐ bất thường BCI diễn ra cuối tuần trước đã thông qua việc KDH nhận chuyển nhượng cổ phiếu BCI, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu BCI của KDH trên 25% và không phải thực hiện việc chào mua công khai theo các quy định pháp lý. Đồng thời, ĐHCĐ BCI cũng thông qua tờ trình phát hành 33,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn lên 1.200 tỷ đồng. Giá chào bán không thấp hơn 120% giá thị trường tại thời điểm phát hành. Thời gian phát hành dự kiến vào năm 2016.

Đầu tuần qua, KDH thông báo về việc tăng tỷ lệ sở hữu tại BCI. Cụ thể, hiện KDH đang sở hữu 20,41% vốn tại BCI và muốn đăng ký mua thêm không quá 32 triệu cổ phiếu BCI, tương đương 36,9% vốn, với giá mua không vượt quá 24.000 đồng/CP.

Nhìn vào thanh khoản của BCI trong 1 tháng trở lại đây có thể thấy, dù đã cải thiện khá nhiều, nhưng giao dịch cũng chỉ khoảng 150.000 cổ phiếu/phiên. Trong khi đó, thời gian KDH đăng ký mua để tăng tỷ lệ sở hữu BCI chưa đầy 1 tháng (từ 3/12/2015 đến 1/1/2016), nên nếu thanh khoản BCI không có sự đột biến, sẽ rất khó để KDH gom mua hàng triệu cổ phiếu BCI qua sàn.

Bình luận về mức giá không quá 24.000 đồng/cổ phiếu mà KDH dự kiến mua cổ phiếu BCI, giới phân tích cho rằng, khả năng là giá đưa ra dựa trên thị giá hiện tại của BCI, nên không loại trừ kịch bản, đã có sự gom mua cổ phiếu BCI trên sàn và cả giao dịch thỏa thuận từ trước đó. Trước đó, BCI có đợt tăng từ 19.500 đồng/CP lên đến 24.000 đồng/CP và bây giờ là thủ tục thỏa thuận giữa KDH với các môi giới, các bên mua gom và một vài cổ đông khác đang sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu BCI như Ngân hàng TMCP Phương Nam, ông Trầm Bê, Norges Bank…

Kỹ thuật này cũng không có gì mới so với phương pháp được áp dụng trong các thương vụ mua chi phối trước đó.

Lập luận của giới phân tích, tuy chưa có bằng chứng xác thực, nhưng không phải không có cơ sở, vì vào khoảng quý II năm nay, nhiều cổ đông lớn của BCI liên tục thoái vốn. Chẳng hạn, HFIC thoái toàn bộ 24 triệu cổ phiếu (27,9% vốn); Red River Holding cũng thoái hết 3,6 triệu cổ phiếu (4% vốn) theo phương thức thỏa thuận. Danh tính bên nhận chuyển nhượng cổ phiếu BCI qua hai đợt thoái vốn này hiện chưa lộ diện.

Chỉ có một sự trùng hợp đáng chú ý là tháng 10 vừa qua, khi nhóm Dragon Capital công bố bán gần 15 triệu cổ phiếu BCI (17,2% vốn) thì KDH cũng công bố thông tin mua gần 17,7 triệu cổ phiếu BCI (20,41% vốn).

Để mua đến tối đa 32 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu ở BCI lên 57,31% thì có thể KDH vẫn phải tiếp tục thỏa thuận với các cổ đông lớn khác của BCI. Nếu đạt tỷ lệ này, KDH trở thành cổ đông chi phối BCI và nếu có thể liên kết được với vài cổ đông khác để đạt tỷ lệ 65% vốn điều lệ tại BCI thì nhóm cổ đông KDH có quyền thông qua mọi quyết định có tính chiến lược tại BCI.

KDH có tham gia mua (một phần hoặc toàn bộ) cổ phần BCI trong đợt phát hành 33 triệu cổ phiếu sắp tới để đạt được tỷ lệ chi phối BCI hay sẽ ngồi cùng BCI để tìm cách huy động vốn từ bên ngoài?

Đáng chú ý, phiên giao dịch sáng ngày 3/12/2015, chỉ trong 1 giờ đầu phiên, 32 triệu cổ phiếu BCI đã được giao dịch thỏa thuận, mức giá đều là 24.000 đồng/CP, tương ứng giá trị giao dịch lên tới 768 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi BCI phát hành cổ phiếu tăng vốn lên 1.200 tỷ đồng vào năm 2016 thì tỷ lệ sở hữu của KDH giảm xuống chỉ còn 41% vốn BCI, từ đó giảm ảnh hưởng của KDH đến BCI. Vậy KDH có tham gia mua (một phần hoặc toàn bộ) cổ phần BCI trong đợt phát hành 33 triệu cổ phiếu sắp tới để đạt được tỷ lệ chi phối BCI hay sẽ ngồi cùng BCI để tìm cách huy động vốn từ bên ngoài? Câu hỏi thú vị này hiện vẫn chưa có đáp án.

Chia sẻ tại ĐHCĐ bất thường mới đây, ông Nguyễn Thụy Nhân, Tổng giám đốc BCI cho biết, từ năm 2016, BCI sẽ triển khai nhiều dự án lớn, bung hàng và tái khởi động thêm 2 dự án ở Bình Chánh và Tân Tạo. Riêng nguồn vốn dự kiến chỉ để giải phóng mặt bằng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, việc huy động thêm vốn là rất cần thiết. Trong đợt tăng vốn lên 1.200 tỷ đồng sắp tới, toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ bổ sung vốn vào các dự án Green Village (Phong Phú 2), Corona City (11A), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân và Trung tâm dân cư Tân Tạo.

Trong khi đó, tính đến thời điểm 30/9/2015, tổng tài sản ngắn hạn của BCI gần 2.392 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng tồn kho gần 2.252 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn hơn 142 tỷ đồng. Rõ ràng, tiềm lực tài chính hiện tại của BCI vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển dự án của Công ty trong thời gian tới.      

Tin bài liên quan