Cầu Hùng Vương - gạch nối TP. Tuy Hòa và đô thị Nam Tuy Hòa ngay cửa Đà Diễn

Cầu Hùng Vương - gạch nối TP. Tuy Hòa và đô thị Nam Tuy Hòa ngay cửa Đà Diễn

Khát vọng đôi bờ sông Ba

0:00 / 0:00
0:00
Sông Ba được xem là long mạch của vùng đất Phú Yên, là dòng chảy nối quá khứ với hiện tại, là tài nguyên quan trọng để Phú Yên bước vào tương lai.

Hùng vĩ sông Ba “Sông Ba chảy xuống Đà Rằng Ai thương Đắk Lắk cho bằng Phú Yên”

Câu ca dao đã phản ánh chính xác về vị thế địa - văn hóa của sông Ba, một trong những con sông lớn nhất ở miền Trung bắt nguồn từ Tây Nguyên. Với vị thế địa lý đó, sông Ba đã đóng một vai trò quan trọng, là con đường giao lưu thương mại, giao thoa văn hóa của các tộc người trong tiến trình lịch sử.

Bắt nguồn từ những lạch suối nhỏ trên cao nguyên Kon Plông (tỉnh Kon Tum) ở độ cao 1.549 m, sông Ba giống như những chàng trai Xê Đăng, Ba Na lực lưỡng và kiêu hãnh. Từ điểm khởi nguồn, sông Ba uốn lượn trên các cao nguyên thuộc vùng cực Bắc Tây Nguyên, đi qua các huyện Kbang, An Khê, Đăk Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa của tỉnh Gia Lai. Tại đây, dòng sông đổi hướng để vào huyện Krông Pa rồi đi vào địa phận tỉnh Phú Yên theo hướng Tây - Đông. Kết thúc cuộc hành trình dài 374 km, sông Ba hòa vào đại dương ở cửa biển Đà Diễn (còn gọi là cửa Đà Rằng), phía Nam TP. Tuy Hòa.

Trước khi đổ ra biển lớn, sông Ba còn hào phóng uốn mình, tạo thành một vùng châu thổ rộng trên 20.000 ha, chính là cánh đồng Tuy Hòa rộng nhất Nam Trung bộ. Từ hệ thống thủy nông Đồng Cam, nước từ sông Ba được đưa vào tưới cho cánh đồng lúa rộng lớn này. Không chỉ phục vụ sản xuất, sông Ba còn góp phần tạo cảnh quan cho các đô thị ven sông nhờ những cây cầu bắc qua đôi bờ như cầu Hùng Vương, cầu đường sắt, cầu 21 nhịp (cũ và mới), cầu Đà Rằng (tuyến tránh quốc lộ) và xa hơn nữa là cầu Dinh Ông (huyện Phú Hòa), cầu Sông Ba Hạ... vừa đẹp, vừa thông thoáng giao thông, tạo cảnh quan cho đô thị mới văn minh, hiện đại.

Tuy Hòa Từng có những ước vọng bắc thêm 2 cây cầu từ đường Phan Đình Phùng và đường Nguyễn Trãi qua thôn Ngọc Lãng, giống các cầu trên sông Seine ở Pari (Pháp), hay các con kênh ở Amterdam (Hà Lan). Điều đó đang được tỉnh Phú Yên từng bước biến thành hiện thực để phù hợp với xu thế đô thị ven sông hiện đại, giống như Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn..., mà đẹp nhất phải nói đến Đà Nẵng, đô thị ven sông Hàn.

Mỗi vùng đất ven sông luôn mang bản sắc riêng, từ giọng nói, tín ngưỡng, ẩm thực, văn hóa nghệ thuật đến văn minh sông nước. Điển hình như sông Hồng có văn minh sông Hồng, nơi làn điệu cò lả mềm mại rồi vút cao như dòng chảy của nó qua các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Cửu Long giang mênh mông với điệu cải lương, đờn ca tài tử nơi đất chín rồng và miền Trung với phương ngữ cùng những bài hò Huế, hò bả trạo. Dòng sông Ba cũng không ngoài quy luật ấy, với hát bài chòi Phú Yên. Giá trị văn hóa này cũng là điểm nhấn thu hút du khách khi du lịch văn hóa đang lên ngôi.

Quay trở lại Tuy Hòa, trước kia mỗi mùa nước lớn, từ phường 2, phường 3, phường 4 đến phường 6 đều bị ngập. Để xoá ngập, tỉnh Phú Yên cho xây kè tạo cảnh quan đô thị và thoát lũ. Trên tuyến kè này, hàng đêm, đèn điện từ các khách sạn cao tầng, nhà hàng, quán ăn bật sáng khiến mặt sông Ba lấp lánh huyền ảo. Một không gian sống an toàn cho người dân được tạo ra, đồng thời tạo điểm nhấn mới để khi đến Tuy Hòa, đến “xứ nẫu”, du khách nao lòng mỗi khi đứng bên bờ sông Ba ngắm núi Nhạn, ngắm những cây cầu như dải lụa mềm vắt qua sông, lạc vào những câu chuyện cổ tích thời hiện đại từ đô thị ven sông lãng mạn và kiêu sa.

TP. Tuy Hòa có điều kiện để xây dựng một đô thị biển hiện đại, văn minh và đầy quyến rũ

TP. Tuy Hòa có điều kiện để xây dựng một đô thị biển hiện đại, văn minh và đầy quyến rũ

Xây dựng một đô thị văn minh, quyến rũ

Sông Ba là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ với: “Nước sông Ba chảy qua Thạch Hội/ Lỡ quen biết rồi, nỡ vội đi đâu”. Và nay, dòng sông sinh thái đang được tư vấn quy hoạch theo định hướng của Phú Yên, sẽ khiến những bước chân du khách dùng dằng không nỡ rời xa xứ xở này.

Theo quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 mà tư vấn quy hoạch vừa báo cáo lãnh đạo tỉnh Phú Yên, dọc hai bên bờ sông Ba sẽ có thêm những đô thị mới như: Đồng Cam (Phú Hòa), Sơn Thành Đông (Tây Hòa), Tân Lập (Sông Hinh), Vĩnh Phú (Phú Hòa), Ngọc Lãng (Tuy Hòa), Nam Sông Ba (Tuy Hòa) và Bắc Sông Ba (Tuy Hòa và Phú Hòa).

Tổng diện tích phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch rộng hơn 613 km2, tư vấn quy hoạch đã đưa ra những ý tưởng táo bạo, bao gồm một phần diện tích tự nhiên của các đô thị, xã, phường, thị trấn nằm dọc hai bên bờ sông Ba. Trong đó, chiều dài khu vực nghiên cứu khoảng 45 km theo hướng Đông - Tây tính từ cửa sông Đà Diễn về phía Tây giáp tỉnh Gia Lai; chiều rộng khu vực nghiên cứu ở hai bên bờ sông Ba, mỗi bên khoảng 4 - 5 km. Khu vực được định hướng để phát triển đô thị rộng gần 23.000 ha, bao gồm đô thị mới rộng hơn 11.800 ha, khu vực cải tạo đô thị rộng 4.850 ha, khu vực có chức năng chuyên biệt rộng gần 6.300 ha.

Đồ án quy hoạch cũng tính toán yếu tố thủy văn của sông Ba, trong đó có tính đến việc xây dựng để ngăn mặn, khơi thông dòng chảy, đảm bảo tàu thuyền du lịch trên sông, an toàn cho các công trình kiến trúc dọc bờ. Giải bài toán đưa cư dân đến với khu đô thị này, quy mô dân số, đối tượng… để đảm bảo tính khả thi khi các đơn vị vào đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế phấn khởi cho rằng, khi quy hoạch này được phê duyệt, sẽ góp phần cụ thể hóa Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2025; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Yên năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đã được phê duyệt. Đồng thời, xác định những động lực chính, tính chất, quy mô phát triển đô thị, dân cư trong vùng; xác định chức năng sử dụng đất cho từng khu đất phù hợp với từng loại hình kinh tế - xã hội, khu vực bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích danh thắng và điều kiện tự nhiên…

Với việc mở rộng không gian đô thị kết nối với sông Ba, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Tuy Hòa có điều kiện để xây dựng một đô thị biển hiện đại, văn minh và đầy quyến rũ. Bên cạnh bờ biển đẹp, còn có sông Ba và cửa biển cho đô thị này thêm vẻ thơ mộng. Bởi thế, ngoài tổ chức không gian kiến trúc đô thị dọc bờ biển với nhiều quảng trường, thì không gian đô thị hai bên bờ sông Ba phải được xem là quan trọng. Phía Bắc và Nam sông Ba được nối bằng những chiếc cầu, đường dạo hai bên sông và tổ chức các không gian chức năng đô thị khác.

“Khu đô thị mới phía Nam sông Ba kết hợp với sân bay Tuy Hòa phải được nghiên cứu sâu hơn, với tính chất một đô thị sinh thái, xanh, thông minh và phát triển bền vững. Cần phải xem xét cảng du thuyền tại cửa sông Ba là một dự án quan trọng cho sự phát triển du lịch hướng biển và tầm vóc của đô thị biển quốc tế”, ông Trần Ngọc Chính góp ý.

Hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị ven sông Ba thuộc tỉnh Phú Yên đã được UBND tỉnh ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH VinaCapital Real Estate ngày 20/2/2021 để tài trợ triển khai thực hiện.

Ngày 11/5/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ Hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Ba thuộc tỉnh Phú Yên, do Công ty TNHH Vinacapital Real Estate tài trợ toàn bộ chi phí lập Hồ sơ đề xuất và các chi phí khác có liên quan theo quy định trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không có sự ràng buộc về nghĩa vụ tài chính và các quyền lợi khác đối với tỉnh.

Tin bài liên quan