Trong vòng 2-3 tuần nay, lãi suất (LS) tiền gửi VND tăng nhẹ trở lại. Điều đó cho thấy nhu cầu vốn VND của các NH đang tăng lên.
Năm 2008, tình hình tiền gửi của các NH biến động rất nhanh, mạnh về LS và nguồn vốn.
Tuy nhiên từ 19/2/2009 đến nay, LS tiền gửi VND (cả LS vay mượn giữa các NH trên thị trường nội tệ liên NH) bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ. Hiện tại, mức LS huy động VND phổ biến của các NHTM nhà nước dao động từ 6,5%-7,5%/năm cho kỳ hạn dưới và đến 12 tháng. Tương tự, khối NHTMCP cao hơn ở mức 7,2% đến 7,5%/năm. LS vay/mượn VND trên thị trường liên NH qua đêm đến 2 tuần ở mức từ 7,2%-8,1%/năm.
Mặc dù tại một số địa bàn kinh tế lớn như Hà Nội và TPHCM tháng 2/2009 tốc độ tăng dư nợ cho vay lớn hơn tốc độ tăng vốn huy động, nhưng tính chung toàn hệ thống thì tốc độ tăng vốn huy động vẫn cao hơn.
Tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng nhìn chung đang ở trạng thái tốt. Vốn khả dụng của các NHTM có xu hướng tăng. Tỉ lệ sử dụng vốn huy động để cho vay nền kinh tế tuy đã cao hơn những tháng trước, nhưng nguồn vốn còn khá dồi dào.
Bên cạnh đó, có thông tin là một số NH đang tìm biện pháp thuyết phục người gửi tiền LS cao từ nửa cuối năm 2008 rút trước hạn. Nếu chỉ nhìn tổng thể như vậy thì tương đối khó giải thích vì sao các NH lại tăng LS tiền gửi VND khi không thiếu vốn.
Theo ý kiến của một số NHTM thì, việc tăng LS lần này là để phù hợp với diễn biến của thị trường, chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng kế hoạch giải ngân đẩy mạnh cho vay theo chương trình hỗ trợ LS của Chính phủ và nhu cầu vay tiêu dùng... Đây cũng là một trong những nguyên nhân. Tuy nhiên, có thể còn có nguyên nhân khác. Về cơ cấu nguồn vốn, nhiều khả năng, trong 2 tháng đầu năm 2009 đã có sự biến động cơ cấu tiền gửi.
Do giá USD thực tế và kỳ vọng tăng, nên một số người gửi tiền đã chuyển tiết kiệm từ VND sang USD (xu hướng này rõ nhất là ở những người có số tiền gửi VND lớn). Bản thân một số tổ chức cũng có xu hướng giữ USD trên tài khoản vì sợ biến động tỉ giá. Vì vậy, tổng nguồn vốn vẫn tăng nhờ mức tăng cao của tiền gửi ngoại tệ.
Tiền gửi tổ chức luôn trong xu hướng giảm từ năm 2008 đến nay. Lý do là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng tài chính yếu do sức cầu thu hẹp nên đa phần DN tận dụng tối đa vốn tự có của mình, giảm vay và giảm số dư tiền gửi tại NH.
Bên cạnh đó, gần đây có dư luận hiện tượng vài DN có vốn tiền mặt lớn đã sử dụng cho vay "đảo nợ" một số DN thuộc diện hỗ trợ LS, nhưng tạm thời chưa có dòng tiền trả nợ những hợp đồng vay cũ LS cao để được vay hỗ trợ LS.
Ngoài ra, do được hỗ trợ LS và áp dụng LS trần nên LS cho vay VND hiện ở mức thấp, trong khi đó LS cho vay USD hiện vẫn cao, phổ biến từ 6%-7,5%/năm. Vì vậy, DN chỉ muốn vay VND, giảm mạnh nhu cầu vay ngoại tệ.
Mặt khác, nhu cầu vay/mượn VND trên thị trường nội tệ liên NH có xu hướng tăng. Đây là một kênh đầu tư vốn khá quan trọng của các NH, tuy LS không cao bằng cho vay trực tiếp nền kinh tế, nhưng an toàn và ít chi phí nên các NH cũng muốn có nguồn vốn VND lớn (từ dân cư và tổ chức khác) để cho vay thị trường này.
Mặt bằng LS tiền gửi VND trong vài tháng tới có thể ở mức từ 7%-8,5%/năm. Như vậy, khả năng LS cho vay thoả thuận sẽ được điều chỉnh tăng cao hơn mức hiện nay một chút. Còn LS cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ ổn định ở mức 10%-10,5%/năm.